Món ăn bài thuốc chữa suy nhược, thiếu máu

Quan niệm của đông y cho rằng để chữa trị bệnh thiếu máu, ngoài việc tăng cường dinh dưỡng, cần phải bắt đầu từ bổ thận, vì tinh hoa trong thận được chuyển thành máu. Ngoài các món ăn bài thuốc bổ máu, nên dùng thêm hoa quả và rau tươi đậm chất diệp lục.

Những người cơ thể suy nhược, thiếu máu, biếng ăn, ăn không ngon thường có sắc mặt xanh xao, hoa mắt, nóng đầu, ù tai, tim đập nhanh, ngủ không yên, người thường có cảm giác mỏi mệt, rã rời, móng tay thường lõm xuống và dễ bị nứt; đầu óc không tập trung. Ở phái nữ thì thường kèm theo biểu hiện kinh nguyệt thất thường.

Quan niệm của Đông y cho rằng để chữa trị cơ thể suy nhược thiếu máu, ngoài việc tăng cường dinh dưỡng, phải bổ thận cố tinh, vì tinh hoa trong thận được chuyển thành máu.

Nếu thiếu máu do trong người có bệnh xuất huyết mãn tính (như xuất huyết nhiều khi hành kinh, bệnh giun móc, xuất huyết vì loét dạ dày…) thì phải điều trị những bệnh này cho triệt để. Đông y thường dùng những bài thuốc sau cho người cơ thể suy nhược, thiếu máu.

Ảnh minh họa.

Bài 1: 1 con gà mái tơ, làm sạch, bỏ nội tạng, rồi cho các vị thuốc gồm đương quy (15 gr), đẳng sâm (30 gr), các gia vị cùng hành, gừng vào trong bụng gà, buộc lại rồi đem ninh (nấu) với lửa nhỏ cho đến chín mềm để ăn.

Bài 2: Lấy 0,5 kg lươn đem nấu với 100 gr vị thuốc hoàng kỳ. Nấu dạng như nấu canh, có nêm nếm gia vị.

Bài 3: Xương ống chân của dê rửa sạch, đập cho nát ra, rồi đem nấu cháo loãng với gạo nếp, 20 trái táo đỏ, nêm nếm gia vị, dùng trong ngày.

Bài 4: Gan heo chừng 100 – 200 gr, rửa sạch, cắt lát rồi đem nấu cùng một ít rau chân vịt. Bắc nồi nước nấu, khi nước sôi thì cho ít gừng tươi, gia vị vào, sau đó cho rau chân vịt, rồi cho gan vào nấu đến khi chín.

Bài 5: Nấm mèo (loại có màu đen) chừng 20 gr, cùng 10 trái táo và một ít đường đỏ đem nấu chung để dùng. Cũng có thể lấy vài quả táo đỏ, 50 gr đậu xanh hạt đem nấu với đường đỏ để dùng. Hoặc dùng vài quả dâu tươi đem nấu với một ít đường đỏ để lấy nước uống.

Bài 6: Dân gian còn dùng cây cỏ mật (loại mọc trên núi) khoảng 9 gr, đem nấu với linh chi (9 gr), đương quy (9 gr), trần bì (9 gr), cam thảo (9 gr), sâm (6 gr), hoàng kỳ (12 gr) để lấy nước uống trong ngày có tác dụng bổ thận, tăng cường lưu thông máu, phục hồi cơ thể.

Ngoài các bài thuốc, nên ăn nhiều các loại hoa quả và rau xanh đậm màu, nhiều chất sắt, chất diệp lục như: quýt, cam, táo chua, đào, hồng, hạnh nhân, nho, rau cần, cải bó xôi, cải xoong…

BS Nguyễn Thị Lệ Quyên

Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang

Theo Đời sống
back to top