Mặt Trăng đang dần dần co lại

(khoahocdoisong.vn) - Một kết luận được giới khoa học công bố trên tạp chí Nature Geoscience ngày 13/5 cho thấy, Mặt Trăng đã co vào khoảng 50m trong vài trăm triệu năm qua. Tương lai của Mặt Trăng sẽ như thế nào?

Mặt Trăng đang nhỏ dần

Mặt Trăng đang dần co lại, tạo ra những nếp gấp trên bề mặt và những trận động đất - đó là kết luận được giới khoa học công bố trên tạp chí Nature Geoscience ngày 13/5, sau khi phân tích những hình ảnh Vệ tinh thám hiểm Mặt Trăng (LRO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ gửi về. Nghiên cứu được thực hiện với hơn 12.000 hình ảnh từ vệ tinh cho thấy khu vực Mare Frigoris ở gần cực Bắc của Mặt Trăng - một trong số nhiều khu vực rộng lớn được cho là "đã chết" xét từ góc độ địa chất - đã nứt ra và dịch chuyển.

Không giống Trái Đất, Mặt Trăng không có các mảng kiến tạo. Thay vào đó, hoạt động kiến tạo của Mặt Trăng diễn ra khi thiên thể này dần mất sức nóng kể từ khi được hình thành 4,5 tỷ năm trước đây. Điều này khiến bề mặt của Mặt Trăng co lại và tạo thành nhiều nếp nhăn, giống như hiện tượng trái nho khô héo đi. Do lớp vỏ Mặt Trăng giòn, những lực tác động này khiến bề mặt của Mặt Trăng nứt vỡ khi bên trong co lại, dẫn tới hình thành cái gọi là những vết đứt gãy.Theo giới khoa học, Mặt Trăng đã co vào khoảng 50m trong vài trăm triệu năm qua.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Theo các mô hình hiện tại được thừa nhận rộng rãi thì nó được hình thành từ 4,5 tỷ năm trước sau va chạm giữa Trái Đất và một hành tinh có kích thước cỡ Sao Hỏa mà các nhà khoa học gọi là Theia. Hiện tại nó đang hoạt động ổn định quanh quỹ đạo Trái Đất với chu kỳ 27,32 ngày. Và Mặt Trăng đang chuyển động ra xa quỹ đạo Trái Đất với khoảng cách 3,8cm mỗi năm.

Việc khẳng định Mặt Trăng đang nhỏ dần dựa trên những nứt gãy do lực hấp dẫn từ Trái Đất tác động lên. Đây là lực tương tự như lực hấp dẫn của Mặt Trăng tác dụng lên nước biển trên Trái Đất, gây ra hiện tượng thủy triều. Các thay đổi về lực hấp dẫn trên Mặt Trăng khi đang dịch chuyển theo quỹ đạo hình elip quanh Trái Đất đủ để gây ra sức ép đặc biệt trên bề mặt. Khi các lực thủy triều lên Mặt Trăng cộng hưởng với sự teo rút toàn cầu của phần lõi mát đi bên trong, sức ép tổng cộng của chúng sẽ khiến các vết nứt hình thành theo các dạng mẫu nhất định. Dù kích thước Mặt Trăng quả là có đang giảm dần, nhưng quá trình bị thu nhỏ lại diễn ra rất chậm, ít có ảnh hưởng đến Trái Đất.

Mặt Trăng sẽ biến mất?

Không chỉ nhỏ dần mà Mặt Trăng còn ngày càng cách xa Trái Đất. Với vận tốc dịch chuyển này thì trong 10.000 năm qua, Mặt Trăng đã đi ra xa khỏi hành tinh của chúng ta khoảng 380m, tức khoảng một phần triệu khoảng cách trung bình của nó đến Trái Đất. 

“Với tốc độ dịch chuyển chậm chạp đó thì trong 5 tỷ năm nữa, Mặt Trăng mới đi được khoảng 200.000km và nó vẫn tiếp tục chuyển động trên quỹ đạo dù chu kỳ đã khác đi. 5 tỷ năm nữa cũng là khoảng thời gian Mặt Trời đi tới giai đoạn cuối đời, lớp vỏ của nó sẽ phồng to và đi vào giai đoạn sao khổng lồ đỏ. Trong giai đoạn này, Mặt Trời sẽ phồng to đến mức nghiền nát Sao Thủy, Sao Kim và cả Trái Đất. Khi đó, sự sống cũng đã không còn”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết.

Mặt Trăng ngoài chuyển động quỹ đạo quanh Trái Đất thì còn có sự tự quay, giống như Trái Đất. Tuy vậy, nó bị khóa triều (hay thủy triều) với Trái Đất. Sự khóa này khiến cho chu kỳ tự quay của Mặt Trăng trùng với chu kỳ quỹ đạo của nó. Và vì vậy, nó luôn hướng cùng một phía về Trái Đất và chúng ta luôn nhìn thấy cùng một mặt của nó. Hiện tượng này xuất phát từ việc hấp dẫn giữa Trái Đất và Mặt Trăng làm cả hai đều bị biến dạng, phồng lên ở phần hướng về nhau. Sự phồng lên này khó được nhận ra trực tiếp đối với phần đất liền nhưng được quan sát rõ nét ở biển, đó chính là hiện tượng thủy triều.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top