Miễn học phí để giám gánh nặng cho phụ huynh

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, suốt hơn 4 thập kỷ kể từ sau chiến tranh đến giờ, niềm mong mỏi của ông là Nhà nước sẽ miễn học phí cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, cùng với đó là tăng lương cho giáo viên. Theo ông, có như thế thì nền giáo dục mới thực sự cất cánh, mới trở thành động lực để phát triển.

GS Phạm Minh Hạc

Đừng để nhà trường đặt ra các khoản thu

Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa trình Chính phủ, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?

Tôi rất vui mừng, rất hoan nghênh chủ trương này của Bộ GD&ĐT. Điều này tôi đã mong mỏi lâu lắm rồi. Suốt hơn 4 thập kỷ qua, từ khi đất nước giải phóng, tôi đã canh cánh điều này. Chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình đến trường.

Có đầu tư vào nền tảng giáo dục thì mới có cơ hội để phát triển. Hiện nay ở các thành phố lớn thì không nói, chứ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhiều nhà điều kiện kinh tế rất khó khăn. Thu xếp cho một đứa con đi học cũng rất khó. Việc miễn học phí đến cấp THCS sẽ tạo điều kiện rất lớn để nhiều em được đến trường hơn.

Không biết ở những nước khác, chính sách dành cho giáo dục có tương tự như chúng ta?

Ở những nước phát triển họ đầu tư cho giáo dục nhiều lắm. Không những không phải nộp học phí mà học sinh còn được hỗ trợ tiền ăn. Năm 1992 tôi sang Mỹ, ăn cơm cùng với học trò thì được biết học sinh được Nhà nước nuôi đi học ở các trường công.

Ở Đức thì học sinh cũng không phải đóng học phí và chỉ phải trả 50% tiền ăn. Chúng ta chưa làm được thế vì đầu tư cho giáo dục còn thấp quá.

Dường như muốn phát triển thì Nhà nước buộc phải đi từ giáo dục?

Đúng thế, các nước phát triển họ có cả thế kỷ đầu tư cho giáo dục, sau đó thì mới phát triển được đến như bây giờ. Chúng ta cũng nên bắt đầu bằng việc miễn học phí. Tôi cho đây là một bước tiến rõ rệt, là sự mong đợi của người dân, những người có con đi học, những người tâm huyết với giáo dục, từ rất lâu rồi.

Chi cho giáo dục hiện nay, theo ông có phải là gánh nặng của các gia đình?

Gánh nặng quá đi chứ. Không chỉ có học phí. Nhà trường đề ra biết bao nhiêu khoản đóng góp khác nhau, phụ huynh oằn lưng mà đóng.

Tôi mong tới đây Quốc hội sẽ thông qua chủ trương miễn học phí này. Và không chỉ miễn có học phí. Học đến lớp 9, nghĩa là hết THCS thì học sinh không phải đóng góp gì. Có như thế thì mới phát triển được.

Trước đây đi học còn được tiền

Không biết chính sách giáo dục thời chiến tranh của chúng ta như thế nào mà có thể xóa mù nhanh đến thế, đào tạo được nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn cao thế, dù đất nước rất khó khăn?

Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, khi đất nước còn trong chiến tranh ác liệt, sinh viên học đại học là không mất tiền. Được Nhà nước nuôi ăn uống, rồi lại có cả tiền tiêu vặt nữa.

Chúng ta rất chú trọng đầu tư cho giáo dục nên việc xóa mù chữ cũng được thực hiện khá nhanh. Lực lượng tri thức có trình độ cao cũng được đào tạo bài bản, được khuyến khích học tập. Bài học là muốn thành công, muốn phát triển thì buộc phải đầu tư cho giáo dục.

Để miễn học phí, buộc Nhà nước phải chi ngân sách nhiều hơn, như thế có làm tăng gánh nặng cho ngân sách?

Chi cho giáo dục thì không coi là gánh nặng của ngân sách. Giáo dục là điều kiện hàng đầu để phát triển đất nước. Rất nhiều bài học chúng ta nhìn thấy. Các nước có nền kinh tế phát triển ngày nay đều trải qua một giai đoạn dài đầu tư lớn cho giáo dục.

