Một ngày của người làm phát hành báo

Cầm tờ báo trên tay, bạn đọc quan tâm đến thông tin, sự kiện và cùng lắm là nhớ tên tác giả, chứ ít ai biết đến sự vất vả của nhân viên phát hành, những người thầm lặng góp phần quan trọng phát hành tờ báo ra sạp đúng giờ, dù nắng hay mưa.

Mưa ướt người… chứ không thể ướt báo

“Vất vả nhất của nghề phát hành là phải dậy sớm. Thường vào 2h sáng, lúc mọi người đang say giấc, mình đã phải dậy, đến nhà in, nhận và giao báo cho phát hành trung ương, các đại lý để kịp ra sạp lúc 6h. Xong xuôi, lại phân phối báo cho các sạp lẻ. Có giai đoạn báo phát trên máy bay, còn phải đi sớm hơn để giao báo cho bên hàng không”, Anh Vũ Hoài Nam, 20 năm gắn bó với công tác phát hành ấn phẩm Khoa học và Đời sống chia sẻ.

Anh Vũ Hoài Nam.

Anh Vũ Hoài Nam.

Đi làm vào cái giờ khuya khoắt đó nên cái nghề này có lẽ không dành cho người yếu bóng vía. Đêm khuya thanh vắng, nhiều khi cả con phố vắng tanh không một bóng người, thỉnh thoảng mới có người đi làm ca đêm, hay những người bán hàng rong, cả những người lang thang, người say… Không thấy người cũng sợ, mà thấy những "ma cà bông" như thế còn sợ hơn. Những câu chuyện của anh Nam nhiều khi khiến đồng nghiệp phải lắc đầu lè lưỡi.

Những đêm mùa đông rét mướt càng vất vả. Cứ nghĩ mỗi lần đi qua cầu gió rét là đã ngại, nhưng vì công việc thì không thể nghỉ được. Anh Nam bảo, với những người làm phát hành báo, sợ nhất là những ngày mưa, bởi mưa ướt thì báo sẽ nhòe, sẽ hỏng, không thể bán được, không thể đưa đến cho độc giả tờ báo bị ướt. Thế nên, người có thể ướt nhưng phải che, phải bọc sao cho báo không bị ướt.

Bao nhiêu năm như thế, thành thói quen, thành nếp rồi nên gần đây khi báo giảm kỳ, mỗi tuần chỉ ra 1 số, phải đến nhà in có 1 buổi, nhưng cứ đến sáng thứ hai, thứ tư, thứ sáu, đến giờ đấy anh lại tỉnh, lại thao thức, lại hình dung giờ này ở nhà in đang tấp nập giao những báo nào…

Vất vả thế, nhưng cái vui của người làm phát hành là được đưa tới tận tay bạn đọc sản phẩm của mình làm ra, được tiếp xúc, lắng nghe những phản hồi của họ. Có bác độc giả nói: Tôi sống ở đây đã lâu mà đọc mục Tìm hiểu lịch sử trên Báo mới biết làng này là quê Lý Thường Kiệt. Thật tự hào. Cảm động nhất là có độc giả chia sẻ, đọc tin này trên báo khác rồi nhưng đợi xem KH&ĐS nói gì. Rồi bạn đọc đặt hàng, tại sao Báo không phản ánh vấn đề này, vấn đề kia của xã hội… Tất cả những tâm tư, ý kiến của bạn đọc, anh Hoài Nam đều ghi lại để phản ánh về tòa soạn, đặt hàng phóng viên viết bài.

Nghề thiệt thòi nhất…

Ông Nguyễn Hữu Thơ, một nhân viên phát hành ấn phẩm Khoa học và Đời sống đã nghỉ hưu chia sẻ: Làm phát hành là những người thiệt thòi nhất trong cơ quan. Mỗi năm Tòa soạn có tổ chức cho các gia đình đi nghỉ mát hay có sự kiện gì thường hay thiếu người của phòng Phát hành vì phải phát báo, đưa báo, không thể nghỉ được. Có tham gia thì cũng vội vội vàng vàng đi sau về trước vì thứ 7 và thứ 2 là ngày báo ra. Công việc tưởng đơn giản vậy thôi, mà chỉ ngừng một khâu là nơi này gọi thiếu báo, nơi kia bảo chưa nhận được…

Ông Nguyễn Hữu Thơ.

Ông Nguyễn Hữu Thơ.

Khổ nhất là khi độc giả không nhận được báo, họ gọi điện đến Tòa soạn trình bày bức xúc và nhân viên phát hành lại phải truy tìm từng trường hợp xem báo đang thất lạc ở đâu, vì sao đến chậm, rồi phải giải thích, xin lỗi bạn đọc.

Và còn một nỗi khổ không nói được cùng ai trong công việc của người làm phát hành, đó là đi thu tiền báo. Mỗi tháng 1 lần nộp tiền bán báo về Tòa soạn, nhưng nhiều khi chưa thu được tiền, phải bỏ tiền túi ra để nộp cho đúng hạn, sau đó mới đi thu nợ, đòi nợ…

Thiệt thòi là thế, nhưng những người làm phát hành hiểu rằng họ là đại diện cho Tòa soạn khi giao tiếp với bạn đọc. Có tiếp xúc với độc giả mới biết, rất nhiều người yêu quý và gắn bó với Khoa học và Đời sống.

Nhớ thời điểm do giá giấy in tăng, sau nhiều lần bàn bạc, Tòa soạn mới quyết định tăng giá báo từ 3.900đ/ tờ lên 5.900đ. Trên báo đã đăng lý do tăng giá, nhưng mỗi khi ra sạp, nhân viên phát hành lại phải giải thích để bạn đọc thông cảm. Thật bất ngờ khi một số người còn chia sẻ rằng, nhiều báo đã tăng giá từ lâu rồi, Khoa học và Đời sống tăng thế này là muộn.

Vui nhất là phát hành Báo Tết

Bao nhiêu năm nay, báo Tết KH&ĐS như một món đặc sản, luôn được bạn đọc hào hứng đón nhận. Có năm in đến 1,8 vạn tờ, lại phát hành sớm trước Tết cả tháng mà bán hết veo. Nhìn các đại lý tranh nhau lấy báo từ sớm, đến nửa buổi đã gọi điện lấy thêm, thì dù mệt nhưng vẫn rất vui.

Trước đây kênh bán Báo KH&ĐS chủ yếu qua phát hành trung ương và đưa một số sạp. Từ năm 2006 có chủ trương phủ khắp các sạp báo của Hà Nội. Anh Nam nhớ lại, hồi đó Hà Nội có đến hơn nghìn sạp báo, chưa kể đội ngũ bán báo rong. Riêng đoạn đầu phố Lý Thường Kiệt đã có tới mấy sạp báo. Lần đầu tiên nhìn tờ báo của mình có mặt trên các sạp báo, nằm cạnh các tờ báo lớn, thấy tự hào lắm. Mỗi lần xong công việc giao báo, anh lại qua các sạp trực tiếp bán báo để trò chuyện với khách hàng, lắng nghe họ nhận xét về tờ báo của mình.

Có lẽ không có tờ báo nào có lượng độc giả trung thành như KH&ĐS. Có những bạn đọc mua báo, đọc báo mấy chục năm rồi còn đóng thành quyển để lưu giữ. Có người thì cắt ra những bài báo hay, thiết thực để cất đi cho dễ…

Theo Đời sống
back to top