Món ăn chống phù cho thai phụ

(khoahocdoisong.vn) - 75% phụ nữ mang thai bị sưng phù mắt cá chân, bàn chân, thậm chí đôi khi có thể ở xung quanh mặt và bàn tay. Sưng phù trong thai kỳ là hiện tượng sinh lý bình thường trong thời gian mang thai, nhưng cũng có thể là biểu hiện của chứng tiền sản giật nguy hiểm. Các món ăn sau đây sẽ giúp thai phụ cảm thấy dễ chịu hơn, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng phù nề.

LY Nguyễn Hữu Toàn, Hội Đông y Hải Phòng cho biết, có đến 75% bà bầu mắc chứng phù chân trong thai kỳ, đặc biệt trong 3 tháng cuối. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự sản sinh của hormone Relaxin. Relaxin khiến các dây chằng vùng bàn chân trở nên lỏng lẻo, giãn ra gây nên hiện tượng phù nề. Sưng phù xảy ra khi có sự dư thừa chất lỏng trong các mô.

Trong giai đoạn mang thai, lượng máu và các chất lỏng khác trong cơ thể sẽ tăng thêm 50% để đáp ứng các nhu cầu phát triển của thai nhi. Đặc biệt, bà bầu bị phù chân còn do tử cung to lên gây áp lực lên tĩnh mạch gây cản trở lưu thông máu đến tim dẫn đến phù chân, mắt cá chân và bàn chân.

Phù nhẹ là dấu hiệu hết sức bình thường khi mang thai, tuy nhiên nếu bị phù đột ngột ở tay và mặt thì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Thai phụ cần đến gặp bác sĩ ngay nếu bị phù đột ngột.

Khi bị phù bà bầu nên lựa chọn các thực phẩm và thực hiện cách ăn dưới đây có thể giúp mình dễ chịu hơn, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng phù nề.

Cháo cá chép: cá chép 250-300g, gạo ngon 100g, gia vị. Cá chép mổ bụng bỏ ruột rửa sạch nấu canh. Lấy nước canh cá nấu với gạo đã vo sạch thành cháo, cho gia vị vừa ăn. Ngày ăn 1 bát lúc nóng.

Canh cá chép nấu bí đao: 1 con cá chép 500g làm sạch, bỏ ruột, mang; bí đao 300g; hành trắng 10 củ. Cho các vị vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu chín, cho dầu, thực vật, gia vị vừa ăn, chia 2 lần trong ngày, ăn thịt uống nước canh, cách 1 ngày ăn 1 lần.

Nước râu ngô. Đun sôi râu ngô với nước, sau đó dùng uống thay nước hằng ngày cũng có hiệu quả giảm phù nề rõ rệt cho mẹ bầu. Ngoài ra nước râu ngô có tính mát, còn giúp bà bầu chống lại căn bệnh viêm đường tiết niệu.

Dưa hấu: Trong dưa hấu có chứa nhiều chất dinh dưỡng giá trị, đặc biệt giàu các chất khoáng vi lượng như canxi, sắt, magie, axit folic, là một sinh tố nhóm B cần cho sự tạo máu tác dụng hạ nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, giải độc cho gan, tốt cho phụ nữ mang thai.

Bí đỏ: Có tính hàn, vị ngọt, nhiều nước, có thể chống khát, lợi tiểu. Bí đỏ là nguồn cung cấp vitamin A, vitamin nhóm B, PP, E và C, chất sắt, axit folic, magiê, kali, đồng, kẽm… nhiều nguyên tố vi lượng và axit amin khác. Bí đỏ chứa nhiều carotenen, có tác dụng chống oxy hóa. Đặc biệt, nếu mang thai vào mùa hè thì nên ăn bí đỏ giúp giải nhiệt, thải độc rất tốt.

 Sữa: Uống 2-3 cốc sữa mỗi ngày cũng có tác dụng giảm thiểu đôi chân sưng phù. Sữa còn có tác dụng bài tiết độc tố trong dạ dày, giúp hệ tiêu hóa mạnh khỏe.

Hạt vừng: hạt vừng cũng có tác dụng giảm sưng phù đôi chân khi mang thai. Thả 15-20 hạt vừng chín vào một cốc nước ấm và dùng vào buổi sáng (lúc chưa ăn gì). Ngoài ra, bạn có thể pha đường chiết xuất từ dầu cọ với nước ấm và uống hằng ngày.

Nước cam, chanh: Pha một thìa nước chanh (hoặc nước cam) vào cốc nước ấm và uống hằng ngày. Cách này rất hữu hiệu để giảm chứng phù nề ở chân trong suốt thời kỳ mang thai.

Theo Đời sống
back to top