Miếu Gia Long ở Sa Đéc

(khoahocdoisong.vn) - ​​​​​​​Miếu Gia Long ở Sa Đéc được xây dựng trên nền đồn Nước Xoáy, căn cứ kháng chiến của Nguyễn Ánh trong sự nghiệp lập nên triều Nguyễn.

Lập căn cứ địa

Từ giữa thế kỷ XVIII, các cuộc chiến tranh liên tục giữa Đàng Trong, Đàng Ngoài làm cho đời sống nhân dân thêm cùng quẫn. Năm Tân Mão (1771), phong trào Tây Sơn nổi dậy tại Quy Nhơn (Bình Định) đã phát triển rộng lớn đánh bại chế độ cai trị của vua Lê, chúa Trịnh, bãi bỏ thời Hậu Lê (Lê Trung hưng) vốn chỉ còn trên danh nghĩa.

Ở phía Nam, các chúa Nguyễn cũng bị đánh chạy tan tác, chỉ còn lại Nguyễn Ánh quyết tâm "nằm gai nếm mật" để khôi phục cơ đồ. Năm Giáp Thìn (1784) lợi dụng thế cùng quẫn của Nguyễn Ánh, quân Xiêm La mượn cớ giúp nhà Nguyễn khôi phục lại giang sơn để có cớ vào cướp đất nước ta.

Tuy nhiên âm mưu của quan quân nhà Xiêm đã thất bại thảm hại trước đội quân thiên tài của Nguyễn Huệ và năm mươi vạn quân Xiêm đã bị đánh bại tại trận Rạch Gầm- Xoài Mút. Trước lực lượng không cân sức, quân của Nguyễn Ánh bị đánh tan tác mỗi khi Nguyễn Huệ xuất hiện điều binh khiển tướng. Tàn quân của Nguyễn Ánh phải bốn lần rời bỏ đất liền ẩn náu ở các hòn đảo trong vịnh Xiêm La, hai lần lưu vong sang tận Vọng Các.

Rút kinh nghiệm xương máu qua các lần thất bại trước, Nguyễn Ánh nghĩ đến phải có một căn cứ vững chắc ở trong nước, nên mặc dù đang lưu vong ở Xiêm, Nguyễn Ánh đã tìm chọn người ở lại tìm thế đất, lòng người thích hợp, lo việc xây dựng căn cứ địa. Vùng Nước Xoáy- Tân Long- Sa Đéc (sau này là Long Hưng) đã được lựa chọn làm căn cứ kháng chiến.

Căn cứ này gồm một hệ thống đồn, tháp canh, hầm hảo, xưởng đúc rèn binh khí... Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: "... Tháng Tám năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Ánh trở về đóng ở Hồi Oa, sai binh tướng đắp xây thành lũy bằng đất. Hoàng Văn Khánh và Tống Phước Ngạn đóng bên tả, Nguyễn Văn Trương và Tô Văn Đoài đóng bên hữu.

Được nhiều thiện cảm của dân

Quân Tây Sơn kéo đến đắp lũy bao vây, hai bên đánh nhau suốt mấy ngày ròng nhưng không phân định thắng thua. Nguyễn Ánh nghe theo lời tham mưu chế ra súng bằng gỗ, lấy hạt cau khô kết làm đạn, bắn rất hiệu quả, quân Tây Sơn phải rút lui..."

Từ đó, khoảng hơn một năm sau, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, lần lượt thu giang sơn về tay mình và lập ra triều đại nhà Nguyễn. Nền đồn cũ Hồi Oa chính là nền miếu Gia Long sau này.

Theo lời kể của các bậc cao niên truyền lại thì trong thời gian đóng quân tại đây, Nguyễn Ánh đã tạo được nhiều thiện cảm đối với dân chúng nên nhiều nhà hằng sản đã không tiếc của, sẵn sàng chi viện, góp gạo muối nuôi quân và người có công lớn trong việc này là ông Nguyễn Văn Hậu (sau được Nguyễn Ánh nhớ ơn xem như cha nuôi gọi là ông Bõ).

Sau khi quân của Nguyễn Ánh rời khỏi nơi này, nền đồn cũ được trả lại cho dân, nhưng nhân dân vẫn trân trọng gìn giữ, không dám trồng trọt canh tác mà chỉ để trống và đắp đất cao thêm mỗi khi bị mưa gió bào mòn. Năm Kỷ Mão (1819), Gia Long băng hà, nhân dân tưởng nhớ đã dựng ngôi miếu nhỏ bằng tre lá trên nền đồn năm xưa để thờ cúng, tưởng nhớ.

(còn nữa)

Theo Đời sống
Sự thật ít người biết về rắn cườm

Sự thật ít người biết về rắn cườm

Mặc dù không độc, nhưng rắn cườm thường bị nhầm lẫn với rắn lục cườm, một loài rắn thực sự độc hại. Điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp "chết oan" khi con người lầm tưởng rằng rắn cườm cũng độc.
back to top