Mỗi tòa nhà bằng dân một phường, vẫn tắc

Hà Nội (HN) đã từng cấm xây nhà trên 9 tầng từ vành đai 2 trở vào trung tâm để ngăn áp lực từ việc xây nhà cao tầng chẳng lẽ họ lại không biết? Mỗi tòa nhà 40 – 70 tầng, số người bằng cả một phường thì tất cả vấn đề đưa ra đều không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông, nhất là trong giờ cao điểm”, TS.KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói về đề xuất xây nhà 70 tầng quanh Ga Hà Nội.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/ts.kts-ngo-doan-duc-300x222.jpg

Cảnh giác với cách lập luận

HN đã xin ý kiến các bộ ngành về đồ án quy hoạch Ga HN và vùng phụ cận, trong đó đề xuất xây những tòa nhà cao từ 40 – 70 tầng xung quanh khu vực Ga HN đã gây nhiều tranh cãi. Quan điểm của ông thế nào?

Quy hoạch phân khu Ga HN và phụ cận nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung Thủ đô đã được phê duyệt từ năm 2011 như TP HN đang đưa ra để xin ý kiến là công việc tất yếu trước sau cũng phải làm, nhưng đồ án quy hoạch này đã gây tranh cãi do đụng đến những vấn đề mà nội dung của nó đang ngược lại chủ trương và mục tiêu quy hoạch đưa ra trước đây cho khu vực nội đô lịch sử của HN. Và quan điểm của tôi là không đồng tình.

Sự “đi ngược” đó là như thế nào, có phải ông không đồng tình vì sự “đi ngược” đó?

Tôi không đồng tình vì 3 lý do. Thứ nhất là nó làm tăng dân số, tích tụ dân cư. Thứ hai về cơ sở giao thông không hề có cơ sở lạc quan như đồ án đề xuất. Thứ ba là về tạo lập hình ảnh, sẽ là sự phá vỡ diện mạo khu nội đô mà HN vốn có chứ không phải là tạo được điểm nhấn như đề xuất.

Theo ý kiến của một chuyên gia góp ý vào đồ án, thì ưu điểm của đồ án là tái định cư người dân tại chỗ nên không tăng dân số nhiều. Nên lý do tăng dân số của ông liệu có phải là sự lo xa quá không?

Có lẽ phải cảnh giác với cách lập luận này, vì nếu mỗi đồ án quy hoạch cải tạo sẽ còn tiếp tục trong nội đô trong thời gian tới đều tăng dân số kiểu “không nhiều” như ở đồ án quy hoạch này và “rất nhiều” như dự án đang thực hiện ở khu Giảng Võ thì viễn cảnh sẽ sao đây? Con số 80.0000 dân tăng lên 82.4000 rồi dừng ở mức nào sau mỗi đồ án là không lường được!

Hơn nữa, việc xây nhà tái định cư tại chỗ cho khoảng 40.300 người sẽ lấy kinh phí từ đâu nếu không từ nguồn lợi bất động sản sinh ra từ chính bài tính quy hoạch phân khu đất vàng? Hiểu nôm na là để có tiền xây dựng cho một hộ, thì phải bán một căn khác bù vào, như vậy thì dân số tăng chứ không thể giảm.

Và nó “đi ngược” lại chủ trương của HN như thế nào?

Việc tăng dân số khoảng từ 34.000 lên 44.000 người trong khu vực quy hoạch gồm 9 phân khu của đồ án này làm ngược lại mục tiêu cần giảm từ 1,2 triệu dân nội đô hiện có xuống còn 80 vạn và ngược với sự cố gắng của chính quyền HN trong việc dãn dân phố cổ ra ngoài nội đô trong nhiều năm qua…  Nó trái với chỉ đạo của chính phủ là kiên quyết không để tăng dân số khi rà soát quy hoạch nội đô.

Dân cư không phải mặt hàng có thể đem cất

Theo lời giải thích của lãnh đạo Sở quy hoạch – Kiến trúc thành phố, khi chiều cao nâng lên thì mật độ xây dựng giảm và mới có quỹ đất dư ra để phát triển đường giao thông, khu vực công cộng và cây xanh. Như vậy, có thể hiểu là giao thông sẽ được cải thiện chứ, thưa ông?

Thế cho tôi hỏi, những tòa nhà 70 tầng ấy khi đặt nằm ngang thì nó như thế nào? Nó sẽ vẫn là một khối dân cư đông đúc chứ. Có thể hiểu nôm na thế này: Dân cư, người chứ có phải mặt hàng đâu mà cất vào kho rồi nằm yên đó. Họ sẽ có nhu cầu đi lại và nhiều yếu tố đô thị phát sinh.

