Mượn cớ dịch Covid-19, vàng "nhảy múa" vì bị làm giá?

(khoahocdoisong.vn) - Trong vài ngày gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng điều chỉnh giá liên tục, dù hiện giá đã giảm mạnh so với đỉnh, nhưng giá vàng lên xuống với biên độ lớn vẫn thu hút sự quan tâm nhất trên thị trường tài chính.

Vọt đỉnh sau 7 năm

Các tia hy vọng kiểm soát dịch Covid-19 đang dần bị dập tắt khi các ổ dịch liên tục được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, nổi bật nhất là ở Hàn Quốc, Ý, Nhật Bản và Iran. Chính điều này làm nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh sẽ khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái.

Tại bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, nhu cầu tìm chỗ trú ẩn an toàn là điều thường thấy, trong đó vàng là căn “hầm” hàng đầu đối với tất cả nhà đầu tư.

Trước đó, việc nhanh chóng cắt giảm lãi suất của các quốc gia trên thế giới cũng vô tình làm tăng thêm sự hấp dẫn của vàng và kích thích các quốc gia phải chịu tác động từ dịch bệnh tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ hơn nữa. Việc bơm thêm tiền có thể dẫn đến sự gia tăng lạm phát và kích thích giá vàng.

Thứ nữa, một số ngân hàng trung ương cũng thay đổi dự trữ, chuyển khá nhiều sang vàng. Một số nhà đầu tư lớn mua tới hàng trăm tấn vàng trong năm 2019 và tiếp tục mua thêm kể từ đầu năm đến nay.

Loạt các nguyên nhân nêu trên làm cho kim loại quý này trên thị trường quốc tế đã liên tục tăng. Tính đến trưa ngày 25/2, giá vàng dừng ở mức 1.657 USD/ounce, tăng 5,4% trong 30 ngày qua.

Thị trường Việt Nam cũng bắt nhịp với 9 phiên tăng không ngừng nghỉ. Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong phiên giao dịch ngày 24/2, giá vàng liên tục tạo những bước đột biến khi lần lượt vượt qua mốc 47, 48 rồi chính thức vượt mốc 49 triệu đồng/lượng. Thậm chí, nhiều thời điểm còn áp sát mức 50 triệu đồng/lượng, giá cao nhất kể từ năm 2011. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, vàng tăng giá gần 6%.

Giá vàng tăng khiến cho website báo giá của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) quá tải, việc truy cập vào xem giá vô cùng khó khăn do liên tục báo lỗi. Một số website của công ty vàng lớn cũng gặp tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 25/2, vàng đã hạ nhiệt nhanh chóng. Chốt ngày, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 46,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường TPHCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 46,5 triệu đồng/lượng và 47,4 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

So với cùng thời điểm phiên lịch sử liền trước, giá vàng miếng giảm 1,5 – 2 triệu đồng/lượng. Lý giải cho việc đảo chiều giảm, đại diện Công ty SJC cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ lực bán tăng, trong khi sức mua lại có xu hướng giảm.

Có yếu tố làm giá?

Một số nhà đầu tư nhận xét, thị trường vàng hiện tại không nhà đầu tư nào chỉ bán hoặc chỉ mua. Cũng không nhà đầu tư nào “đánh mẻ lớn” rồi nằm chờ, kiểu như năm ngoái gom giá 42 triệu đồng/lượng để chờ đến nay bán 48 triệu đồng/lượng.

Thời gian này, nguyên tắc cơ bản là phải mua vào, ra bán liên tục. Điều này thể hiện rõ đặc biệt ở các công ty kinh doanh vàng. Theo đó, mỗi khi bán ra 1 lượng vàng, các công ty kinh doanh thì phải mua vào 1 lượng tương ứng. Điểm kết nối các vòng quay mua bán này là những nhịp tăng giá.

Chẳng hạn, một công ty kinh doanh vừa bán ra 100 lượng vàng giá 45 triệu đồng/lượng, lãi 200.000đ/lượng so với giá mua vào trước đó. Thế nhưng, nếu ngay sau đó, thị trường tăng lên 45,5 triệu đồng/lượng mà vẫn phải mua vào để còn có hàng bán, thì công ty đã mặc nhiên lỗ 300.000đ/lượng.

Như vậy, nếu không mua được vàng đối ứng, thì công ty sẽ bị lỗ. Nên ở vòng quay thứ 2, các công ty kinh doanh vàng phải đẩy giá cao hơn với hy vọng bù lại phần lỗ hoặc có thể có lãi. Giá vàng, do vậy mà được tăng lên.

Cộng thêm, các doanh nghiệp vàng không được tự chủ nguồn nhập khẩu, nguồn cung bị thu hẹp là nguyên nhân khiến giá trong nước vượt ngoài diễn biến giá thế giới.

Tuy nhiên, đánh giá diễn biến hai phiên giao dịch gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngoài những tác động từ thế giới, chính các doanh nghiệp lớn là những nhà đầu cơ đã đẩy giá vàng lên vùng kỷ lục, và khi thổi giá nhanh quá mà không có nguồn cầu đối ứng thì giá cũng xuống rất nhanh.

Tuy nhiên, các yếu tố trên đâu phải bây giờ mới xuất hiện mà đã xuất hiện kể từ khi Nghị định 24 về việc siết lại hoạt động mua bán vàng miếng ra đời.

Trong kinh doanh, nguyên tắc  đầu cơ là tạo khan hiếm, song tạo đầu cơ trên thị trường vàng Việt Nam không dễ, bởi hàng không nằm trong kho những người muốn tạo khan hiếm mà nằm trong dân.

Tại thời điểm dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt, người dân có vàng thì không chịu bán, những ai mua vàng sợ thiệt thì phải mua ngay. Như vậy chính người dân đã tạo ra tâm lý để làm giá chứ không hẳn là nhu cầu thực sự của thị trường.

Thực tế cũng cho thấy, mặc dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng giao dịch ngoài thị trường vẫn khá trầm lắng. Theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm. Ghi nhận mua bán ngoài thị trường chỉ ở mức thấp và nhỏ lẻ.

Về phía nhà điều hành, tại cuộc họp mới đây của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, giá vàng trong nước thời gian vừa qua biến động chủ yếu do giá vàng quốc tế và yếu tố tâm lý.

“Ngày 25/2, giá vàng quốc tế giảm và giá vàng trong nước còn giảm mạnh hơn. Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, mặc dù thị trường này không còn tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu thị trường có diễn biến gây bất ổn, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp khi cần thiết”, ông Hưng khẳng định.

Theo Đời sống
Không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp bình ổn thị trường vàng. Cần khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
back to top