Món ăn bồi bổ cho người đau lưng do thận hư

(khoahocdoisong.vn) - Thận hư gây đau lưng tuổi già thường kéo dài lâu ngày, phần lớn là không thể khỏi nhanh được và gây nhiều biến chứng. Vì vậy, phải điều chỉnh chế độ ăn uống, cần bổ là chính.

Kéo theo nhiều bệnh

Đau lưng do thận yếu là một trong những thương tổn hàng đầu ở cả nam giới và phụ nữ. Thận chủ cốt tủy, thận càng yếu thì xương khớp càng đau nhức, cột sống càng trở nên yếu ớt, dẫn đến những hệ lụy khôn lường nếu không được can thiệp kịp thời. Những suy giảm chức năng thận là các tác nhân hàng đầu gây ra những cơn đau thắt lưng.

Hội chứng thận hư là tập hợp các thương tổn ở thận như lipid máu cao, phù nề bể thận, tổn thương mạch máu… khiến vai trò lọc và giữ hàm lượng protein nuôi dưỡng cơ thể sụt giảm có thể gây ra phù thũng toàn thân, đau nhức xương khớp...

Các triệu chứng của bệnh gồm: Sưng phù nặng vùng mắt, chân; đi tiểu đêm nhiều, tiểu buốt, nước tiểu có nhiều bọt; mệt mỏi; da xanh; chán ăn;… Đặc biệt, đau lưng cũng là một biểu hiện của bệnh mà rất ít người biết đến. Có thể do cảm giác đau lưng không rõ ràng hoặc người bệnh bị nhầm lẫn với các bệnh đau lưng khác. Vì vậy, người bệnh phải đặc biệt chú ý đến triệu chứng này để phát hiện và điều trị kịp thời. 

Các biến chứng của thận hư khá nguy hiểm đối với cơ thể. Tùy vào mức độ của bệnh, sẽ có cách chữa trị khác nhau. Nhìn chung, để chữa khỏi hội chứng thận hư cần phải có thời gian dài. Đòi hỏi người bệnh phải có lòng kiên trì, thực hiện đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải kết hợp cùng với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để hỗ trợ quá trình chữa bệnh đạt được hiệu quả cao. 

Ăn lành mạnh và tăng bồi bổ

Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến mức độ biểu hiện của bệnh. Vì vậy, cần xây dựng thực đơn phù hợp với người bị thận hư như sau: Bổ sung các thực phẩm giàu đạm: Thịt, cá, tôm, cua, sữa… để bù vào phần đạm mà cơ thể bị mất đi hằng ngày; Giảm lượng cholesterol trong máu: Không nên ăn những thực phẩm giàu cholesterol (bơ, mỡ, trứng…), nhằm ngăn ngừa nguy cơ nứt, vỡ thành mạch; Ăn nhạt, giảm lượng muối xuống tối thiểu, uống đủ nước. Để làm giảm hiện tượng phù, và hạ huyết áp. Ngoài ra, có thể sử dụng các món ăn, bài thuốc để bồi bổ như sau:

Canh phụ tử dạ dày lợn: Phụ tử chín 10g, dạ dày lợn 1 cái. Dạ dày lợn rửa sạch, nhét phụ tử vào trong, dùng chỉ khâu chặt lại cho vào trong nồi đất hầm 2 tiếng cho thêm ít muối gia vị, uống canh ăn dạ dày.

Tang ký sinh luộc trứng gà: Tang ký sinh 30g, trứng gà 2 quả. Trước tiên sắc tang ký sinh, bỏ bã lấy nước, dùng nước thuốc để luộc trứng gà, uống canh ăn trứng.

Canh hạch đào, bầu dục lợn: Hạch đào nhân 50g, đậu đen 50g, bầu dục 1 cặp, cho vào trong nồi đun cùng. Đậu nhừ cho thêm gia vị vừa ăn.

Ba ba hầm đỗ trọng: Ba ba 1 con, đỗ trọng 15g, cùng cho vào nồi để lửa nhỏ hầm 4 tiếng, sắp được thì cho hành, gừng, muối, đun sôi là được.

Đỗ trọng hầm bầu dục cừu: Bầu dục cừu 2 quả, đỗ trọng 15g. Đỗ trọng rang chín, tán bột, bầu dục rửa ra bổ sạch, cho bột đỗ trọng vào trong, bên ngoài bọc một lớp vải thưa cho vào trong nồi, để lửa nhỏ hầm chín, ăn bầu dục, uống canh.

Gân hươu nấu lạc: Gân hươu 50g, lạc nhân 150g. Cho nước vào hầm 2 tiếng, nêm dầu muối gia vị vào ăn là được.

Xuyên đoạn, đỗ trọng nấu đuôi lợn: Xuyên đoạn 20g, đỗ trọng 30g, đuôi lợn 1 – 2 cái. Đuôi lợn cạo sạch lông, rửa sạch cho cùng vào nồi đất hầm 1 tiếng, cho ít muối gia vị vào ăn.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)

Theo KH&ĐS
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top