Mỹ - Hàn Quốc dự định chính thức kết thúc tình trạng Chiến tranh Triều Tiên

Các quan chức chính phủ Hàn Quốc xác nhận đang tổ chức các cuộc thảo luận với Mỹ về việc chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, trước khi chính quyền mới được bầu chủ trì đất nước.

Ngày 13/10, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo Hyuck đưa ra chủ đề này trong một cuộc họp với các nhà lập pháp Hàn Quốc tại đại sứ quán ở Washington, DC.

Ông Lee Soo Hyuck nhấn mạnh rằng các quan chức cấp cao Mỹ đã “tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc và hiểu rõ những mục đích đạt được”.

Trên phương diện lý thuyết, Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên, sau khi ký hiệp định đình chiến cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Suh Hoon cũng đã tới Washington trong tuần qua để hội đàm cấp cao với các quan chức Mỹ.

Quan chức an ninh quốc gia hàng đầu Hàn Quốc, trả lời phỏng vấn trong cuộc họp báo cho biết, ông dự kiến thảo luận về chủ đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh với Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden.

"Chúng tôi cho rằng đã đến lúc tham vấn ... và xác định mối quan hệ liên Triều, quan hệ Triều Tiên-Mỹ" - ông Suh nói với các phóng viên tại sân bay ngày 10/10.

Mối quan tâm của Hàn Quốc trong việc chấm dứt tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh đạt đỉnh điểm trong những tuần gần đây.

Tổng thống Moon Jae-in, từ lâu ủng hộ vấn đề này trong nhiệm kỳ của mình, kêu gọi các bên ký kết hiệp định đình chiến “cùng nhau và tuyên bố kết thúc tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên” trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng 9/2021.

Ông phát biểu: “Khi các bên liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên cùng nhau tuyên bố chấm dứt chiến tranh, tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được tiến bộ không thể đảo ngược trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và mở ra một kỷ nguyên hòa bình hoàn toàn”.

Các bên liên quan trong Chiến tranh Triều Tiên bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc.

Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên, quan chức cấp cao trong Đảng Lao đông Triều Tiên, mô tả ý tưởng này là “đáng quan tâm” và “tốt”.

Tháng 9, trong một tuyên bố, được Cơ quan thông tấn Trung ương Triều Tiên đăng tải, bà Kim nói: "Chúng tôi đã thảo luận về việc tuyên bố chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh ... đây có thể là sự khởi đầu của việc thiết lập một hệ thống đảm bảo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên".

Chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên sẽ đánh dấu một chiến thắng chính trị lớn cho Tổng thống Moon Jae-in và Đảng Dân chủ cầm quyền. Ông Moon Jae-in, giới hạn nhiệm kỳ 5 năm theo luật pháp Hàn Quốc, sẽ từ chức vào tháng 3/2022.

Nhưng một số nhà quan sát Bán đảo Triều Tiên đã đưa ra những lo ngại về vấn đề này.

Ngày 14/10, Soo Kim, nhà phân tích chính sách của Rand Corp., trợ giảng tại Đại học Mỹ, trả lời phỏng vấn trang Sao và Vạch (Stars and Stripes) trong một email: “Một động thái theo hướng kết thúc Chiến tranh Triều Tiên có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể trong động lực khu vực. Đó là một “thành công” chính trị ngắn ngủi và thậm chí còn đáng nghi ngờ là thành công".

Soo Kim nhấn mạnh rằng, một tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ "đánh dấu chiến thắng đầu tiên trong hàng loạt chiến thắng chiến lược" của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Bà cho rằng: “tuyên bố này thách thức các cơ sở căn bản cho sự hiện diện quân đội Mỹ trên bán đảo và sự tồn tại của liên minh quân sự Mỹ - Hàn Quốc”.

Theo Đời sống - Tri thức cuộc sống
back to top