Mua sách gì cho trẻ đọc mùa dịch?

Theo ý kiến của nhiều giáo viên và phụ huynh, trẻ thường có xu hướng đọc truyện tranh, tùy vào giới tính sẽ lựa chọn những thể loại yêu thích, nhưng người lớn nên kiểm soát nội dung. Sách nên lựa chọn từ những nhà xuất bản có uy tín như Kim Đồng, Nhã Nam, Thái Hà…

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và số ca nhiễm trong trường học, cộng đồng liên tục tăng, trẻ từ lớp 1 - 6 ở 12 quận nội thành vẫn chưa đi học. Để giảm căng thẳng, nâng cao tri thức cho trẻ khi học online ở nhà, nhiều bậc cha mẹ đã chọn mua sách về cho con đọc.

Đọc sách để bớt phụ thuộc online

Hơn 2 năm qua, Ánh Dương (10 tuổi, Trường Tiểu học VietKid, phố Đông Các, quận Đống Đa, Hà Nội) ngồi bên máy tính bảng để học online nhiều hơn là ngồi trên lớp học. Đến nay, em sử dụng máy tính bảng còn thành thạo hơn cả bố mẹ. Nhưng kèm theo đó là mắt lúc nào cũng đỏ và luôn trong trạng thái nhức.

Anh Bùi Hoài Nam, bố của em nhận định là do con gái đã ngồi trước màn hình máy tính quá nhiều, không có đủ thời gian để mắt nghỉ ngơi. Tuy nhiên, vì 2 vợ chồng phải đi làm nên không thể kiểm soát thời gian ngồi máy của con gái.

Gần đây, lo ngại về những hậu quả của cận thị do sử dụng máy tính quá nhiều nên bố mẹ cũng quản chặt hơn, Dương đã dần chuyển sang đọc sách vào thời gian rảnh thay vì ôm máy tính như trước.

doc-sach(1).jpg
Ngoài việc hướng trẻ đến đọc sách để bớt phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, đọc sách còn có thể nâng cao kỹ năng, hiểu biết của trẻ.

Theo các chuyên gia, đọc sách sẽ giúp trẻ tích lũy cho mình vốn từ vựng phong phú, đa dạng. Đồng thời, hỗ trợ các bé nâng cao khả năng đọc, ghi nhớ hiệu quả. Ngoài ra, quá trình đọc sách sẽ tạo cơ hội cho trẻ phát huy kỹ năng đọc, trở nên tự tin trong việc giao tiếp hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Thói quen đọc sách thường xuyên không chỉ giúp trẻ em cải thiện được kỹ năng mềm, phát triển trí não mà còn giúp các bé có được một trí tưởng tượng phong phú.

Cô Nguyễn Khánh Hòa, giáo viên Trường Tiểu học Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, trẻ cấp một thường nhiều năng lượng nên cần khoảng không vận động. Phụ huynh cần tìm những bài tập vận động trong nhà, khoảng không gian hẹp nhưng vẫn tiêu hao năng lượng để trẻ thấy thoải mái nhất.

Đọc sách cũng là một cách để trẻ tiêu hao năng lượng, nhất là các loại sách kỹ năng. Vì những sách này yêu cầu trẻ phải tập trung đọc hiểu, đồng thời kích thích sự tò mò và khám phá điều mới lạ.

Cô Mai, giáo viên mầm non một trường công lập ở Hà Nội cho biết: "Tôi mua cho con những sách, truyện về kỹ năng sống như chăm sóc cây cối, động vật, người già... sách khám phá khoa học... Ngoài ra, còn mua cả truyện đọc để giải trí và đúng với sở thích của con mình".

Sách cho trẻ phải phù hợp mục tiêu

Ngoài việc hướng trẻ đến đọc sách để bớt phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, đọc sách còn có thể nâng cao kỹ năng, hiểu biết của trẻ. Tuy nhiên, với những lứa tuổi khác nhau sẽ có nhận thức khác nhau, do đó việc lựa chọn sách phù hợp cũng là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.

Hiện có rất nhiều lời khuyên về chọn sách và có quá nhiều sách cho trẻ khiến bố mẹ hoa mắt.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Tranh, giảng viên cao cấp Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, nên chọn sách phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu, điều kiện và mục đích.

doc-sach(2).jpg
Chọn sách cần phải phù hợp với mục đích, trẻ đọc sách để làm bài thi hay để giải trí, tăng sự hiểu biết…

Riêng với trẻ em thì nên mua sách dễ đọc, dễ nhìn, chữ to, có hình ảnh minh họa, có màu sắc để làm tăng sự hấp dẫn của sách. Nên chọn những nhà xuất bản sách cho trẻ em như Kim Đồng, Nhã Nam… vì bản thân họ cũng là các đơn vị chọn lọc sách cho trẻ em, với mục đích giáo dục và tăng sự hiểu biết cho trẻ.

Bản thân trẻ cũng thích những sách có màu sắc, thú vị, kết thúc hấp dẫn. Nhưng nếu lớn hơn một chút thì có thể mua cho trẻ những cuốn sách viết sâu về một lĩnh vực, như về phong tục tập quán, chuyên ngành mình quan tâm. Lớn hơn nữa là sách có tính phân tích.

Cũng có thể chọn sách phù hợp với điều kiện sống và điều kiện về tài chính. Vì hiện có nhiều cách để đọc sách, không nhất thiết phải mua sách, có thể đến thư viện để mượn sách, như Thư viện Quốc gia hoặc sách điện tử.

Ví dụ, ở vùng sâu vùng xa thì có thể mượn sách của nhau, trao đổi, mượn ở thư viện...

Ngoài ra, chọn sách cần phải phù hợp với mục đích, trẻ đọc sách để làm bài thi hay để giải trí, tăng sự hiểu biết…

Để đọc sách sao cho hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Tranh cho rằng, đầu tiên là đọc sách theo từng độ tuổi. Trẻ từ 3 - 5 tuổi làm quen với chữ cái, âm, vần. Từ 8 - 9 tuổi đọc để biết, tăng cường vốn từ vựng. Từ 10 - 15 tuổi đọc để hiểu.

Do đó, phải dựa vào mục tiêu, mục đích cụ thể đối với từng cá nhân, độ tuổi và bối cảnh để tư vấn cho con loại sách và đầu sách phù hợp.

Cuối cùng là nên cân bằng các nội dung thông tin, không nên nhồi nhét quá nhiều khiến trẻ mệt mỏi và áp lực.

Một vấn đề mà bố mẹ cũng rất quan tâm đó là làm thế nào để hình thành thói quen đọc sách. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Tranh, nên cho trẻ làm quen với sách từ nhỏ: Nghe đọc sách, nghe kể chuyện về sách để tạo sự hứng thú và yêu thích. Chúng ta tạo thói quen này sẽ khiến trẻ tò mò và ham thích.

Từ đó cho trẻ đọc sách thuộc lĩnh vực ưa thích, quan tâm. Đọc sách thuộc lĩnh vực chưa biết. Lớn hơn hẳn thì đọc sách thuộc lĩnh vực bắt buộc.

Vì vậy, bố mẹ phải sắp xếp thời gian đọc sách cho con để kèm theo các hoạt động vui chơi khác. Có thể đọc sách theo thời gian cố định hoặc cũng có thể đọc theo thời gian linh hoạt.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top