Mỗi trí thức phải tự đổi mới mình

(khoahocdoisong.vn) - PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội chia sẻ, làm sao để Liên hiệp Hội Việt Nam phải là ngôi nhà chung của mọi trí thức. Ở đó, mọi người đều được tôn trọng, có một môi trường bình đẳng để đóng góp khả năng của mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Trần Hải.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Trần Hải.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội: Mỗi trí thức phải tự đổi mới mình

Khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, PGS.TS Bùi Thị An mong muốn mỗi trí thức phải tự đổi mới mình và phải làm thế nào để đất nước có sự đột phá bởi khoa học công nghệ như trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói tới.

Bởi trong bối cảnh hiện nay, nếu không có khoa học thì không thể có sự đột phá. Mà không thể đột phá thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép.

Và Liên hiệp Hội Việt Nam phải là nơi tập hợp đội ngũ trí thức của cả nước, có cơ chế, chính sách để tập hợp, thu hút, tôn vinh những người tài thực sự để họ mang hết những khả năng của mình cống hiến cho đất nước.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Trần Hải.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Trần Hải.

“Chúng ta không "hành chính hóa Liên hiệp Hội", mà làm sao để Liên hiệp Hội Việt Nam đúng là ngôi nhà chung của mọi trí thức, trong đó, mọi người đều được tôn trọng, có một môi trường bình đẳng để đóng góp khả năng của mình. Nếu không đạt được điều đó, thì chúng ta khó đạt được những thành tựu cao hơn. Bởi có tiềm năng nhưng không biết tổ chức, tập hợp thì sẽ không thể phát huy được sức mạnh của mỗi cá nhân và của tập thể”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

GS.AHLĐ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí: Hy vọng vào một nhiệm kỳ mới thành công

Đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, GS.AHLĐ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí thấy một không khí đoàn kết, dân chủ. Ông rất hy vọng vào một nhiệm kỳ mới thành công của Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam khóa VIII.

Điều này xuất phát ở việc, ông chứng kiến Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam khóa VII đã rất có trách nhiệm trong việc tìm kiếm người kế cận. Đại diện Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam khóa VII đã chủ động gặp ông, mời ông tham gia vào Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam

GS.AHLĐ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Ảnh Trần Hải.

GS.AHLĐ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Ảnh Trần Hải.

“Như vậy, là đã có sự chủ động tìm hiểu lý lịch, hoạt động khoa học của tôi và tuyệt đối không có tiêu cực nào cả. Từ việc này, để thấy Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội nhiệm kỳ cũ rất có trách nhiệm trong việc tìm được những người thay thế mình. Ngoài ra, đồng chí tân Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam hiện đang là là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, theo tôi được biết là người rất có trách nhiệm và đau đáu với sự phát triển khoa học ở Việt Nam. Cho nên, tôi kỳ vọng, sẽ có một nhiệm kỳ mới thành công”, GS.AHLĐ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Ông Mai Công Mừng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam: Cần kêu gọi hơn nữa sự đóng góp trí thức từ nước ngoài

Trong 5 năm vừa qua, thành tựu lớn nhất của nước ta là vấn đề tăng trưởng kinh tế nói chung và phát triển đầy đủ về năng lượng cho đất nước. Ngoài ra, là trong năm vừa qua, chúng ta đã phát triển rất mạnh mẽ nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, gần như đáp ứng được tỷ lệ về năng lượng sạch cần phải có trong tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh. Đặc biệt, một thành tựu mà có lẽ ai cũng thấy rõ, đó là chúng ta đã khống chế thành công đại dịch Covid-19. Và cuối cùng, là chúng ta có một nền chính trị ổn định.

Trăn trở cũng còn rất nhiều, nhưng trăn trở lớn nhất là tiềm lực về trí tuệ, khoa học rất dồi dào. Tuy nhiên, phát triển vẫn ở mức khiêm tốn. Chúng ta cần kêu gọi hơn nữa sự đóng góp trí thức từ nước ngoài, những người đã được đào tạo bài bản, có cống hiến ở nước ngoài nhưng chưa có điều kiện để về Việt Nam cống hiến.

Ông Mai Công Mừng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam. Ảnh: Trần Hải.

Ông Mai Công Mừng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam. Ảnh: Trần Hải.

“Như bản thân tôi có hai đứa con, đều là tiến sĩ ở Pháp, nhưng kêu gọi mãi mới được một con trai về, còn con gái vẫn ở nước ngoài”, ông Mừng chia sẻ.

Theo ông Mừng, cần phát triển khoa học công nghệ, bởi đó là nền tảng cho tất cả. Ông Mừng kỳ vọng Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp được các trí thức, nhất là khi có sự lãnh đạo của vị tân Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam - TSKH Phan Xuân Dũng, theo ông được biết là người có tầm nhìn.

Theo Đời sống
back to top