Mẹ "thắt tim" với quyết định "mạo hiểm sinh tồn" của con khi học tạm ở quê

Khi nghe kể về “pha” xử lý "mạo hiểm sinh tồn" của cậu con trai 7 tuổi đang học tại nơi cư trú phương xa, người mẹ hồi hộp thắt tim.

Quyết định "mạo hiểm sinh tồn"

Nhận được tin nhắn của chị gái về việc cậu con trai 7 tuổi của tôi đang gửi tạm học tại nơi cư trú hôm nay nghe lời mẹ, không tự ý đi bộ về nhà khi chưa có người đến đón, tôi có cảm giác như vừa trải qua giây phút lựa chọn khó khăn cùng con.

Và trái tim của người mẹ trong tôi như thắt lại, đập hồi hộp theo diễn biến câu chuyện. Tôi vừa vui, an tâm vì con đã nghe lời mẹ dặn, nhưng cũng xen lẫn phấp phỏng, lo âu.

Bởi bước chân con còn non nớt quá, trong khi đó, cuộc sống luôn  nhiều tình huống bất ngờ. Khi không có người lớn ở bên, con có xử trí được không. 

Chị gái tôi kể, bữa đó do chị có việc bận ở gia đình nhà chồng, không đi đón các cháu (gồm con trai tôi và con người em trai, hơn con tôi 1 tuổi) như thường lệ được, chị đã nhờ người thân đón. Nhưng người đó lại quên, không đi đón đúng giờ.

Muộn rồi, vẫn không thấy ai đến đón, cậu em họ bèn rủ anh tự đi bộ về nhà.

Dưới đây là mẩu đối thoại giữa hai anh em mà con trai tôi kể lại:

- Hai anh em mình về nhà đi. Chờ lâu quá. Nhỡ đâu lại quên đón chúng mình thì sao, trời sắp tối rồi.

- Thôi, cố chờ đi, anh sợ lắm. Đường nhiều xe ô tô. Mà mình đã tự đi bao giờ đâu.

- Không sao, có em đây rồi, sợ gì chứ.

Em họ bèn nắm tay anh lôi đi. Đi được mấy bước, anh quyết định giằng tay ra.

- Anh không đi đâu. Hôm nay anh quyết định mạo hiểm sinh tồn. Cứ ở lại đợi. Còn một mình anh cũng đợi.

- Sinh tồn cái gì mà sinh tồn. Trời sắp tối rồi, về còn tắm rửa.

- Không được, em muốn thì cứ về đi. Anh ngồi đây đợi.

Em họ quyết định đi về. Còn anh ra ghế đá sân trường ngồi đợi. Được một lúc thì người em chạy ngược dốc cổng trường trở lại hổn hển thông báo: "Đã có người tới đón rồi". Thế rồi hai anh em lên xe đi về nhà.

hoc-tai-noi-cu-tru(1).jpg
Cậu bé đã gọi quyết định của mình là "mạo hiểm sinh tồn".

Con nhớ lời mẹ dặn

Khi nghe chị gái kể lại câu chuyện trên, tôi điện hỏi con, vì sao con quyết định ở lại ghế đá ngồi đợi, không về cùng em? Trong khi con chưa quen trường, các bạn về hết, trời sắp tối, ở lại một mình con không sợ hay sao?

Con trai bảo, mới đầu, con đã định đi theo em, nhưng rồi con vùng ra, quyết định ở lại, dù cũng sợ. Vì con nhớ tới lời mẹ dặn, không được ra khỏi trường mà không có người lớn đi theo. Cũng không được ra đường cái lớn, nhiều xe cộ, nếu bị tai nạn, hay người lạ rủ đi sẽ rất nguy hiểm.

Nhìn gương mặt thơ ngây, bầu bĩnh của con, tôi ứa nước mắt. Tôi tưởng tượng tới cảnh con, một cậu bé từ Hà Nội về học tại nơi cư trú, chưa quen môi trường sống, còn nhiều bỡ ngỡ, vậy mà đã có một quyết định thật dũng cảm và kiên quyết.

Bình thường, khi con đến trường, giờ ra chơi nào, người anh họ học trên tầng cũng xuống chơi cùng con, sợ con chưa quen nhiều bạn bè, còn lạ lẫm. Đi đâu, hai anh em cũng đi với nhau.

Con cũng khá nhút nhát, buổi tối thường bắt mẹ vặn đèn ngủ thật sáng, cho đến khi con ngủ thì mới được chỉnh lại. Con không thích đọc những chuyện có những chi tiết kinh sợ, rùng rợn.

Nhưng bữa đó, con đã mạnh mẽ khước từ đề nghị của em họ, sẵn sàng tách khỏi em, chấp nhận một mình ở lại, chờ người lớn. Chỉ vì con nhớ tới những dặn dò của mẹ khi cho con “tự lập” khi ở xa.

Từ khi làm mẹ, tôi luôn có nhiều phấp phỏng, lo âu xoay quanh các con. Mỗi khi con bước ra thế giới bên ngoài, tôi luôn tưởng tưởng rất nhiều tình huống xấu. Có khi đang ngủ mà giật mình vã mồ hôi khi mơ thấy con gặp nguy hiểm.

Nhưng tôi hiểu, mình không thể lúc nào cũng ở cạnh con, và đi cùng con suốt cả cuộc đời. Vì thế, tôi cố gắng trang bị cho con những kỹ năng tự bảo vệ mình an toàn.

Ví dụ, khi trời mưa gió, sấm sét không được chạy ra ngoài, không được trú ở dưới gốc cây to. Khi tay ướt không được sờ vào ổ cắm điện. Không được dừng, trú ở những nơi có bốt điện, dưới chân cột điện. Không nghe bất kỳ người lạ nào rủ rê, kể cả người đó có nói dắt con đến chỗ bố mẹ. Không đu lên bất kỳ cánh cổng nào…

Tôi còn tự nghĩ ra các tình huống, mẹ con cùng sắm vai. Tôi đóng vai kẻ xấu, nghĩ ra đủ mọi chiêu trò dụ dỗ. Và các con ứng xử, thực hành theo kinh nghiệm, bài học mà mẹ dặn.

Cuộc sống muôn hình muôn vẻ, có nhiều những tình huống bất ngờ nảy sinh không lường trước được. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, nếu trang bị cho con những kỹ năng sống, thì có thể giúp con rất nhiều, phòng tránh được những rủi ro mà con có thể gặp phải.

Và từ “pha” xử lý khá “kịch tính” của con trai tôi ngày hôm đó, tôi thấy mình cần chú ý trang bị cho con những kiến thức về cuộc sống, về kỹ năng nhiều hơn nữa.

Con trai nói, hôm sau, cô giáo gọi con lên bảng kể lại câu chuyện cho cả lớp cùng nghe. Cô giáo biểu dương con về việc con đã lời người lớn, không tự ý quyết định thiếu an toàn.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top