Mối nguy hiểm tiềm tàng của thực phẩm chức năng

Nhãn dán của nhiều loại thực phẩm chức năng đều ghi an toàn và hoàn toàn tự nhiên. Liệu đó có phải là sự thật?

Đó là những lọ thực phẩm chức năng năng giúp giảm cân hứa hẹn người sử dụng có thể có một vóc dáng mảnh mai mà không cần ăn kiêng hay tập thể dục. Hay những sản phẩm tăng cường thể lực giúp người dùng có một cơ thể khiến mọi người trong phòng gym ghen tị, thậm chí giúp bạn “bền bỉ” hơn trong chuyện phòng the.

Nhãn dán của hầu hết sản phẩm này đều được ghi là hoàn toàn tự nhiên và an toàn. Nhưng sự thật có phải là như vậy?

Một nghiên cứu mới đây của Mạng lưới Mở JAMA cho biết nhiều sản phẩm chức năng có chứa các thành phần hoạt tính chưa qua kiểm định và kiểm duyệt. Các nhà nghiên cứu nhận định những thành phần này là “mối lo ngại cho sức khỏe cộng đồng”.

Từ năm 2007 đến năm 2016, các chuyên gia của Cơ quan Y tế Cộng đồng California đã tìm thấy 776 sản phẩm được dán nhãn là thực phẩm chức năng có chứa các thành phần hoạt tính tiềm ẩn không an toàn và chưa được nghiên cứu.

Trong số đó, dapoxetine, một loại thuốc điều trị xuất tinh sớm chưa được phê chuẩn tại Mỹ và thuốc sibutramine có trong một vài thực phẩm chức năng giảm cân nhưng bị cấm tại thị trường này từ năm 2010 vì những rủi ro về tim mạch.

Moi nguy hiem tiem tang cua thuc pham chuc nang hinh anh 1
Cơ quan Y tế Cộng đồng California đã tìm thấy 776 sản phẩm được dán nhãn là thực phẩm chức năng có chứa các thành phần hoạt tính tiềm ẩn không an toàn và chưa được nghiên cứu. Ảnh: Risingstarstv

Dựa trên kết quả phân tích dữ liệu của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), các chuyên gia này đã xác định được những thành phần “bẩn” có trong các sản phẩm chức năng có trên thị trường. Đại diện cơ quan, ông Corey Egel, cho biết: “Nghiên cứu này đặt nền móng cho việc kiểm soát tại khu vực một cách thường xuyên được tiến hành bởi FDA và các cơ quan có liên quan. Hoạt động này nhằm kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối và buôn bán trái phép các sản phẩm thực phẩm chức năng giả".

Các sản phẩm bị cho là giả hay bẩn khi chứa những thành phần hoạt tính không được liệt kê trên bao bì khi quét qua radar của FDA.

Theo FDA, thực phẩm chức năng có chứa vitamin, khoáng chất và các loại thảo dược. Chúng không được chỉ định để chữa hay phòng ngừa bệnh và cũng không chịu sự kiểm tra về độ an toàn, hiệu quả trước khi đưa ra thị trường như các loại thuốc khác.

Moi nguy hiem tiem tang cua thuc pham chuc nang hinh anh 2
Trong số các sản phẩm giả, gần 46% là sử dụng nhằm tăng cường sinh lực, 41% hỗ trợ giảm cân và 12% là giúp tăng cơ. Ảnh: Verywell Health.

Dữ liệu của FDA đã chỉ ra những vấn đề phát sinh trong quá trình giám sát sau khi đưa ra thị trường như báo cáo về tác hại và khiếu nại của người tiêu dùng. Những trường hợp này thường xuyên nhận được thư cảnh báo từ FDA và các cơ quan yêu cầu các nhà sản xuất tự thu hồi sản phẩm của mình.

Uớc tính với khoảng 50% người dân Mỹ đang sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh ngành công nghiệp trị giá 35 tỷ USD này là một thị trường khổng lồ. Trong số các sản phẩm giả, gần 46% là sử dụng nhằm tăng cường sinh lực, 41% hỗ trợ giảm cân và 12% là giúp tăng cơ.

Các nhà nghiên cứu nhận định: “Thực phẩm chức năng giả tiềm ẩn những khả năng gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người khi dùng hoặc kết hợp với các dược phẩm khác".

Các chuyên gia lấy ví dụ một bệnh nhân mắc bệnh tim có thể được yêu cầu tránh thuốc điều trị rối loạn cương dương bởi chúng có thể tương tác với các đơn thuốc khác và gây giảm huyết áp. Vì vậy, bệnh nhân này chuyển sang sử dụng thực phẩm chức năng không được kê đơn trên thị trường với lời quảng cáo là hoàn toàn tự nhiên và suy nghĩ rằng sản phẩm này sẽ không để lại rủi ro nào mà bác sĩ đã cảnh báo trước đó. Tuy nhiên, đây là một vấn đề đáng lo ngại. Ngoài ra, với quan niệm các sản phẩm này an toàn, bệnh nhân rất dễ lạm dụng và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Thực phẩm chức năng "bẩn" thường được được bán trên mạng hoặc bởi các nhà phân phối không rõ ràng. Chúng cũng thường xuyên được tiếp thị tới các khách hàng của phòng tập hay những người sử dụng thuốc chữa liệt dương mà không được kê đơn từ bác sĩ.

Các chuyên gia khuyến nghị nên sử dụng các thực phẩm chức năng đơn thành phần, bởi chúng có thể sẽ làm giảm khả năng chứa các thành phần lạ gây nguy hiểm. Đặc biệt, bạn không nên đặt niềm tin chắc chắn vào một sản phẩm nào đó khi nhà sản xuất nói chúng có thể cải thiện sức khỏe của bạn.

Theo news.zing.vn
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top