Mỗi cơ thể là một pháo đài "miễn dịch" chống Covid-19 hiệu quả

(khoahocdoisong.vn) - Cuộc chiến giữa sinh vật có cấu trúc tế bào và virus, chỉ được cấu tạo từ hệ DNA/RNA-protein dựa trên hệ thống miễn dịch đặc hiệu, hay nói đúng hơn chính là "binh đoàn" lympho hùng hậu. Nghiên cứu về miễn dịch học chính là nghiên cứu "binh đoàn" lympho với những cách thức hoạt động của chúng.

Binh đoàn miễn dịch

Binh đoàn lympho hùng hậu với lãnh đạo tối cao là các lympho CD4, được chia thành lympho B và lympho CD8. Lympho B chủ yếu là kháng thể lưu hành trong máu và dịch cơ thể, chuyên dụng cho các tác nhân nằm ngoài tế bào trên mọi mặt trận của cơ thể, chẳng hạn như vi khuẩn.

Những bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân mạn tính cần tiếp tục chế độ dinh dưỡng đa dạng thực phẩm, duy trì thuốc men điều trị ổn định để đủ sức chống lại virus Covid-19.

Những bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân mạn tính cần tiếp tục chế độ dinh dưỡng đa dạng thực phẩm, duy trì thuốc men điều trị ổn định để đủ sức chống lại virus Covid-19.

Văcxin là hình thức đưa kháng nguyên vào cơ thể để kích hoạt lympho B tạo kháng thể sẵn trước.

Lympho CD8 (còn gọi là T độc tế bào) chuyên dụng cho tác nhân nằm trong khu vực nội bào, chẳng hạn như virus. Khi nhận được lệnh từ CD4, CD8 sẽ tìm ra những tế bào đang chứa virus và gắn lên tế bào đó, sau đó CD8 sẽ trực tiếp phóng thích ra những chất độc tiêu diệt luôn cả tế bào đang là ổ chứa virus...

Câu chuyện này đưa đến việc tổn thương cơ thể nghiêm trọng do hàng loạt tế bào chứa virus đều phải hy sinh để ôm giặc virus chết cùng. Bởi vậy, địch nằm ngoài chiến trường như vi khuẩn thì dễ xử, chứ địch nằm vùng trong lòng như kiểu gián điệp của virus rất là khó xử, muốn giết giặc phải tự giết luôn chính mình.

Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. 

Hai hình thức chiến đấu trên của binh đoàn lympho được gọi trong khoa học là miễn dịch dịch thể (do lympho B đảm nhận) và miễn dịch tế bào (do lympho CD8 đảm nhận). Cả 2 hình thức đều chịu sự chi phối của CD4 nên virus HIV chui vào CD4 sống, miễn dịch xem như rắn không đầu, rơi vào tê liệt toàn bộ.

Cần tập trung vào những cá thể có hệ miễn dịch kém

Trong trường hợp của SARS-CoV-2, cơ thể chúng ta sẽ tiến hành song song cả 2 hình thức miễn dịch dịch thể và tế bào để chống lại virus. Tuy nhiên, hậu quả của câu chuyện sẽ thay đổi tùy từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp thứ nhất, nếu hệ thống lympho thắng áp đảo hoàn toàn virus từ sớm khi mới xâm nhập vào đường hô hấp, cơ thể vừa không có triệu chứng lại vừa may mắn có được kháng thể tự nhiên. Số lượng này chắn chắn sẽ rất nhiều trong số các ca F0, các số liệu thống kê trên thế giới đều cho thấy con số này là từ 80% trở lên.

Điều này có nghĩa rằng mỗi chúng ta đều có quyền tự tin vào cơ thể của chính mình, đó là một pháo đài miễn dịch vững chắc. Để củng cố pháo đài này, chúng ta cần đảm bảo cung cấp đầy đủ vitamin hằng ngày qua chế độ ăn uống.