Hay như Cuba là một nước nghèo, thế mà năm 1999 tôi sang đó mới thấy người ta đầu tư cho giáo dục khiếp như thế nào. Đùng một cái họ quyết định tăng lương gấp đôi cho giáo viên, học sinh đến trường không phải nộp học phí. Kết quả là đến nay họ có một nền giáo dục cực kỳ phát triển.

Có ý kiến cho rằng giáo dục là quốc sách, nhưng dường như nó chưa bao giờ được coi là quốc sách?

Điều này cũng không đúng, đã có giai đoạn chúng ta làm được chứ. Con số 22 triệu người đi học với hơn 1 triệu giáo viên là con số rất lớn. Nhiều nước đang phát triển trên thế giới không có được con số ấy. Tuy vậy thì cũng phải công nhận là đầu tư cho giáo dục vẫn chưa xứng tầm, chưa đạt yêu cầu phát triển.

Khi chúng ta miễn học phí, có làm tăng lượng học sinh đến trường?

Điều này là rất có thể chứ!

Giáo viên đang nghèo nhất!

Cũng theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa trình Chính phủ, Điều 81 về tiền lương trong Dự thảo nêu cần sửa đổi: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”. Điều này hẳn cũng là tin vui với ông?

Đúng thế. Lương giáo viên hiện đang thấp nhất trong tất cả các ngành, tôi có thể nói như vậy. Dù rằng chế độ lương theo thang bậc của nhà nước là giống nhau, nhưng lương giáo viên vẫn thấp nhất.

Dù ngoài lương họ còn có phụ cấp, nhưng số tiền này không đáng là bao. Các ngành khác còn có phụ cấp như quần áo, cơm trưa, khoản nọ khoản kia, còn giáo dục thì không.

Nhưng quy định mức lương của giáo viên cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp thì có hợp lý?

Tôi nghĩ là sẽ phải có những tính toán hợp lý, vì không thể tách lương giáo viên ra khỏi hệ thống thang bậc lương chung được.

Tuy vậy, tăng lương giáo viên là cần thiết để những người giỏi nhất mới được tuyển vào ngành sư phạm chứ không phải là những người kém nhất. Chúng ta có hơn 1 triệu giáo viên nhưng họ đang sống rất khó khăn. Phát triển giáo dục thì buộc phải đầu tư cho đội ngũ này.

Thu nhập của chúng ta còn thấp thì lương của giáo viên thấp cũng là dễ hiểu?

Thu nhập của những ngành khác cao hơn nhiều chứ. Một kỹ sư dầu khí ra trường, thu nhập đến 20-30 triệu đồng/tháng, nhưng giáo viên thì lấy đâu ra. Muốn tăng lương cho giáo viên thì theo tôi cũng nên xây dựng chế độ phụ cấp cao hơn, hoặc có những cách tính kỹ thuật nào đó để nâng cao đời sống cho họ. Có như thế mới phát triển được.

Lương giáo viên ở các nước khác có tương đồng với lương giáo viên của chúng ta?

Ở các nước phát triển, lương giáo viên của họ cao gấp vài chục lần ở ta. Tất nhiên họ cũng phải chi tiêu nhiều hơn, mức sống cao hơn. Nhưng về mặt bằng chung thì giáo viên là những người có lương cao. Trong khi ở ta thì lương giáo viên đang thấp quá. Tôi rất mong là tới đây Quốc hội sẽ thông qua! Tôi mong tin từng ngày.

Xin cảm ơn ông và hy vọng những chính sách phát triển giáo dục sẽ được thông qua!

Tại tờ trình do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký cho hay, sẽ sửa đổi một số điều, trong đó sẽ miễn học phí cho học sinh từ tiểu học đến THCS. Lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, bổ sung khoản 2 Điều 105 về học phí để phù hợp với Luật giá; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 113 về thanh tra giáo dục để phù hợp với Luật thanh tra, sửa đổi bổ sung khoản 1, Điều 26…  Theo đó, Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
back to top