Một số nguyên nhân gây đau vùng cổ tay

(khoahocdoisong.vn) - Đau vùng cổ tay là một biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau. Vì vậy, cần phải xác định rõ nguyên nhân gây bệnh mới có khả năng điều trị.

Đau vùng cổ tay thường gây nên bởi một số nguyên nhân sau:

1. Đau khớp cổ tay do chấn thương: Đau khớp cổ tay do hậu quả của những chấn thương để lại như bong gân, ngã chống tay, gãy xương, va đập trực tiếp vào vùng cổ tay, do chơi thể thao như cầu lông, tennis, bóng chuyền… Tất cả những chấn thương này khi không được điều trị đúng, kịp thời có thể dẫn tới đau vùng cổ tay cấp tính hoặc lâu dài. Bởi vậy, một khi tình trạng đau đớn diễn ra ở khớp cổ tay sau chấn thương, người bệnh cần gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị phù hợp tránh để lại hậu quả lâu dài khó chữa.

2. Thoái hóa khớp: hay gặp nhất dẫn đến tình trạng đau cổ tay. Với những người thường xuyên phải thao tác cổ tay như dân văn phòng, nghệ sĩ piano thì tốc độ lão hóa cổ tay lại càng bị đẩy mạnh.

Nguy hiểm ở chỗ, ban đầu người bệnh không hề có triệu chứng rõ rệt, chỉ đến khi bị đau nhức, mỏi ở cổ tay thì lúc đó mới phát hiện ra. Theo nghiên cứu, 90% bệnh nhân bị thoái hóa khớp cổ tay khi phát hiện đều đã bị nứt vỡ sụn khớp, xương dưới sụn bị xơ hóa, thậm chí mọc gai. Bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi, bị thiếu canxi và từng làm công việc liên quan đến hoạt động cổ tay trong một thời gian dài.

3. Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay: Nguyên nhân do bệnh lý, tổn thương và chèn ép ống tay, dây chằng, bao gân, gân, dây thần kinh giữa... thường gặp ở những người làm việc văn phòng, hoặc làm việc bằng tay ở tư thế cố định, kéo dài. Biểu hiện: Tê tay, teo bàn tay nếu muộn hay gây tăng tiết dịch quanh dây thần kinh ở cổ tay dẫn đến ngứa, tê bì, đau, yếu ngón tay, bàn tay. Bệnh này được cho là bệnh do nghề nghiệp có thể có nhiều biến chứng và hậu quả nếu không điều trị kịp thời; nhẹ thì đau nhức, ê buốt, tê bì ảnh hưởng cử động cổ bàn tay; nặng có thể teo cơ, biến dạng khớp ngón tay, tê liệt tay.

4. Hội chứng De Quervain: Bản chất của hội chứng De Quervain là tình trạng viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón cái. Hai gân này chi phối động tác dạng và duỗi ngón cái. Biểu hiện: Ban đầu chỉ đau khó chịu ở vị trí ngón cái ngay vùng cổ tay (đầu dưới phía ngoài xương quay), nếu không điều trị có thể lan lên cẳng tay, xuống ngón cái. Có thể gây sưng đau hạn chế vận động ngón cái.

Để điều trị, cần ngừng các hoạt động gây đau, tránh các hoạt động lặp đi lặp lại gây bệnh, để cổ tay tư thế trung gian, chiếu hồng ngoại, siêu âm điều trị, xoa bóp... khi bị nhẹ; Tập luyện phục hồi vltl kết hợp; Mức độ nặng hơn sử dụng thuốc giảm nề, giảm đau chống viêm, tiêm corticoid tại chỗ, phẫu thuật bóc tách, giải phóng chèn ép...

Còn để phòng bệnh, cần chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung đủ canxi; Luyện tập các bài tập cho vùng cổ tay, nghỉ ngơi hợp lý; Khi gặp các chấn thương vùng cổ tay phải khám, điều trị hợp lý, triệt để; Tránh các động tác bàn - cổ tay lặp đi lặp lại thời gian kéo dài

BSCKII Hà Tường (Bệnh viện Phòng không – Không quân)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top