Muốn sống chung an toàn với Covid-19, phải kiểm soát được dịch

Trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ–CP của Chính phủ, thích ứng an toàn với dịch Covid-19, các hoạt động được nới lỏng để dần mở cửa phát triển kinh tế và bình thường các hoạt động xã hội, nhiều địa phương đã xuất hiện ca mắc mới, đa số là người từ vùng dịch về. 

Các chuyên gia cảnh báo, thời điểm này nếu không kiểm soát chặt, có thể nhiều địa phương sẽ bùng dịch.

Phải chấp nhận sẽ có những ca mắc mới

Trao đổi với PV KH&ĐS về việc khi thực hiện “bình thường mới” nhiều tỉnh thành ghi nhận các ca F0 về từng vùng dịch (đã được tiêm văcxin), các ca lây nhiễm từ F0 và các ca nhiễm mới trong cộng đồng... ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới T.Ư, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nhấn mạnh, phải xác định sống chung với COVID-19, nhưng phải kiểm soát được nó.

Bởi khi mở cửa, người dân đi lại tự do hơn,  việc người nhiễm bệnh về từ vùng có dịch đến các vùng khác hoàn toàn có khả năng xảy ra. Phải chấp nhận thực tế sẽ phát hiện những ca mắc mới, thậm chí phải chấp nhận sự xuất hiện của những chùm ca bệnh và ổ dịch mới.

Hơn nữa cần xác định rõ việc tiêm văcxin chỉ bảo vệ cho người được tiêm giảm nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong chứ không ngăn được sự lây nhiễm COVID -19. Đặc biệt với biến chủng Delta, người tiêm đủ văcxin vẫn có thể bị nhiễm và có nồng độ virus cao trong họng, cho nên vẫn có thể truyền bệnh cho những người chưa có miễn dịch và gây lây nhiễm trong cộng đồng.

kiem-soat-chat-2(2).jpg
Sống chung phải kiểm soát không dễ xảy ra thảm cảnh giống TP. Hồ Chí Minh

Trong 24 ca dương tính với Covid-19 ở Quảng Bình được ghi nhận ngày 21/10, có 13 ca là công dân trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam và 11 trường hợp là F1 của người trở về từ miền Nam.

Tính đến 18h ngày 20/10, Thanh Hóa ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 17 ca bệnh trong cộng đồng, những trường hợp còn lại là người dân Thanh Hóa trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam và đang thực hiện cách ly theo quy định.

Ngày 20/10, Hà Nội 9 ca F0 đều liên quan tới người về từ vùng dịch

Ngày 21/10, trong 17 ca mắc mới tỉnh Phú Thọ có 2 ca ghi nhận cộng đồng và hiện dịch đã lây lan vào khu công nghiệp...

Muốn sống an toàn thì phải kiểm soát được

Vì vậy, phải kiểm soát chặt chẽ người từ vùng dịch lưu hành nặng. Bởi người ở vùng dịch lưu hành nặng dù đã tiêm vẫn có thể có virus trong người nên phải được quản lý giám sát chặt. Tức là phải biết người ta về từ đâu, đi đâu. Nếu chấp nhận cho người ta vào thì bắt buộc phải xét nghiệm, giám sát khi vào và sau khi hết cách ly.

Nếu chúng ta thả rơi nhóm này thì nguy cơ bùng phát dịch đợt mới sẽ xuất hiện. Do vậy, cần tuyên truyền cho người dân về tự giác khai báo, nhất là những người đi về theo diện đường mòn, lối mở không được quản lý. Việc quản lý, ngoài theo quy định chung thì người dân ở địa phương là nguồn nắm bắt rõ nhất.

Hơn nữa, trong giai đoạn này, những người có biểu hiện: sốt, ho, đau họng, thay đổi khứu giác vị giác, mệt mỏi, choáng váng...phải được xét nghiệm để chẩn đoán đánh giá.

Chỉ có phát hiện được sớm ca mắc, mới xác định được ổ dịch từ đó ngăn chặn được sớm.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cho biết, việc xuất hiện nhiều ca F0 về từ vùng dịch và các ổ dịch ngoài cộng đồng khiến cho việc kiểm soát dịch khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ này ở các tỉnh thành vẫn còn ít nên còn kiểm soát được. Nếu không kiểm soát tốt, thả lỏng thì chỉ sau một vài tháng dịch sẽ bùng trên diện rộng thì không thể kiểm soát được.

Theo ThS.BS Hà, muốn sống an toàn thì phải kiểm soát. Việc kiểm soát phải dựa vào dịch tễ học cấp độ ở từng địa phương, từng vùng cho chặt chẽ. Người đến từ các vùng nguy cơ cao, từ các ổ dịch... phải được theo dõi và giám sát chặt để tránh lây dịch ra cộng đồng.

Với tình trạng tiêm văcxin hiện nay ở các tỉnh còn rất thấp và hệ thống y tế mỏng manh, nếu không kiểm soát tốt, để dịch bùng phát trở lại nhiều tỉnh, thành sẽ phải trả giá giống như thảm cảnh ở TPHCM...

“Thực tế, hầu hết các tỉnh, thành phố đều chưa bao phủ được văcxin COVID-19, chủ yếu chỉ đạt từ 30-40% tỉ lệ người tiêm văcxin. Đặc biệt, đa số tỉnh thành vẫn chưa đạt được mục tiêu bao phủ văcxin cho người >50 tuổi, người mắc bệnh lý nền là những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong. Do đó, nguy cơ dịch bùng phát ở những tỉnh này rất cao, đe dọa tới mục tiêu sống an toàn cùng COVID-19. Vì thế các địa phương phải tuân thủ quy định phòng dịch nghiêm ngặt và có chính sách tiêm văcxin khôn ngoan hơn” – ThS.BS Nguyễn Hồng Hà.

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top