Mở cửa kinh tế, nhưng địa phương chưa sẵn sàng

Mở cửa kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 đang căng thẳng, đặc biệt là tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, khiến các địa phương e dè.

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế. Song, căn cứ vào tình hình thực tế khi dịch bệnh đang còn diễn biến hết sức phức tạp, việc mở cửa kinh tế e rằng vẫn là bài toán nan giải khi mà nhiều địa phương còn chưa sẵn sàng vì thiếu điều kiện tiên quyết đó là: Vaccine cho mọi người dân.

Nhiều địa phương chưa sẵn sàng

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát khắp cả 3 miền và kéo một hồi suốt gần nửa năm trời vẫn chưa có dấu hiệu bị dập tắt. “Bão COVID” kéo dài dai dẳng, các địa phương lên dây cót tinh thần chấp nhận “sống chung” với dịch.

Thực tế cho thấy, mỗi khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn bớt căng thẳng, các tỉnh, thành không ngần ngại mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh (kể cả không thiết yếu) nhằm tạo điều kiện cho người dân có kế sinh nhai. Tuy nhiên, mở cửa kinh tế trong thời buổi dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, là việc không hề dễ dàng. Chưa kể, hoạt động giao thương giữa các địa phương với nhau liên tục đứt gãy vì dịch bất ngờ tái bùng phát.

Mở cửa kinh tế, nhưng địa phương chưa sẵn sàng - 1

Việc đi lại giữa nhiều địa phương đang được siết chặt.

Đơn cử, mới đây, nhận thấy dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, UBND tỉnh Thái Bình cho phép mở trở lại một số dịch vụ như rạp chiếu phim, xông hơi, massage, cơ sở làm đẹp…, từ 12h ngày 22/9.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 22/9, khi tỉnh Hà Nam xuất hiện chùm ca bệnh, lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngay lập tức tạm dừng triển khai nội dung trên.

“Hà Nam có nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, trường học chưa rõ nguồn lây. Việc tạm dừng là để bảo vệ an toàn cho người dân, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh”, công văn nêu rõ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chia sẻ, dù rất quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” nhưng địa phương cũng đang tính toán kỹ, không nôn nóng mở cửa kinh tế khi dịch bệnh còn đang hoành hành.

“Hiện tại, tình hình dịch tại địa phương vẫn còn phức tạp, đặc biệt bùng phát ở nhiều công ty, nhà máy đóng tại các khu công nghiệp. Tỉnh vẫn thực hiện chủ trương phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng.

Ví dụ, nhà máy nào, khu vực nào có ca bệnh thì phong tỏa phạm vi hẹp ở nhà máy, khu vực đó, thậm chí là phân xưởng đó chứ không đóng cửa cả khu công nghiệp. Đây cũng là cách để hoạt động sản xuất không bị tạm dừng, tạo tiền đề cho từng bước hồi phục kinh tế. Song, để phát triển ổn định như trước thì còn nhiều việc phải bàn tính. Tôi vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án hồi phục kinh tế”, ông Minh nói.

 Giải pháp nhằm mở cửa kinh tế thì điều tiên quyết là người dân phải được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Ngay cả TP.HCM, nơi mà độ phủ vaccine từ 18 tuổi trở lên đã đạt 100% thì cũng chỉ là từng bước mở cửa nền kinh tế. Phương châm của thành phố là không quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, nhưng cũng không chủ quan nôn nóng, mà phải thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, không mở cửa nếu không tuyệt đối an toàn. An toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn. Và dù cho các doanh nghiệp kêu khóc, thì hiện nay lộ trình mở cửa kinh tế TP.HCM vẫn theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1/10 đến 31/10, giai đoạn 2 từ 1/11 đến 15/1/2022 và giai đoạn sau đó.

Hay như Quảng Ninh, một trong số các tỉnh thành đã phủ được vaccine, thì cũng chỉ mới dè dặt chỉ đạo UBND các địa phương xem xét cho mở lại một số hoạt động dịch vụ (trừ quán bar, vũ trường, karaoke, massage, dịch vụ Internet, trò chơi điện tử…) có kiểm soát chặt chẽ (đón khách không quá 50% công suất) với quy trình phòng, chống dịch hiệu quả.

Mở cửa kinh tế, nhưng địa phương chưa sẵn sàng - 2

Nhiều địa phương chưa sẵn sàng mở cửa kinh tế vì thiếu điều kiện tiên quyết: Vaccine cho mọi người dân. (Ảnh: Phương Vũ)

Trên thực tế, ngay cả những địa bàn có độ phủ vaccine diện rộng thì việc mở cửa vẫn còn rất e dè, bởi như một lãnh đạo chia sẻ, dù cố gắng làm tốt đến đâu thì bản thân ông cũng không biết khi nào dịch lại… bùng. Nỗi lo, nỗi sợ, sự ám ảnh của TP.HCM vẫn hiện hữu hàng ngày khiến cho việc mở cửa vẫn cứ dùng dằng mãi, không ai dám quyết.

