Máy ép dầu tại nhà chỉ cho ra dầu thô

Máy ép dầu tại nhà được các chuyên gia khuyến cáo cần cân nhắc khi sử dụng vì sản phẩm chỉ làm dầu thô, chưa có chứng minh dầu ăn này an toàn.

Dầu dễ bị hư hỏng, không an toàn

Chị Nguyễn Thị Lê (Hà Nội) cho hay, chị thấy nhiều quảng cáo về máy ép dầu tại nhà nên cũng rất muốn mua một cái sử dụng. Bởi theo cấu trúc máy cũng như hướng dẫn sử dụng thì rất đơn giản.

Máy ép dầu tại nhà

Đó là máy chỉ to bằng chiếc máy ép hoa quả loại thường. Phía trong có một trục ép có thể tháo rời ra để rửa và lắp vào cùng ba khay đựng bằng nhựa là khay lọc dầu, khay đựng dầu và khay đựng bã. Phía trên máy có phần đựng nguyên liệu đầu vào và một bảng điều khiển. Khi sử dụng, chỉ cần bật máy lên, chờ máy nóng thông qua báo nhiệt độ trên bảng điều khiển (ở ngưỡng khoảng 180 độ C) thì cho nguyên liệu vào và bật chế độ ép.

Với cách này, chỉ cần trong vài ba phút, các nguyên liệu như lạc, đậu nành, vừng, dừa… sẽ được ép và cho ra dầu. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Lê cho hay, người bán cho rằng đây là dầu ăn nguyên chất và có thể đổ ra chai dùng dần. Nhưng chị vẫn thắc mắc, liệu dầu ăn này có đảm bảo an toàn, nhất là bảo quản lâu dùng cả tháng?

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hữu Tùng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, sử dụng máy ép dầu loại tại nhà này sẽ cho ra dầu, nhưng lại không tinh khiết. Với cách làm này, máy sẽ không loại hết được các tạp chất có trong nguyên liệu nên dầu ăn cũng có thể chứa các chất này.

“Để sản xuất dầu ăn cần nhiều bước từ lựa chọn nguyên liệu đến khi ép ra dầu cũng cần phải tinh chế để loại bỏ các tạp chất, hỗn hợp tùy vào vật liệu ban đầu. Nhưng nếu dùng máy chỉ ép đơn thuần thì còn có nhiều hỗn hợp, trong đó có nước… nên dầu ăn này sẽ không tinh khiết mà bảo quản rất dễ hỏng và lên men”, GS.TS Nguyễn Hữu Tùng nói.

Chỉ là ép thủ công, cho ra dầu thô

Ở góc độ khác, TS Vũ Hồng Sơn, trưởng bộ môn Quản lý chất lượng, Viện Công nghệ thực phẩm và công nghệ sinh học, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, đây là máy ép dầu thủ công, với cách thức ép này chỉ cho ra dầu thô. Khi cho nguyên liệu vào, dưới sự gia nhiệt sẽ cho ra lượng dầu nhiều hơn nhưng dầu này chưa có thể nói là an toàn, tốt cho người dùng mà cần phải được kiểm tra các chỉ số như độ ẩm, lượng axit… có đảm bảo hay không.

“Nhiều người nghĩ dùng máy ép dầu tại nhà sẽ cho ra dầu tươi nên ngon và an toàn nhưng sau quá trình ép và gia nhiệt các thành phần có thể thay đổi, không còn giữ được bản chất của nguyên liệu. Ví dụ ở nhiệt độ cao dầu có thể bị oxy hóa, cháy khét… Hay, dầu ép không qua bước tinh luyện nên vẫn còn các chất như độ ẩm cao… Lúc này, dầu không những không đảm bảo an toàn để ăn mà bảo quản lâu sẽ hư hỏng”, TS Vũ Hồng Sơn cho biết.

Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo người dân cân cân nhắc khi mua máy ép dầu tại nhà này. Nếu dùng, cần phải lựa chọn nguyên liệu đầu vào tốt từ nguồn gốc đến chất lượng như không bị mốc. Nếu như lạc bị mốc mà mắt thường không biết, ép dầu ra sẽ có chất aflatoxin gây ung thư. Đặc biệt, dầu sau khi ép ra nên đưa đi kiểm tra chất lượng rồi mới dùng cũng như bảo quản, tránh tình trạng sử dụng theo cảm tính và chủ quan sản phẩm mình tự làm là an toàn.

“Hiện nay nhiều người đang hiểu nhầm thuật ngữ nguyên chất. Nguyên chất là sản phẩm giữ nguyên bản chất tự nhiên của nguyên liệu. Nhưng bị hiểu nhầm thành sản phẩm không phối trộn các thành phần khác. Với dầu ép thủ công, dưới sự gia nhiệt, chưa rõ nguyên liệu đầu vào có an toàn hay không… thì không thể xem là nguyên chất”. TS Vũ Hồng Sơn.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top