Mục kích bộ ghế đắt nhất Việt Nam

Xù xì, gai góc, mẫu mã chỉ có một mà không có hai là những gì người khác cảm nhận được từ bộ bàn ghế của nghệ nhân Nguyễn Quang Vịnh ở Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Không chỉ có vậy, người trong nghề cũng phải sốc khi bộ bàn ghế này được làm bằng gỗ ngọc am ngàn năm tuổi dưới đáy sông Gâm.

Toàn cảnh bộ bàn ghế giá khủng.

Độc nhất vô nhị

Cách cầu Chiêm Hoá không xa, chúng tôi dễ dàng tìm được ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Quang Vịnh ở gần trung tâm thị trấn. Người đàn ông ở ngưỡng tuổi 70 nhưng trông còn khoẻ mạnh là chủ nhân của bộ bàn ghế nổi tiếng này. Sau một hồi dò xét, ông Vịnh mới dám mời khách vào nhà.

Chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước bộ bàn ghế khác lạ và đồ sộ được đặt ở gian nhà phía bên trong. Mùi thơm của gỗ ngọc am thoang thoảng mà theo lời ông Vịnh, đó là mùi từ bộ bàn ghế toả ra, càng về đêm thì mùi thơm càng đậm đặc hơn. Trong nhà không bao giờ xuất hiện ruồi muỗi hay côn trùng vì chúng rất sợ mùi thơm của loại gỗ này.

Theo quan sát, bộ bàn ghế được làm bằng gỗ ngọc am này có hình dáng rất kỳ dị. 4 chiếc ghế được chạm trổ rồng phượng một cách cực kỳ tinh xảo. Mỗi con rồng khổng lồ với những dáng uốn lượn, trạng thái hoàn toàn khác nhau. Những hoa văn hoạ tiết của tứ linh gồm “long – ly – quy – phượng” cũng được sắp đặt một cách tự nhiên, hài hoà và đầy sang trọng.

Mỗi chiếc ghế có chiều cao khoảng 1,5m với hình dáng tự nhiên, ít phải đục đẽo, chỉ có phần bệ ngồi là bào nhẵn đánh bóng. 4 chiếc ghế đồ sộ này không theo một quy chuẩn hình dáng nhất định. Theo ông Vịnh, để thuận theo tự nhiên nên ông không muốn can thiệp quá sâu vào việc tạo dáng hay lắp ghép các hoa văn vào ghế.

Riêng chiếc bàn gỗ ngọc am mới thực sự đem đến cho người lạ những cảm xúc lạ. Mặt bàn không bằng phẳng mà lồi lõm, uốn lượn giống như những cung đường Tây Bắc. Xung quanh mặt bàn hình tròn là một “con đường” mà ông Vịnh gọi là “đường vành đai” được tạo tác kỳ dị, gấp khúc, chỗ dựng đứng, chỗ hoắm sâu. Trên “con đường” ấy có 7 điểm nghỉ được đặt 7 chiếc chén nhỏ và một cái chuyên.

Chiếc bàn giống như một tấm bản đồ mô tả những cung đường hiểm trở nhất của Tây Bắc. Ở đó có đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế, lại có đèo Pha Đin khấp khểnh, có U Ma Tu Khoòng xa lắc xa lư, có đỉnh Phan Xi Păng hùng vĩ… tất cả gợi tả cho người xem những cảm giác lạ lùng giống như đi trên trực thăng nhìn xuống núi đồi.

Cảm giác ấy bỗng như thành hiện thực khi ông Vịnh rót trà ra 7 chiếc chén nhỏ. Khói nóng bốc lên nghi ngút len lỏi vào những thẳm sâu ngõ ngách gồ ghề của chiếc bàn, bỗng chốc phủ kín những “cung đường” gấp khúc đam mê kia. Ông Vịnh cười: “Đây là cách đi du lịch trong nhà, khói phủ kín mặt bàn như mây phủ núi, không cần đi xa nhưng như đang được rong ruổi”.

“Rồng cầm ngọc” phía đầu bàn.

10 năm tìm gỗ

Có được báu vật ấy đâu phải dễ, tuy không phải là điều bí mật phải giấu diếm nhưng ông Vịnh thành thật rằng, 10 năm tìm gỗ lặn ngụp dưới lòng sông Gâm mới có được bộ bàn ghế như hiện giờ. 10 năm ấy đã đánh đổi với ông bao nhiêu máu và nước mắt, thậm chí ông còn bị điếc một bên tai do ngâm mình quá lâu dưới đáy sông sâu.

