Món ăn, thuốc phòng chữa huyết áp thấp mạn tính

Trong y học cổ truyền không có bệnh danh huyết áp thấp mạn tính, nhưng căn cứ vào chứng trạng lâm sàng có thể thấy tình trạng bệnh lý này thuộc phạm vi chứng huyễn vựng, hư lao, quyết chứng... Huyết áp thấp phần lớn do khí huyết hư nhược gây nên, vì vậy lựa chọn và sử dụng món ăn - bài thuốc tùy theo từng thể bệnh cụ thể.

Thể “Thận dương hư suy”

Chứng trạng: Đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, hay quên, lưng đau gối mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần mỏi mệt, sợ lạnh, tay chân lạnh, tiểu tiện nhiều lần về đêm, ăn kém, đại tiện lỏng nát, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế.

Canh bò hỗn hợp: Thịt bò 100g, bầu dục bò 1 quả, bầu dục chó 1 quả, thịt gà 50g, kỷ tử 10g, thỏ ty tử 10g, nhục thung dung 6g. Bầu dục bò và chó làm sạch, bổ đôi, ngâm nước lạnh trong 30 phút; thịt bò và thịt gà thái miếng; các vị thuốc cho vào túi vải, buộc kín miệng. Tất cả cho vào nồi hầm lửa nhỏ cho thật nhừ rồi bỏ bã thuốc, chế thêm hạt tiêu, gừng tươi thái chỉ và gia vị vừa đủ, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Bổ thận tráng dương, ích tinh bổ tủy.

Cháo dê + nhục thung dung: Thịt dê 200g, hoài sơn (củ mài) 50g, nhục thung dung 20g, thỏ ty tử 10g, xương sống dê 1 đoạn, gạo tẻ 100g. Xương sống dê chặt vụn, thịt dê thái miếng, các vị thuốc cho vào túi vải, buộc kín miệng. Tất cả cho vào nồi ninh với gạo thành cháo rồi bỏ bã thuốc, chế thêm hạt tiêu, tiểu hồi và gia vị vừa đủ, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Ôn bổ thận dương.

Rượu dâm dương hoắc: Dâm dương hoắc 30g, rượu trắng 500ml. Đem ngâm dâm dương hoắc với rượu trong bình kín, sau 7 ngày thì dùng được, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml. Công dụng: Ích khí, thông dương, tăng áp.

Trứng gà tráng bột nhung hươu: Trứng gà 1 quả, bột nhung hươu 0,3g. Đập trứng vào bát, bỏ bột nhung hươu vào, quấy đều và tráng chín, dùng làm đồ ăn điểm tâm hằng ngày, 20 ngày là một liệu trình. Công dụng: Bổ thận, ích tinh, thăng áp.

mon-an-huyet-ap-thap.jpg
Món ăn, thuốc phòng chữa huyết áp thấp mạn tính.

Thể “Tâm tỳ lưỡng hư”

Chứng trạng: Mệt mỏi nhiều, hay có cảm giác khó thở, chân tay rã rời, đầu choáng mắt hoa, dễ có cảm giác hồi hộp trống ngực, hay vã mồ hôi, ăn kém, chậm tiêu, sắc mặt nhợt nhạt, đại tiện lỏng nát, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt.

Cao thịt bò: Thịt bò 1kg, rượu vang 250ml. Thịt bò rửa sạch, thái miếng, cho vào nồi hầm nhỏ lửa cho thật nhừ, cứ một giờ chắt nước cốt một lần rồi lại cho thêm nước đun tiếp. Làm 4 lần như vậy lấy 4 nước hợp lại với nhau, chế thêm rượu vang rồi cô lửa nhỏ thành cao đặc, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 thìa canh. Công dụng: Ích khí kiện tỳ, dưỡng tâm.

Gà hầm nhân sâm: Gà mái một con (1kg), nhân sâm 10g, hoàng kỳ 30g, ngũ vị tử 15g. Gà làm thịt chặt miếng; Các vị thuốc cho vào túi vải, buộc kín miệng. Tất cả bỏ vào nồi hầm lửa nhỏ cho thật nhừ, bỏ bã thuốc chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn. Công dụng: Ích khí trợ dương, bổ tâm dưỡng huyết.

huyet-ap-thap.jpg

Thể “Trung khí bất túc”

Chứng trạng: Mệt mỏi, thích nằm, ngại nói, ngại vận động, hay có cảm giác khó thở, chóng mặt hoa mắt nhiều, chân tay buồn mỏi, chán ăn, miệng nhạt, dễ vã mồ hôi, đại tiện lỏng nát, chất lưỡi nhợt.

Bò hầm đẳng sâm: Thịt bò 500g, đẳng sâm 100g. Thịt bò rửa sạch, thái miếng, ướp gừng tươi, hạt tiêu và một chút rượu vang; đẳng sâm cho vào túi vải, buộc kín miệng rồi đem hầm với thịt bò cho thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm thức ăn hằng ngày. Công dụng: Bổ trung ích khí, kiện tỳ ích vị.

Dạ dày lợn hầm hạt sen: Dạ dày lợn 1 cái, hạt sen tươi 40 hạt. Dạ dày làm sạch, hạt sen bỏ tâm rồi cho vào trong dạ dày lợn, dùng chỉ buộc kín miệng, đem hầm nhừ, khi chín vớt dạ dày ra, thái miếng, trộn đều với hạt sen rồi chế thêm gừng tươi, hạt tiêu và gia vị vừa đủ, dùng làm thức ăn. Công dụng: Kiện tỳ ích vị, ích khí bổ hư.

Bánh nhân sâm + củ mài: Nhân sâm 10g, bạch linh 10g, hoài sơn (củ mài) 10g, đậu đỏ 30g, bột gạo nếp 50g, đường trắng và mỡ lợn vừa đủ. Các vị thuốc sao thơm, tán bột, trộn đều với bột gạo nếp và đường trắng, chế đủ nước, nhào kỹ rồi rán chín, dùng làm đồ điểm tâm hằng ngày. Công dụng: Bổ tỳ kiện vị, ích khí bổ thận.

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top