Miền Nam có thể nằm dưới mực nước biển vào năm 2050

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 30/10/2019, Mạng lưới báo chí biến đổi khí hậu và năng lượng Media Climate Net đã công bố một nghiên cứu “chấn động” về biến đổi khí hậu, nước biển dâng đẩy mức ngập lụt ven biển trung bình hàng năm.

 Thủy triều cao có thể vĩnh viễn nhấn chìm diện tích đất có khoảng 150 triệu người cư trú khắp thế giới, trong đó có 31 triệu dân Việt Nam.

Ngày 30/10/2019, Mạng lưới báo chí biến đổi khí hậu và năng lượng Media Climate Net đã công bố một nghiên cứu “chấn động” về biến đổi khí hậu, nước biển dâng đẩy mức ngập lụt ven biển trung bình hàng năm tăng cao. Thủy triều cao có thể vĩnh viễn nhấn chìm diện tích đất có khoảng 150 triệu người cư trú khắp thế giới, trong đó có 31 triệu dân Việt Nam.

Kịch bản biến đổi khí hậu mới

Đến năm 2050, mực nước biển dâng sẽ đẩy mức ngập lụt ven biển trung bình hàng năm tăng cao, gây ngập cho các khu vực hiện có tới 300 triệu người sinh sống, theo một nghiên cứu của Climate Central công bố trên tạp chí Nature Communications. Và thủy triều cao có thể vĩnh viễn nhấn chìm diện tích đất có khoảng 150 triệu người cư trú. Những phát hiện này được dựa trên CoastalDEM, một mô hình độ cao kỹ thuật số mới được phát triển bởi Climate Central. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp học máy để sửa chữa các lỗi hệ thống trong dữ liệu độ cao chính hiện đang được sử dụng để đưa ra đánh giá quốc tế về rủi ro ngập lụt ven biển có tên gọi là Nhiệm vụ Địa hình Radar Tàu con thoi của NASA (SRTM). 

Theo công bố này, mực nước biển sẽ còn dâng cao hơn so với những gì các nhà khoa học từng dự đoán. Theo đó, thay vì một phần của Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM như các dự đoán trước đây, gần như toàn bộ diện tích miền Nam Việt Nam sẽ ở dưới mực nước biển trước 2050, ảnh hưởng tới khoảng hơn 20 triệu người (gần 1/4 tổng số dân cư) sinh sống ở khu vực này. Ở phía Bắc, các tỉnh ven và gần biển như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh cũng đều có nguy cơ mất một phần lớn diện tích do nước biển dâng. Trong đó Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình có khả năng nằm ở dưới nước hoàn toàn.

31 triệu người Việt Nam (khoảng 1/3 dân số), thay vì 9 triệu dân như các dự báo trước đây, sẽ phải đối mặt với các đợt ngập lụt mặn thường xuyên và nguy cơ di dân vì mất đất. Các trung tâm kinh tế ven biển lớn như Bangkok, Thượng Hải, Mumbai cũng được dự báo có nguy cơ tương tự.  6 quốc gia châu Á (Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan)  với tổng cộng khoảng 237 triệu người có thể sẽ phải di cư. Cụ thể là Trung Quốc 93 triệu so với 29 triệu, Bangladesh 42 triệu so với 5 triệu, Ấn Độ 36 triệu so với 5 triệu, Việt Nam 31 triệu so với 9 triệu, Indonesia 23 triệu so với 5 triệu, Thái Lan 12 triệu so với 1 triệu.

Đến năm 2100, nếu những đánh giá này tính đến việc phát thải không được kiểm soát và nguy cơ băng tan sớm, thì tại sáu quốc gia đó, những khu vực nơi có 250 triệu người hiện đang sinh sống sẽ bị chìm dưới mức thủy triều cao, con số này cao gần gấp năm lần so với các đánh giá dựa trên dữ liệu độ cao hiện có

Cần có các công trình phòng ngập

Nghiên cứu của Climate Central đã chỉ ra một số nguy cơ dễ bị tổn thương đã thực sự tồn tại, ví như các công trình đê và các tuyến phòng chống ngập ven biển đã cho phép tới 110 triệu người sống trên đất liền nằm dưới mực nước thủy triều cao. Do thiếu dữ liệu nên nghiên cứu không tính đến tác động của việc phòng chống ngập hiện tại và tương lai.

Bộ dữ liệu độ cao chính được sử dụng cho nghiên cứu ven biển toàn cầu, SRTM, đo độ cao của các bề mặt gần nhất với bầu trời, chẳng hạn như ngọn cây và mái nhà do đó, thường cao hơn từ 2-4m trong khu vực đô thị mật độ cao, cho thấy sự an toàn giả tạo trước nguy cơ ngập lụt và mực nước biển dâng. Trong khi đó, CoastalDEM giảm các lỗi này xuống khoảng trung bình 10cm. Một số quốc gia đã thu thập và công bố dữ liệu độ cao chính xác hơn, thường dựa trên dữ liệu đo từ máy bay sử dụng phương pháp lidar; CoastalDEM đã được hiệu chuẩn và xác nhận bằng cách sử dụng chủ yếu các dữ liệu này.

TS Benjamin Strauss, nhà khoa học và CEO của Climate Central và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Dữ liệu của chúng tôi cải thiện bức tranh đó, nhưng vẫn rất cần các chính phủ và các công ty hàng không vũ trụ sản xuất và công bố các dữ liệu độ cao chính xác hơn. Cuộc sống và sinh kế phụ thuộc vào điều đó."

Các đánh giá dựa trên CoastDEM cho biết vào cuối thế kỷ này nếu không có các công trình phòng chống ngập thì những khu vực hiện là nơi sinh sống của 420 triệu người trên toàn thế giới có thể dễ bị tổn thương bởi các trận ngập lụt ven biển hàng năm, điều này vẫn diễn ra kể cả khi cắt giảm ở mức vừa phải lượng khí thải carbon. 

Theo Đời sống
back to top