Mỗi ngày là một ngày vui

là quan niệm sống của ông Đào Tam Trọng và bà Lê Thị Hiền (181 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội). Đúng là gặp ông, trò chuyện với ông chỉ thấy toàn niềm vui, toàn tiếng cười.

Gặp nhau chỉ có tiếng cười

91 tuổi, ông Đào Tam Trọng vẫn sử dụng máy tính thành thạo, ông làm thơ, trao đổi với bạn bè, nói chuyện với các cháu ở xa qua Skype.

Ông bảo, sống đến tuổi này rồi thì thêm được ngày nào là lãi ngày ấy. Mỗi ngày sống là một ngày vui, không vướng bận chuyện quá khứ, tương lai thì đã có các con cháu mình lo. Nhiệm vụ của mình là phải làm sao cho vui vẻ. Vui vẻ thì bản thân mình cũng thấy sung sướng mà những người xung quanh mình cũng hạnh phúc.

Thế nên các con, các cháu, chắt rất thích quây quần về đây quấn quýt bên ông bà. Có đứa lớn rồi, có con rồi, mà đi xa về vẫn sà vào ôm chầm lấy ông, nhảy vào lòng bà. Với người già đó là niềm vui không gì sánh nổi.

Có được niềm vui đó lúc tuổi già là nhờ ông bà đã duy trì, gìn giữ một nền nếp, một truyền thống vô cùng đáng quý của gia đình, đó là cả gia tộc thương yêu, gắn bó với nhau. Trước đây, khi ông bà thân sinh ra ông còn sống, chủ nhật nào gia đình 7 anh chị em cũng đưa nhau lên ông bà. Thế nên con cháu họ lớn lên đã rất thân nhau, giúp đỡ nhau trong học tập, trong cuộc sống.

Khi các cụ mất đi, có để lại di chúc ông anh lớn được hưởng 6 phần của ngôi nhà, còn ông là em được hưởng 4 phần. Nhưng ông đã bàn với anh chia đều ra 7 phần cho tất cả anh chị em. Ai cũng vui vẻ, không hề có sự tranh giành, ngay đến nói xẵng với nhau cũng không hề có, không ai xưng hô mày tao… Gặp nhau chỉ có vui vẻ. Nên những buổi gặp mặt bao giờ cũng tràn đầy tiếng cười.

Tự hào vì gia đình yêu thương nhau

Đến đời ông cũng vậy, gia đình 3 người con trai đến chủ nhật là vẫn tụ tập về đây, anh chị em họ vẫn thân nhau như ruột thịt. Con của anh cả thì gọi các chú bằng ba, còn con của anh hai, anh ba gọi bác bằng bố.

Không phải chỉ về mặt danh nghĩa mà về cả vật chất và tinh thần họ vẫn luôn gắn bó, gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Từ việc đưa trẻ con đi mua sắm sách vở đến việc lo cho các cháu đi học ở nước ngoài, việc của mỗi nhà đều là việc chung. Điều đấy khiến ông rất cảm động và hài lòng.

Với ông mỗi thành tích, mỗi tiến bộ của các con, các cháu đều là niềm vui. Những bức ảnh, những phần thưởng, những thành công của con cháu đều được ông lưu giữ cẩn thận trong máy tính.

Ông kể, trong việc giáo dục con thì quan trọng nhất là người con cả. Ông kèm cho con đầu học, anh học rất giỏi nên dạy được cho anh thứ hai, anh thứ hai lại dạy anh út. Thế là cả ba anh chả phải học thêm thày nào, đều đi học ở nước ngoài, đến nay ai cũng thành đạt, cả 3 đều là tiến sĩ. Các con dâu và các cháu cũng đều là thạc sĩ.

Nhưng điều khiến ông tự hào hơn cả là dù thành đạt đến đâu, dù ở trong nước hay công tác ở nước ngoài, thì các con, các cháu ông vẫn luôn gắn bó, yêu thương gia đình mà ông bà vẫn luôn là những cây cao bóng cả để họ hướng về, để noi theo.

Và mỗi một sự kiện ông đều làm thơ. Thơ gửi cho các con khi đi học ở nước ngoài, thơ cho cháu, thơ tặng bà khi bà đi thăm chắt vắng nhà, thơ nhân kỷ niệm ngày cưới… cũng là những lời dặn dò, nhớ nhung đấy nhưng khi là thơ nó thành ra thấm thía vô cùng.

Ông làm thơ không phải cho mình hay cho bà mà là để cho con cháu biết tình cảm của ông bà, biết đến truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ để mà giữ gìn, tiếp nối.

Tuệ Minh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top