Mùa đông chà xát da mạnh càng dày sừng nang lông

(khoahocdoisong.vn) - Vào mùa đông, nhiều chị em hay than vãn da bị nổi các nốt dưới lỗ chân lông gây mất thẩm mỹ. Các chuyên gia cho hay, đây là bệnh dày sừng nang lông.

Mất tự tin vì chân nổi đầy nốt

Vào mùa đông, da chân và tay chị Nguyễn Thị Mai Loan (Hà Nội) không những khô, nứt nẻ còn xuất hiện nhiều nốt chấm đỏ, đen ở phần chân lông. Các nốt xuất hiện mặt trước của da đùi, hai bên cánh tay cũng như lấm tâm sau lưng. Nghĩ vì có thể do mùa đông, lỗ chân lông bị bít nên khi tắm, chị dùng đá cọ chà xát mạnh. Nhưng càng chà, các nốt không thuyên giảm, còn mọc nhiều hơn.

Theo BS Lương Trường Sơn, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diêu (TPHCM), vào mùa đông nhiều người thấy tình trạng lỗ chân lông ở một số vùng như phần trên đùi, bắp tay, trên cẳng chân, hông… nổi mẩn đen, đỏ. Đây thực chất là bệnh dày sừng nang lông (Keratosis pilaris) rất phổ biến mà nhiều người không biết.

Bệnh dày sừng nang lông là hiện tượng bít lỗ nang lông. Trong nhiều trường hợp, nang lông bị bít đặc dẫn đến lông không mọc ra được. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu vào mùa đông, lúc hanh trời, độ ẩm thấp. Đây là điều tất yếu, khi trời hanh, làn da bị mất nước nhiều, các nốt sừng cũng khô theo.

“Nguyên do bệnh là do tuyến bã nhờn, chất keratin tiết ra nhiều nhưng không thoát ra được dẫn đến bít tắc lỗ chân lông. Đồng thời một phần khác do tế bào chết, da khô làm nghẹt, bí lỗ chân lông tạo thành chấm đen, hoặc đỏ. Bệnh thường tái phát khi mùa đông và bắt đầu phát hiện khi trẻ em còn nhỏ và bệnh kéo dài đến khi lớn tuổi”, BS Lương Trường Sơn nói.

Bệnh có tính di truyền trong gia đình lên đến 30-40%, thậm chí 50%. Trong đó không phân biệt di truyền cho con gái hay trai. Khoảng 40% dân số bị bệnh này. Bệnh biểu hiện những chấm khô trên hai tay, đùi, và má, làm cho da sần sùi, mất thẩm mỹ.

Xà phòng + kỳ cọ = dày mẩn đen

Theo vị chuyên gia về da liễu, dày sừng nang lông chỉ là triệu chứng cơ địa do di truyền khi chỉ xuất hiện lấm tấm ở chân, tay. Đây là hai khu vực dễ khô da nhất. Nhưng nếu chúng nổi nhiều, ngứa cũng như tăng tại các vị trí khác như lưng, mặt… thì cần điều trị.

Hiện nay, không thể chữa khỏi bệnh dày sừng nang lông 100%, dù đó là phương pháp sử dụng laser hay dùng thuốc. Nhưng, chị em có thể hạn chế nổi nhiều và ngứa thông qua việc phòng tránh đơn giản hàng ngày.

Như, cần giữ ấm cơ thể. Hạn chế tối đa tắm nước nóng gây khô da. Tránh dùng xà phòng chứa nhiều thành phần sút. Không chà xát lên da bằng các vật dụng cứng, nhám. Bởi. khi cọ mạnh, không chỉ gây chấn thương da tại chỗ, còn kích thích dày sừng mọc nhiều hơn.

Tẩy da chết hay kem lột nhẹ có thể mở lại lỗ chân lông bí và làm bớt những tế bào da chết. Nhưng cách này cũng chỉ cải thiện một phần ở ngoài biểu bì, không thể khỏi hẳn. Thay vào đó, cần tăng cường tập thể dục thể thao giúp lỗ chân trao đổi chất, đẩy các đốt sừng ra.

Một điều chị em cần làm chính là dùng sữa tắm có thành phần giữ ẩm cũng như các thành phần thiên nhiên. Bôi kem dưỡng ẩm như vaseline… Vì bệnh có tính cách di truyền, cần sử dụng kiên trì, lâu dài.

Hiện nay, có nhiều loại kem không rõ nguồn gốc, thành phần được quảng cáo có khả năng chữa khỏi các tình trạng da do dày sừng nang lông. Người dùng cần cân nhắc, bởi nhiều chất có thể làm suy giảm tình trạng nhưng lại gây các biến chứng lâu dài cho cơ thể nếu không kiểm soát tốt. Trong đó các chất như retinoid, steroid, corticoid…. BS Lương Trường Sơn.

Theo Đời sống
back to top