Mệt mỏi, suy nhược cẩn thận ung thư máu

Ung thư máu thể bạch cầu lympho mạn phát triển âm thầm không có triệu chứng khá dài, khi cơ thể yếu mệt, suy nhược, hạch to… là bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Bệnh nguy hiểm không triệu chứng kéo dài

Bệnh bạch cầu lympho mạn (BCLPM) là một bệnh tăng sinh ác tính bạch cầu lympho trưởng thành về hình thái học, có xu hướng tích lũy ở trong máu ngoại vi, tủy xương, hạch, nách và gan dẫn tới suy giảm chức năng tủy xương và phì đại các cơ quan nói trên.

Bệnh ít thấy ở người dưới 30 tuổi, tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 64. Sau lứa tuổi này, tỷ lệ mắc tăng dần, nam nhiều hơn nữ: 2:1. Bệnh không liên quan đến tiếp xúc phóng xạ. Hiện chưa có bằng chứng về nguyên nhân virus retro của bệnh.

Tính gia đình của BCLPM cũng được báo cáo. Những người ở mức huyết thống thứ nhất của bệnh nhân BCLPM có nguy cơ bị bệnh này và các bệnh ác tính khác thuộc lympho tăng gấp 3 lần với dân số chung. BCLPM thường xuất hiện một cách âm thầm với giai đoạn không có triệu chứng khá dài.

Chính vì vậy, có đến 25 – 30% trường hợp được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm công thức bạch cầu cho một bệnh khác hoặc trong khi khám sức khoẻ định kỳ.

Sau thời kỳ không có triệu chứng nói trên, bệnh nhân có thể bắt đầu yếu mệt, giảm sức lao động, suy nhược. Bệnh nhân hay bị nhiễm vi khuẩn, virus tái diễn nhiều lần.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/met-moi-suy-nhuoc-can-than-ung-thu-mau1.jpg

Giai đoạn muộn hơn bệnh nhân có biểu hiện sút cân và hạch to. Hạch to là triệu chứng dấu hiệu được lưu tâm đặc biệt. Vị trí hay gặp ở cổ, thượng đòn và nách.

Hạch thường chắc, di động, không đau. Một số ít trường hợp hạch tạo khối lớn, chèn ép gây phù chi, cản trở đường mật, đường tiết niệu hoặc đường hô hấp.

Khoảng 50% số trường hợp có nách và gan to ở mức độ nhẹ và vừa phải. Sốt ít khi gặp trong BCLPM. Xuất huyết dưới da đôi khi cũng gặp ở một số trường hợp hạ tiểu cầu nặng.

Xét nghiệm công thức máu trong BCLPM, bạch cầu thường tăng từ 15.000 – 200.000/mm³. Hồng cầu và tiểu cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.

Trong công thức bạch cầu, lympho tăng từ 5.000 – 15.000/mm³ (bình thường không quá 4.000mm³) và chiếm tới 70 – 95% số lượng bạch cầu.

Trên phiến đồ máu ngoại vi thấy tràn ngập các lympho bào có hình dạng tương đối bình thường.

Chọc hút tủy xét nghiệm thấy tủy xương bị xâm nhập các lympho nhỏ, biệt hóa cao, chiếm từ 40 – 50% số tế bào tủy.

Điều trị khi hạch to gây liệt, tắc

BCLPM ở giai đoạn 0, 1, 2 hầu như không cần điều trị. Việc điều trị các thuốc hóa chất ở giai đoạn này có thể còn làm thời gian sống của bệnh nhân giảm đi.

Bệnh nhân chỉ cần được theo dõi sát về lâm sàng (kích thước của hạch, gan, nách, số lượng hạch to) và xét nghiệm (số lượng bạch cầu, đặc biệt là số lượng và tỷ lệ% của lympho bào; có hiện tượng non hóa các lympho bào không? Mức độ thiếu máu bà giảm tiểu cầu).

Chỉ điều trị khi bệnh tiến triển với các biểu hiện: Hạch to gây ra các rối loạn chức năng các cơ quan: gây liệt, gây đau, gây tắc…; Nách to gây khó thở, đầy tức khó chịu; Diễn biến toàn thân nặng lên: sụt cân (> 10% trong vòng 6 tháng), mệt mỏi nhiều, sốt (trên 38ºC trong hơn 2 tuần).

Có các biến đổi về huyết học như bạch cầu tăng cao hoặc có dấu hiệu non hóa, thiếu máu, giảm tiều cầu. Tùy theo tình hình bệnh mà có cách điều trị khác nhau.

Trong BCLPM hay xảy ra hiện tượng của bệnh tự miễn gây thiếu máu, tan máu hoặc giảm tiểu cầu. Nếu chỉ có hiện tượng này xảy ra thì chỉ nên điều trị cho bệnh nhân bằng các phác đồ cho bệnh tự miễn, chưa cần sử dụng tới hóa chất.

Ngoài ra, điều trị hóa chất, kháng thể đơn dòng, tia xạ, các biện pháp hỗ trợ (chống nhiễm trùng, truyền máu, gạn bạch cầu), ghép tế bào gốc tạo máu… Tỷ lệ đáp ứng hóa chất dao động từ 38 – 74% và thời gian sống trung bình khoảng 5 năm.

Tiên lượng xấu khi: xâm nhập tủy xương lan tỏa, thời gian nhân đôi của lympho bào nhanh (< 12 tháng), tuổi cao, nam giới, có bất thường về nhiễm sắc thể, nồng độ 2 – microglobulin, LDH tăng, bộc lộ CD 38 trên thế bào bệnh bạch cầu.

GS.TS Nguyễn Bá Đức

nguyên Giám đốc Bệnh viện K

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top