Những bệnh nhân bệnh mạn tính cần tiếp tục duy trì thuốc men điều trị ổn định, nhất là nhóm bệnh lý chuyển hóa như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn…

Những người hút thuốc lá nên cai thuốc. Những người béo phì cần lên kế hoạch giảm cân, tiết chế thức ăn ngọt và béo, vận động hằng ngày tại nhà. Tất cả đều là những việc làm hết sức thiết thực và hiệu quả.

Trường hợp thứ hai xảy ra trên những cơ thể có hệ miễn dịch kém. Khi đó, virus có thể xâm nhập sâu vào phổi, thậm chí theo mạch máu đến nhiều cơ quan khác, gây nên tình trạng khủng hoảng của hệ thống miễn dịch, kích hoạt thái quá binh đoàn lympho bào và cơn bão cytokine.

Văcxin ngừa Covid-19 là niềm tin của toàn thế giới trong hiện tại, giúp giảm nhẹ mức độ nặng và tử vong của bệnh.

Văcxin ngừa Covid-19 là niềm tin của toàn thế giới trong hiện tại, giúp giảm nhẹ mức độ nặng và tử vong của bệnh.

Để đánh bay virus, cơ thể cũng bị tổn thương nghiêm trọng, xuất hiện triệu chứng khó thở tại phổi hoặc tổn thương đa cơ quan từ nhẹ đến nặng. Đây chính là lúc cơ thể cần nguồn oxy nhân tạo hoặc máy thở để trợ giúp hô hấp, chờ ngày các tế bào trong phổi hồi phục lại. Nhóm F0 có triệu chứng này chiếm khoảng 20% tổng số ca nhiễm, trong đó có < 5% tiên lượng nặng và tử vong.   

Như vậy, đối tượng mà cả xã hội cần tập trung trong cuộc chiến với Covid-19 chính là những cá thể có pháo đài phòng thủ yếu kém, tập trung chủ yếu ở người già, bệnh mạn tính, béo phì và hút thuốc lá.

Bên cạnh việc củng cố sức đề kháng cho cơ thể, khẩu trang y tế và tuân thủ 5K chính là những giải pháp tốt nhất để bảo vệ các đối tượng này. Đây cũng là những người cần được ưu tiên trong chiến dịch tiêm văcxin ngừa Covid-19 toàn dân.

Những đối tượng F0 không triệu chứng hoặc F1 qua tiếp xúc không phải là chủ đề chính của cuộc chiến. Nếu cứ mãi truy vết và cách ly một cách không hợp lý, chúng ta sẽ không những đối mặt với virus, mà sẽ còn đối mặt với nghèo đói, trộm cướp, bạo loạn...

Những người khỏe mạnh cần hiểu rõ về sức đề kháng của cơ thể với virus, tránh sự hoang mang không cần thiết và truyền bá nỗi sợ hãi tiêu cực ra cộng đồng.

Thay vì dành thời gian để lo lắng vì dịch bệnh, chúng ta hãy cùng nhau lan truyền ý thức tích cực về hoạt động tiêm văcxin, về việc đeo khẩu trang và thực hiện 5K. Đó mới là hành động ngay lúc này để bảo vệ bản thân và gia đình.

Văcxin ngừa Covid-19 là niềm tin của toàn thế giới trong hiện tại, giúp giảm nhẹ mức độ nặng và tử vong của bệnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng văcxin ngừa Covid-19 sẽ đóng vai trò tuyệt đối trong việc ngăn ngừa virus lây lan. Trước mắt, chúng ta thấy nhiều quốc gia vẫn đứng trước nguy cơ tăng số ca trở lại, dù rằng số người được tiêm ngừa đã đạt tỷ lệ rất cao.

Điều đó cho thấy chúng ta cần hiểu rõ giá trị của văcxin, không ỷ lại mà từ bỏ khẩu trang và 5K sau khi tiêm ngừa, nếu không sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn không thoát ra được.

Tất cả chúng ta rất cần sự bình tĩnh trong lúc này, hãy tin tưởng vào cơ thể của chính mình và vào những bài học kinh nghiệm thực tế đã thu được. Chúng ta có quyền tin tưởng rằng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ vượt qua được đại dịch và trở lại cuộc sống bình thường mới tươi đẹp.

ThS.BS Lê Quốc Tuấn (Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
back to top