Nhưng khi quy hoạch, hẳn họ cũng tính toán tới điều đó?

Giao thông có thể hợp lý trong nội bộ 9 phân khu, nhưng kết nối ra ngoài phạm vi của đồ án thì không hề đơn giản như toan tính do các tuyến giao thông liên quan xung quanh vốn chật hẹp lại đang ngày thêm tắc nghẽn… và vẫn là nguy cơ tăng thêm mà chưa có giải pháp tháo gỡ.

Tức là bài toán giao thông ở đây không chỉ đơn giản ở trong phạm vi của đồ án?

Đó là bài tính cục bộ cho phạm vi nghiên cứu của đồ án này, nó chỉ có lý khi không nằm trong khu vực nội đô lịch sử. Ai cũng biết xây nhà cao tầng trong nội đô đã là một trong những nguyên nhân hút dân vào và gây sức ép lên hạ tầng giao thông…

Do vậy mà HN đã từng cấm xây nhà trên 9 tầng từ vành đai 2 trở vào trung tâm để ngăn áp lực từ việc xây nhà cao tầng chẳng lẽ họ lại không biết?! Mỗi tòa nhà 40 – 70 tầng, số người bằng cả một phường thì tất cả vấn đề đưa ra đều không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông, nhất là trong giờ cao điểm. Lời giải thích mới chỉ một chiều và có phần phiến diện.

Mỗi lần điều chỉnh quy hoạch HN lại tăng mật độ, tăng chiều cao xây dựng cho một số dự án trong thời gian qua ở nội đô làm những giá trị kiến trúc đô thị tiếp tục nguy cơ bị tổn thương, bị băm nát như từng được cảnh báo đã dấy lên sự lo ngại, ngờ vực về động cơ thực hiện. Đồ án quy hoạch Ga HN và phụ cận cũng đang trong tình trạng mà Thủ tướng chính phủ yêu cầu UBND TP HN cần thận trọng trong quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững.

Đừng nhân danh hiện đại hóa

Nhưng để tiến tới một Thủ đô văn minh, hiện đại, thì HN cũng cần phải đổi mới, có những ngôi nhà cao tầng, để tạo điểm nhấn không, thưa ông?

Theo tôi lý do xây nhà cao tầng là để tạo lập hình ảnh, điểm nhấn đô thị như đồ án thể hiện quanh Ga HN là không ổn. Bởi xây nhà cao tầng không những tăng áp lực lên hạ tầng của toàn khu vực, mà còn phá vỡ không gian khu nội đô lịch sử HN vốn đã có diện mạo riêng với loại hình kiến trúc có quy mô nhỏ.

Nổi bật là các nhà ống trong khu phố cổ cùng các biệt thự, dinh thự thời Pháp trong khu phố cũ, vốn đặc trưng cho HN nghìn năm. Những hình ảnh mái ngói lô xô, những hàng cây xanh rợp bóng… đó chính là hồn cốt của HN, cần phải giữ gìn.

Điều đó liệu có khiến HN “tụt hậu” với nhịp độ phát triển của các thành phố khác không, thưa ông?

HN đã mở rộng gấp 3 lần trước đây và việc xây dựng các nhà cao tầng hoặc siêu cao tầng để góp phần biểu hiện một HN văn minh, hiện đại là cần thiết, nhưng không phải là xây ở trong khu nội đô lịch sử, và phạm vi từ vành đai 1 trở vào trung tâm lại càng không. Quy hoạch chỉnh trang nâng cấp chất lượng hạ tầng, tiện ích đô thị, giao thông tiện lợi… trong nội đô lịch sử cần được ưu tiên thực hiện, đó cũng là tiến tới văn minh, hiện đại, không cứ phải xây nhà cao tầng.

Tức là muốn xây nhà cao tầng, thì ra khu khác để xây, không thể ở trong khu vực nội đô?

Đúng thế. Đặc biệt, việc quy hoạch chỉnh trang đô thị để bảo tồn các di sản kiến trúc trong nội đô lịch sử là nhiệm vụ số 1 của các dự án, đồ án thiết kế khi cụ thể hóa Quy hoạch HN đã được Chính phủ phê duyệt năm 2011, không nhân danh hiện đại hóa hoặc lấy cớ tạo điểm nhấn đô thị để xây nhà cao tầng trong khu vực này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Loan

(thực hiện)

Theo Đời sống
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
Báo in trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện

Báo in trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện

Quy trình sản xuất ấn phẩm báo in Khoa học và Đời sống trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện từng bước được hoàn thiện ở mọi mặt, từ làm báo trên nền tảng số, đến bạn đọc có thể xem trang báo yêu thích trên điện thoại thông minh.
back to top