Mùa đông ấm côn trùng truyền bệnh phát triển

(khoahocdoisong.vn) - Mùa đông năm nay nhìn chung có nền nhiệt cao, theo các chuyên gia, mùa đông ấm là điều kiện cho côn trùng truyền bệnh phát triển.

Muỗi và virus không bị khống chế

Theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên Trưởng phòng Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư, khác với nhiều năm trước, mùa đông thường có nhiệt độ thấp nên côn trùng sẽ hạn chế phát triển tối đa, vì thế dịch bệnh cũng giảm.

Nhưng năm nay, mùa đông có nhiệt độ ấm báo hiệu sự bùng phát dịch vào giữa năm sau sẽ rất cao. Đây là thực trạng dựa vào yếu tố sinh trưởng của côn trùng và virus.

Vị chuyên gia chỉ ra, côn trùng là loài rất nhạy với nhiệt độ. Như, dưới 20 độ C, côn trùng sẽ chậm phát triển, dưới 10 độ C không đẻ và hoạt động. Lạnh hơn nữa virus trong côn trùng gần như được khống chế. Nhưng 25 độ lại là khoảng nhiệt độ thích hợp cho côn trùng và virus bùng phát.

Như, ruồi muỗi, kiến cũng như virus sốt xuất huyết, dịch tả… sẽ sinh sôi nảy nở. Chúng đẻ trứng và truyền bệnh âm ỉ. Đây là lý do, vì sao đến thời điểm này vẫn có bệnh nhân bị sốt xuất huyết hoặc các bệnh liên quan.

“Khi nhiệt độ giảm, ruồi muỗi sẽ ngừng phát triển, thậm chí trong nhà không thấy bóng dáng của chúng. Nhưng do nhiệt độ ấm, nhiều vùng có rất nhiều côn trùng trong nhà. Hơn nữa, chúng sẽ sinh sản ở các điểm thuận lợi để chờ thời gian nở ra và bùng phát bệnh dịch. Tôi lo lắng năm 2019 các bệnh dịch như sốt xuất huyết sẽ nặng nề như năm 2017”, PGS.TS Phạm Thị Khoa nói.

Theo đó, khi côn trùng sống qua mùa đông, sinh trứng ở các địa điểm xung quanh nhà. Và sang tháng 2-3, khi thời tiết có mưa xuống, trứng sẽ nở ra lứa côn trùng mới. Lúc này, nếu muốn dập dịch bệnh cũng rất khó.

Xử lý côn trùng ngay trước Tết

PGS.TS Phạm Thị Khoa cho rằng, muốn dập dịch cần xử lý ngay lúc này. Không chỉ các cơ quan chức năng vào cuộc, ngay cả các nhà dân cũng cần chung tay bảo vệ gia đình và cộng đồng.

Các gia đình cần xử lý các vùng nước đọng, dọn dẹp mương cống, xử lý rác và lá cây, bụi rậm… xung quanh nhà.

Đối với dùng thuốc xịt, hiện nay tình trạng kháng thuốc của côn trùng đang rất cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có hơn 500 loài côn trùng có vai trò truyền bệnh đã kháng với hoá chất diệt, trong đó có hơn 50% số loài là véc tơ truyền bệnh sốt rét, sốt Dengue/sốt xuất huyết Dengue, giun chỉ, như muỗi Anopheles gambiae ở châu Phi, Aedes aegypti ở châu Mỹ, Thái Lan, Malaysia.

Vì thế, cần cân nhắc sử dụng thuộc diệt côn trùng. Khi dùng, cần sử dụng thuốc đạt chuẩn, đảm bảo an toàn. Phun cần đạt chuẩn để không gây nên các phản ứng phụ. Tốt nhất, người dân không nên tự ý phun thuốc diệt muỗi.

Đặc biệt, tránh tình trạng sử dụng các loại thuốc có tồn dư lâu dài để tăng hiệu quả phòng chống côn trùng. Vì các loại thuốc này sẽ bám trên các vật dụng lâu, đồng nghĩa các hóa chất cũng tác động đến người trong thời gian dài. Thay vào đó, nên dùng các sản phẩm thảo dược, đã được đánh giá về chất lượng bởi các cơ quan chức năng.

Chúng ta luôn kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tránh nhiễm độc, nhưng hiện nay chính người dân đang dùng bừa bãi các thuốc diệt côn trùng. Hóa chất diệt côn trùng cũng rất độc hại. Chúng không chỉ phát tán trong không khí, trên bề mặt sản phẩm mà cũng ngấm vào nước, phân hủy chậm và tác động trực tiếp đến con người. PGS.TS Phạm Thị Khoa.

Theo Đời sống
back to top