Từ trước những năm 2000, ông Vịnh đã có đam mê với gỗ ngọc am. Nhưng ngọc am lúc ấy chưa có giá, cũng chưa có ai dùng gỗ ngọc am để làm đồ vật trong nhà. Hàng ngày ra sông Gâm ngâm mình, ông thấy gỗ ngọc am đã hoá thạch nhưng vẫn có mùi thơm. Từ lạ đến mê, ông đem về nhà từng mảnh nhỏ, dù chẳng để làm gì nhưng lại thành thói quen.

Sau này, khi đã bước chân vào nghề làm gỗ lũa, ông Vịnh mới quyết định chuyên tâm vào gỗ ngọc am. Ngày nào người dân Chiêm Hoá cũng thấy ông Vịnh gàn dở lặn ngụp như rái cá dưới sông chỉ để vớt lên những khúc gỗ cứng như đá. Có đận, ông phải mất 3 ngày mới đưa được khối gỗ khổng lồ  giữa đáy dòng Gâm lên bờ.

Nhiều lần vì ngâm mình quá lâu dưới nước nên máu cam chảy ra mà ông không hay. Con cháu hốt hoảng đưa ông đi cấp cứu nhưng ông phẩy tay bảo cái nghề phải thế, muốn giàu phải liều. Đến khi chọn đủ gỗ cho bộ bàn ghế độc nhất này thì ông bị điếc một bên tai phải.

Ông Vịnh bảo: “Không biết trước đây sông Gâm là gì, có biến động gì xảy ra nhưng dưới đáy có rất nhiều gỗ ngọc am. Nếu có cơ hội mà tát sông đào sâu dưới đáy chắc chắn sẽ có những khối gỗ hoá thạch khổng lồ, tài sản ở đấy chứ ở đâu mà phải đi tìm nhiều”.

Phải mất nhiều lao động năm ông Vịnh mới làm được sản phẩm này.

Bật mí giá khủng

Bộ bàn ghế mà ông Vịnh đang sở hữu cũng được làm với thời gian khá lâu. Theo ông Vịnh, 3 năm liên tục mới hoàn thành được sản phẩm nghệ thuật ấy. Thời còn đang phôi thai chế tác, ông Vịnh đều phải giấu kín sau nhà, phác thảo ý tưởng rồi căn cơ tỉ mỉ bào đẽo từng chi tiết nhỏ.

Bộ bàn ghế chính thức hoàn thành từ giữa năm 2012 và được trưng bày công khai tại nhà để mọi người cùng được chiêm ngắm. Từ đó đến nay, ông Vịnh có một cái tên khác là “Vịnh ngọc am”.

Nhiều đại gia từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng lên Chiêm Hoá thưởng lãm bộ bàn ghế đồ sộ này. Ông Vịnh bảo, khách ở Hà Nội đã trả giá 2 tỷ nhưng ông không bán. Bởi cái giá ấy mới bằng một nửa so với giá mà một đại gia Châu Âu đưa ra.

Ông Vịnh cho biết: “Không phải tôi không thích tiền, nhưng bộ bàn ghế này như đứa con tinh thần của mình, bán đi cũng tiếc đứt ruột. Tiền tiêu rồi cũng hết, chứ bộ bàn ghế như thế này tìm cả thế giới cũng chỉ có một mà thôi. Hơn nữa, không cần tính đến giá trị của bộ bàn ghế mà chỉ tính số gỗ quý mà tôi dùng để làm cũng đã lên tới tiền tỷ rồi”.

Và bộ ghế ngọc am chạm rồng mới hoàn thành.

Ngoài bộ bàn ghế độc nhất vô nhị này, ông Vịnh còn một bộ ghế khổng lồ bằng gỗ ngọc am tuyệt đẹp chạm khắc hình rồng được đặt tại nhà cậu con trai. Đây cũng là một trong những bộ bàn ghế có giá khủng nhất nhì Việt Nam hiện nay. Ông Vịnh đang mong mỏi sẽ có ngày được đem xuống Hà Nội triển lãm để thoả mãn sự tò mò và niềm đam mê của những người yêu gỗ lũa.

“Bàn ghế là một trong những đồ vật thể hiện sự sang trọng trong ngôi nhà của gia chủ. Nó cũng thể hiện cho tính cách, đẳng cấp và sự hiểu biết về nghệ thuật. Tuy nhiên, để có một bộ bàn ghế ngọc am đã rất khó vì là gỗ quý. Tiếp đến là ý tứ trong tác phẩm nghệ thuật. Ghế tuy là cái để người ta ngồi vào nhưng cũng là để con người cảm nhận sự bình an và thảnh thơi của một kiếp người”, nghệ nhân Nguyễn Quang Vịnh.

Trần Hoà

Theo Đời sống
back to top