"Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy": Nhớ mãi món quà là một túi khoai lang

Một chiều gần đến ngày 20/11, đợi tôi ngoài cửa lớp là người phụ nữ lớn tuổi, bộ quần áo cũ kỹ cùng chiếc túi dứa đựng đầy khoai lang.

Túi khoai lang và người bà lam lũ

Năm đầu tiên ra trường, tôi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm một lớp 2. Sắp đến ngày 20/11, vào một buổi chiều muộn, tôi bước ra khỏi lớp thì thấy một người phụ nữ lớn tuổi, mặc bộ quần áo ở nhà rất cũ, bà đã đứng đó đợi tôi từ khi nào.

co-giao-le-thi-thanh-huyen.jpg
Cô giáo Lê Thị Thanh Huyền, Trưởng Tiểu học Thụy Lâm A, Đông Anh, Hà Nội bên các học sinh thân yêu. Ảnh: NVCC.

Vừa nhìn thấy tôi, bà dúi vào tay tôi một chiếc túi dứa đựng đầy khoai lang. Tôi bối rối không biết cư xử thế nào. Từ chối mãi cũng không đành, chị đồng nghiệp bên cạnh thì nói đỡ phụ huynh, nên cuối cùng túi khoai để lại.

Bà là bà nội của cậu bé học lớp tôi, em đã mất cả cha lẫn mẹ, bà thay cha mẹ chăm lo cho em. Khi em bị ốm, tôi đến thăm em, ngồi trên cái chõng tre cọt kẹt, bà cứ nắm mãi tay tôi mà khóc, kể về cậu bé mồ côi xiết bao đáng thương.

Đã 20 năm trôi qua, mỗi khi nghĩ về nghề, tôi lại nhớ tới món quà 20/11 là một túi khoai của người phụ nữ lam lũ, vất vả.

Tôi nghĩ đến cậu bé nghịch ngợm mà tôi dành nửa học kì để kèm con học mỗi ngày, thấy dâng lên một thứ cảm xúc kì lạ. Tôi như thấy lại chính hình bóng mình trong cậu bé ấy.

Người thầy chủ nhiệm kính yêu

Bởi chữ duyên, tôi đến với nghiệp làm thầy. Là cô giáo khi mới đôi mươi, nhiệt huyết tuổi trẻ đang độ sôi nổi, tràn trề, nhưng gặp đúng thời buổi xin việc khó khăn, có đôi lúc tôi đã từng ngồi ngẫm nghĩ lại để tìm con đường đi khác để ổn định cuộc sống.

Nhưng bố tôi là người đã luôn động viên tôi đi theo nghề thầy. Lúc tôi đăng kí chọn trường để thi đại học, người hướng tôi đến với sư phạm là ông. Lúc tôi đang chới với trong nghiệp làm thầy với mức lương hợp đồng bèo bọt, đôi lúc có ý định bỏ nghề, bố tôi đã luôn chỉ nói với tôi một câu: “Ngoài bố mẹ, con nghĩ xem mình được như ngày hôm nay là nhờ vào ai?”

Tôi hiểu, bố tôi muốn tôi theo nghề giáo, để trả nợ chính những ân tình mà tôi đã được nhận lại từ người thầy chủ nhiệm của mình.

Ngày tôi học lớp 7, tôi đã từng là một học sinh bướng bỉnh, nổi loạn nổi tiếng cả trường cấp hai. Nếu không có thầy giáo chủ nhiệm lớp 7, tôi đã chẳng đi nổi con đường học tập đến tận bây giờ.

Có lẽ vì thế, nên với thầy, bố tôi luôn đặt trong lòng một sự kính trọng sâu sắc. Sự kính trọng xuất phát từ tình cảm chân thành của ông vì biết ơn thầy đã đưa tôi từ một “đầu gấu” trường, trở thành một đứa học trò ngoan ngoãn, giỏi giang trong mắt mọi người.

Khi tôi lập gia đình, người đầu tiên bố tôi mời, đó là thầy giáo chủ nhiệm cũ của tôi. Bố tôi đã muốn thầy chứng kiến ngày lễ trọng đại, hạnh phúc của cuộc đời tôi, của đứa học trò mà thầy đã có công “cứu vớt”, nối nghiệp thầy. Trong lòng tôi đã xiết bao xúc động.

Hãy “yêu” thầy bằng sự tôn trọng, chân thành

20 năm làm nghề, tôi đã trải qua bao buồn vui của một nghề nhiều nhọc nhằn, vất vả nhưng cũng thật nhiều hạnh phúc.

Hôm qua, có một nhà báo hỏi tôi nghĩ gì về câu “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” thời nay.

Tôi chợt nghĩ đến có những phụ huynh, cả năm học chẳng một lần hỏi thăm thầy cô về việc học tập của con, cũng chưa một lần kiểm tra sách vở của chúng, nhưng đến ngày 20/11 thì túi lớn, túi bé, phong bì đến nhà thầy để bày tỏ mình biết “yêu lấy thầy” và quan tâm đến con cái.

Điều đó dẫn tới, có những thầy cô mặc định sự quan tâm của phụ huynh theo giá trị những món quà của phụ huynh, để rồi đánh giá học trò theo cách mà bố mẹ chúng thể hiện sự “quan tâm”.

Để rồi, trong một giờ học online nào đó, cô giáo nhắc nhở hơi gay gắt với học sinh, vì con liên tục bật micro trong giờ, làm ồn không thể giảng bài được thì phụ huynh đã đăng ngay lên một nhóm trò chuyện kín. Ngay lập tức, cô giáo trở thành trung tâm của những bình luận đầy chỉ trích, xúc phạm, thậm chí bị là “con” là “nó”.

Buồn đấy, đau đấy, nhưng biết làm sao được khi phụ huynh cho rằng mọi thứ như sự trao đổi, bán mua.

Và những ngày lễ, tết, cũng chính những phụ huynh đó vẫn lên mạng viết những lời hoa mỹ, đẹp đẽ, chúc mừng cô giáo của con mình.

Nhưng tôi cũng từng chứng kiến, có bác phụ huynh đứng ngoài chợ, nghe mấy người tranh cãi nhau về một cô giáo đã từng chủ nhiệm lớp con mình với nhiều lời chỉ trích đã sẵn sàng lên tiếng bênh vực:

“Các ông bà phải nghĩ thử xem, tại sao cô giáo đánh giá con mình như thế? Đừng có nghĩ tại mình không đóng phong bì cho cô. Con tôi đã từng học cô, cô giáo rất công tâm và quan tâm đến học trò, mà nhà tôi chưa bao giờ mua quà cô ngoài cái bưu thiếp con bé tự làm đâu”

Tôi, một giáo viên đi ngang qua câu chuyện tình cờ, bỗng dưng thấy được tiếp thêm một nguồn động viên cho nghề mình đã chọn.

Xã hội phát triển, cách thể hiện tình cảm cũng không thể dập khuôn mãi trong một lối mòn. Nhưng tôi cho rằng, bất kì là thể hiện theo cách nào thì đều cần xuất phát từ sự chân thành.

Với nhiều thầy cô giáo như tôi, một món quà quý không phải ở giá trị vật chất, mà ở tấm lòng, trái tim người trao tặng.

“Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, nhưng hãy “yêu” thầy bằng sự tôn trọng, biết ơn thực sự. Đó chính là món quà quý nhất.

Ghi theo tâm sự của cô giáo Lê Thị Thanh Huyền

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top