Méo mặt vì “bão giá”

Trong khi dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, giá xăng dầu lập đỉnh tiến sát mốc 30.000đ/lít kéo theo giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao khiến người dân thêm méo mặt vì “bão giá”.

Sau 7 lần liên tục leo thang kể từ cuối tháng 12/2021, giá xăng dầu trong nước hiện đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử. Đây cũng chính là cú "đánh bồi" khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ đồng loạt tăng giá, thiết lập mặt bằng giá mới.

Thực phẩm theo đà “leo thang”

Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, giá rau, củ, quả đều đã tăng từ 3.000 – 5.000đ/bó hoặc 4.000 – 7.000đ/kg. Đơn cử như rau ngót, rau mồng tơi, rau cải tăng từ 5.000 – 7.000đ/bó; cà chua từ 10.000đ/kg lên 18.000 - 20.000đ/kg; bắp cải từ 6.000 - 8.000đ/kg lên 15.000đ/kg…

Tương tự, giá thịt lợn, cá, tôm… cũng tăng nhẹ, thịt nạc mông từ 100.000đ/kg lên 120.000đ/kg; thịt sấn từ 100.000đ/kg tăng lên 110.000đ/kg… Tuy nhiên, các loại hoa quả như thanh long, dưa hấu giảm giá do không xuất khẩu được sang Trung Quốc.

img20220317192700(1).jpg
Giá xăng dầu tăng kéo theo giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao khiến người dân thêm “nặng gánh” chi tiêu.

Theo ghi nhận của phóng viên tại siêu thị Big C Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 17/3 cho thấy, nhiều thương hiệu dầu ăn lại bất ngờ được điều chỉnh giảm giá, được áp dụng cho đến ngày 23/3. Cụ thể, một can dầu đậu nành Tường An loại 5 lít có giá 255.900đ/can (giá gốc là 297.500đ/can); dầu đậu nành Simply loại 2 lít có giá 112.900đ/can (giá gốc là 121.500đ/can); dầu ăn Neptune Light có giá 112.500đ/can (giá gốc 122.500đ/can); dầu Tường An Gold 5 lít có giá 229.900đ/can (giá gốc 276.200đ/can)…

Trong khi đó, giá mỳ tôm Hảo Hảo cũng đã tăng lên 4.500đ/gói so với giá 3.500đ/trước đây. Một số loại sữa tươi uống như TH True Milk, Vinamilk cũng đã được điều chỉnh tăng giá từ 40.000 - 70.000đ/thùng.

Theo chị Nguyễn Tuyết Hạnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội), nếu như trước kia gia đình chị chỉ phải dùng khoảng 6 triệu đồng/tháng để mua thực phẩm ăn uống như gạo, thịt, dầu ăn… thì đến nay, khoản chi này đã “đội thêm” 50% mỗi tháng. Bình thường tiền đi chợ hằng ngày của gia đình chị Hạnh chỉ khoảng 150.000đ thì nay mức chi phí đã phải tăng lên 200.000 - 250.000đ, tùy ngày. Giá xăng tăng, kéo theo giá gas tăng, chi tiêu sinh hoạt hằng ngày đều tăng khiến gia đình chị phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu.

img20220317192900.jpg
Giá xăng tăng kéo theo các mặt hàng thiết yếu sử dụng hàng ngày đều đã tăng giá khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu.

Tương tự, chị Trần Thị Mai (công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) ngán ngẩm: “Trước đây tôi đổ đầy bình xăng chỉ 100.000đ, bây giờ gần 150.000đ mới đầy, trong khi đó lương không tăng mà ra chợ mặt hàng nào cũng lên giá. Thực sự bây giờ đi chợ đều phải tính toán kỹ lưỡng, chi tiêu dè sẻn bởi hầu hết các mặt hàng thiết yếu sử dụng hàng ngày đều đã tăng giá”.

Không chỉ khách mua hàng, bà Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng tạp hóa tại phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, từ đầu năm đến nay kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút vì dịch bệnh, nhưng hàng hóa không giảm mà còn tăng “chóng mặt”. Đơn cử như giá mì ăn liền tăng thêm 10% so với trước Tết, giấy vệ sinh tăng thêm 18.000đ với bịch 12 cuộn...

Cần tăng cường kiểm soát thị trường

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, giá xăng tăng kéo theo tình trạng “té nước theo mưa” với nhiều mặt hàng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đáng bàn, phần lớn những tác động tới giá cả, khủng hoảng kinh tế đều là tác động tới người nghèo.

Cũng theo vị chuyên gia này, giá xăng dầu tăng cao như hiện nay sẽ có tác động trực tiếp đến khách hàng mua lẻ và các ngành vận tải, còn tác động gián tiếp là giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác. Bởi lẽ, các ngành sản xuất và tiêu dùng đều cần đến nhiên liệu để vận hành máy móc, thiết bị và thông qua các khâu vận chuyển, nếu giá xăng tăng sẽ khiến giá chi phí nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá 50 - 100% là quá nhiều. Trong khi sức mua của người dân không cao, hàng hóa đang rất dồi dào, không hề khan hiếm mà lại tăng “chóng mặt” và liên tục như vậy là điều cần xem xét lại. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây lũng đoạn thị trường.

Theo Bộ Tài chính, cơ quan này sẽ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.

Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.

Trao đổi trên báo chí gần đây, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Sự lan tỏa của yếu tố tâm lý trước thực tế giá xăng tăng cao khiến giá hàng hóa tăng theo. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc giá tăng do người bán “làm giá” cao kiểu “té nước theo mưa”. Việc giá hàng hóa tăng cao lần này không giống như những lần lạm phát trước đây, hàng hóa khan hiếm khiến giá cả leo thang. Hiện hàng hóa rất dồi dào trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập hạn chế. Do đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây lũng đoạn thị trường”.

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top