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, nếu muốn có một kịch bản chung cho việc mở cửa thì vaccine là điều kiện tiên quyết, và việc tiêm chủng ở các tỉnh phải bình đẳng như nhau. Bởi hiện tại nhân lực, vật lực từng địa phương khác nhau, cơ sở vật chất, năng lực khám chữa bệnh khác nhau, diễn biến dịch bệnh cũng khác nhau. Sẽ rất khó cho lãnh đạo các tỉnh nếu mở cửa trong tình trạng này khi mà độ phủ vaccine còn quá ít. E là không có lãnh đạo tỉnh nào dám đi đầu mở cửa.

Trong số các khó khăn, vướng mắc khiến việc mở cửa kinh tế không thể đồng loạt triển khai trên khắp cả nước thì quy định đi lại giữa các địa phương cũng là một rào cản không nhỏ.

Thực tế ngay chính việc đi từ Hà Nội về đến các tỉnh lân cận dù có tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng còn là chuyện khó. Một số tỉnh thành cũng mới ban hành công văn về việc bổ sung biện pháp giám sát y tế đối với người từ khu vực có dịch đã tiêm 2 mũi vacine phòng COVID-19 đến địa bàn, vẫn phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày; tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày.

Rõ ràng, với quy định mang tính khắt khe trên thì hoạt động giao thương giữa các địa phương sẽ vô cùng khó khăn.

Vaccine là điều kiện tiên quyết

Ông Phan Việt Cường – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết hiện nay, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được dập tắt. Do vậy, ưu tiên hàng đầu vẫn là sức khỏe của người dân và công tác phòng chống dịch.

Mở cửa kinh tế, nhưng địa phương chưa sẵn sàng - 3

Đến nay, tỷ lệ người dân được tiêm mũi 2 phòng COVID-19 còn rất thấp.

“Để kinh tế hồi phục và phát triển bình thường thì dịch bệnh phải được khống chế.  Đặc biệt, trước khi tính đến các phương án, giải pháp nhằm mở cửa kinh tế thì điều tiên quyết là người dân phải được tiêm vaccine phòng COVID-19”, ông Cường nhấn mạnh và chia sẻ thêm, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người dân của tỉnh được tiêm vaccine chỉ đạt gần 20%.

Đồng ý kiến với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, một lãnh đạo tỉnh cũng bày tỏ, cá nhân ông rất muốn địa phương sớm mở cửa kinh tế, thậm chí khao khát được mở cửa.

“Tỉnh lẻ phụ thuộc nhiều vào giao thương kinh tế. Suốt mấy tháng nay, chúng tôi mong muốn mở cửa kinh tế nhưng thấy rất khó vì yêu cầu phòng chống dịch. Thủ tướng ra chỉ thị yêu cầu có hướng dẫn để người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine được duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Nhưng thực tế mới có hơn 20% người dân được tiêm mũi 1. Mũi 2 tỷ lệ còn rất thấp.

Nhân lực và vật lực y tế của địa phương còn hạn chế nên khó có khả năng ứng phó khi bùng dịch. Vì vậy, dù muốn mở cửa để phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng lại sợ dịch bùng hơn”, vị lãnh đạo này nói và khẳng định, điều bức thiết mà địa phương đang cần là vaccine phòng COVID-19. Chỉ cần bao phủ được mũi 1 trong toàn tỉnh là sẵn sàng mở cửa kinh tế.

Ở lĩnh vực du lịch, các địa phương được “chọn mặt gửi vàng”, dự kiến thí điểm đón khách cũng đang e ngại vì vaccine chưa được bao phủ toàn dân.

Theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự kiến tháng 10, TP Phú Quốc sẽ thực hiện thí điểm mở cửa đón khách quốc tế. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới chỉ có khoảng 35% dân số được tiêm vaccine mũi 1.

Mở cửa kinh tế, nhưng địa phương chưa sẵn sàng - 4

TP Hội An chưa tính đến chuyện mở cửa du lịch vào thời điểm này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam xác nhận, địa phương chưa tính đến chuyện mở cửa du lịch vào thời điểm này.

Hiện tại, chính quyền thành phố đang tập trung nhiệm vụ phòng, chống dịch và nhanh chóng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Theo ông Sơn, để địa phương đón khách thì phải tiêm 2 liều vaccine cho người đủ 18 tuổi.

“Sắp tới Hội An được phân bổ 12.000 liều, khi tiêm hết số này thì mới đạt tỷ lệ 30% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine. Vì vậy, thật khó để thực hiện đón khách quốc tế", ông Sơn thông tin thêm.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình phòng, chống dịch thời gian qua, đặc biệt bàn biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát với dịch COVID-19” trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến việc mở cửa, nới lỏng giãn cách xã hội.

Theo Thủ tướng, việc góp ý các biện pháp là vấn đề quan trọng không thể chần chừ vì thời gian có ít, yêu cầu cao, công việc nhiều, năng lực có hạn.

Hơn nữa, chống dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa mở rộng dần. Cũng có lúc bị động, lúng túng vì biến chủng Delta nguy hiểm, song điều quan trọng là kịp thời phát hiện, điều chỉnh, bổ sung. Việc mở cửa, nới lỏng giãn cách phải thật thận trọng đi từng bước.  

THANH BA

Theo vtc.vn
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top