Máy điều hòa cũ tốn điện, hiệu suất thấp

Theo các chuyên gia, những chiếc điều hòa cũ hàng nội địa Nhật khi sử dụng ở Việt Nam chắc chắn sẽ tốn điện, chóng hỏng, hiệu quả làm mát thấp.

Điều hòa cũ hút người mua

Dòng sản phẩm máy điều hòa cũ được nhiều người tìm mua hiện nay đó là điều hòa Nhật “bãi”. Loại điều hòa này hiện được córao bán khá nhiều, với đủ chủng loại, thương hiệu như Sharp, Panasonic, Daikin, Toshiba, Fujitsu… Các sản phẩm có giá từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng/chiếc.

Những sản phẩm nhiều công nghệ hơn, tốt hơn có giá khoảng 10 triệu đồng/chiếc hoặc hơn. Với tâm lý hàng Nhật Bản thường bền, tốt, nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền thậm chí nhiều hơn so với mua máy điều hòa mới để chọn mua loại máy điều hòa cũ này.

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Công nghệ nhiệt lạnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, nếu là ông thì ông sẽ không mua loại máy điều hòa cũ này vì một số lý do. Không phải vì chất lượng của loại máy này kém mà thậm chí, dù là máy cũ nhưng có thể chất lượng của máy vẫn còn tốt. Tuy nhiên nó chỉ tốt khi được sử dụng ở Nhật Bản, còn về Việt Nam thì khác.

Ở Nhật Bản người ta sử dụng điện thế 100-200V nhưng ở Việt Nam lại là dòng điện 220-240V. Từ đó dẫn đến tần số của máy cũng khác nhau, khi về Việt Nam là 50Hz, còn ở Nhật Bản là 60Hz, do đó năng suất làm lạnh của một chiếc máy điều hòa sẽ giảm đi khoảng 20% và tuổi thọ thì sẽ bị rút ngắn đi nhiều do khi chạy, nốc máy sẽ rất nóng.

“Với dòng điện này, máy chạy ở Nhật Bản sẽ là 3600 vòng/phút nhưng ở Việt Nam chỉ đạt 2.900 vòng/phút. Ngoài ra khi đem về Việt Nam, muốn sử dụng phải có biến thế đặc biệt để chuyển dòng điện 220V thành 200V.

Nếu không có biến thế mà cứ thế dùng thì điện thế sẽ tăng, dòng sẽ tăng lên làm cho nốc máy rất nóng và nhanh hỏng. Giống như cái bóng đèn 100V mà thắp điện 120V thì nó sẽ sáng hơn nhưng sẽ nóng hơn và rất nhanh hỏng”, GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.

Tốn điện hơn

GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, gần như tất cả các máy điều hòa cũ Nhật Bản nhập về Việt Nam đều là máy biến tần. Dòng máy này sử dụng cũng tốt nhưng nó lại không phù hợp với điều kiện thời tiết của Việt Nam.

Ví dụ khi thời tiết không quá nắng nóng, nhiệt độ chỉ khoảng 20-30 độ C thì bật điều hóa biến tần sẽ rất tiết kiệm điện. Thế nhưng nếu trời nắng nóng trên 30 độ C, điều hòa biến tần sẽ tốn điện hơn điều hòa thông thường.

“Nhà tôi có 3 chiếc máy điều hòa nhiệt độ, vào những ngày trời không quá nắng nóng tôi mới bật chiếc điều hòa biến tần, còn nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao thì tôi tuyệt đối không sử dụng chiếc điều hòa này để tránh tốn điện”, GS Lợi chia sẻ.

Một điều bất cập nữa nếu sử dụng điều hòa “bãi” Nhật Bản là rất phức tạp trong khâu bảo dưỡng. Nếu như với máy điều hòa thông dụng hiện nay, chỉ cần gọi thợ là họ biết cách xử lý thì với điều hòa cũ, phải có một thợ chuyên lắp đặt và sửa, thợ bình thường rất khó tiếp cận với dòng máy đời cũ này. “Do đó, nếu là tôi thì tôi sẽ không mua loại điều hòa cũ này về dùng.

Trước đây hàng hóa điện tử khan hiếm, sở hữu một món đồ từ Nhật Bản là mơ ước của nhiều gia đình vì nó bền. Nhưng giờ, thị trường điện máy phát triển, các loại điều hòa tiết kiệm điện với nhiều mức độ “sao” khác nhau trên nhãn thì người tiêu dùng có thể lựa chọn thoải mái”, GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.

Việc xác định chất lượng của máy điều hòa cũ là cực kỳ khó khăn, người tiêu dùng bình thường không làm được mà phải cho vào các phòng thí nghiệm với chi phí khoảng 20 triệu đồng mới có thể biết chiếc điều hòa ấy có tốt hay không. Hơn nữa về nguyên tắc, máy càng cũ thì càng tốn điện, nên mua máy cũ là không nên.

Theo GS Lợi, việc tiết kiệm điện cho điều hòa, phụ thuộc vào máy chỉ một phần. Nó còn phụ thuộc vào lắp đặt có chuẩn hay không (như chọn ví trí lắp dàn nóng, dàn lạnh đúng, chiều dài đường ống ga phải ngắn, chênh lệch chiều cao giữa 2 dàn phải thấp…), phòng điều hòa có chuẩn không (cửa phòng phải kín, cách nhiệt tốt, cửa sổ che nắng tốt, ít nguồn nhiệt, ẩm tỏa trong nhà)…

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top