Máy đo độ mặn của nước

(khoahocdoisong.vn) - Trước tình hình xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm tác giả thuộc phòng điện tử ứng dụng (Viện Vật lý TPHCM) đã nghiên cứu thành công “Giải pháp đo độ mặn của nước, giúp theo dõi sự phát triển và sinh trưởng của cây trồng phục vụ trong nông nghiệp”.

Độ mặn hay nồng độ muối là tổng lượng muối tính theo g/kg nước, ví dụ 1g muối + 1.000g nước (tương đương khoảng 1 lít nước) sẽ có độ mặn là 1ppt. 

Theo ThS Dương Minh Trí, nghiên cứu viên Viện Vật lý TPHCM, máy đo độ mặn được ứng dụng để xác định nồng độ muối trong nước, dùng trong các ngành nuôi trồng thủy, hải sản, chế biến lương thực, thực phẩm, khí tượng thủy văn… Độ mặn càng cao, nồng độ hòa tan oxy (DO) trong nước càng thấp. Ở cùng nhiệt độ, nồng độ oxy hòa tan tan trong nước biển thấp hơn khoảng 20% so với nước ngọt. Sự giảm hay tăng độ mặn của nước làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, chuyển hóa của sinh thực vật. Máy hoạt động dựa vào việc đo độ dẫn điện, dùng điện cực graphit. Độ dẫn điện/độ mặn của cùng một dung dịch thay đổi với nhiệt độ, nếu nhiệt độ tăng 1 độ C, độ dẫn điện tăng khoảng từ 2 - 4%. Bên trong điện cực có cảm biến nhiệt độ dùng để bù trừ nhiệt độ. Theo quy chuẩn quốc tế, giá trị đo dù ở bất cứ nhiệt độ nào đều phải đưa về 25 độ C. Mạch điện tử và phần mềm máy đo chuyển đổi giá trị độ dẫn điện thành độ mặn (độ muối). Sự thay đổi độ dẫn điện cho biết sự ô nhiễm trong nước. Nước thải từ nông nghiệp hay công nghiệp làm gia tăng độ dẫn điện do sự thêm vào các ion Cl, P, NO3… Trái lại, sự tràn dầu hay gia tăng các hợp chất hữu cơ làm giảm sự dẫn điện do các nguyên tố này không thể phân ly thành các ion.

Khánh Ly

Theo Đời sống
back to top