Mất mùi và mất vị ở bệnh nhân Covid-19: Giờ ăn sao cho ngon?

Mất mùi và vị ở bệnh nhân Covid-19 gây chán ăn, suy dinh dưỡng và giảm sức đề kháng. Biết tận dụng thực phẩm, cấu trúc thực phẩm và các lợi thế trong trình bày, nấu nướng... sẽ giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Mất mùi và mất vị là những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân Covid-19 với tỷ lệ trung bình là 35.8% (mất mùi) và 38.5% (mất vị). Mất mùi và mất vị thường gặp ở những người trẻ tuổi và đặc biệt là nữ giới và triệu chứng thường xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Mất mùi và mất vị là những triệu chứng không nguy hiểm nhưng chúng gây ra bất tiện trong việc ăn uống, góp phần làm tăng tỉ lệ chán ăn ở người bệnh, từ đó gia tăng nguy cơ sụt cân và suy dinh dưỡng mà hậu quả cuối cùng là giảm sức đề kháng.

Mất vị thường liên quan đến mất các vị cơ bản bao gồm mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Người bệnh thường diễn tả là ăn cái gì cũng lạt nhách. Việc mất mùi và vị thường cải thiện theo thời gian. Trung bình người bệnh cải thiện triệu chứng sau 2 tuần. Phần lớn sẽ cải thiện sau 4 tuần. Chỉ có một số lượng nhỏ là bị kéo dài.

Trong một số trường hợp, trong thời gian hồi phục, người bệnh có hiện tượng tăng nhạy cảm mùi (cảm giác khó chịu với 1 mùi mà trước đây là bình thường, giống như triệu chứng ốm nghén ở bà bầu), hoặc có rối loạn mùi hoặc xuất hiện mùi lạ mặc dù trên thực tế không có những vật có mùi đó xung quanh (ví dụ, nghe mùi xà bông, kim loại, hóa chất, thối rữa…). Một số ít có rối loạn cảm giác của lưỡi (cảm giác tê, châm chích ở lưỡi). Trong thời gian hồi phục, cảm giác về vị trở lại không đồng đều, một số vị trở lại sớm hơn (ví dụ ngọt, mặn). Do đó, người bệnh có thể cảm nhận được vị chủ đạo của một thực phẩm (ví dụ như trong lúc hồi phục, người bệnh chỉ cảm nhận được lại vị ngọt trong tương cà, tương ớt mà không cảm nhận các vị khác).

mat-mui-vi-bn-covid.jpg

Mất mùi và vị làm giảm mức độ thỏa mãn với bữa ăn và làm người bệnh khó chịu. Mặc dù mùi và vị thức ăn là các yếu tố đóng góp vai trò lớn trong sự thỏa mãn bữa ăn, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố khác góp phần vào sự ngon miệng mà trong bối cảnh này cần phát huy. Các yếu tố đó bao gồm cấu trúc thực phẩm, nhiệt độ thực phẩm, hình thức trình bày, không khí bữa ăn và ký ức về thực phẩm.

Người bệnh Covid-19 thường diễn tả là họ cảm thấy vui miệng hơn khi ăn các thức ăn có cấu trúc khác nhau như giòn (ví dụ, trong cá chiên giòn, hạt điều…), cảm giác dai (ví dụ trong rau câu), cảm giác mềm (ví dụ, trong bánh flan). Do đó, việc trước tiên là hãy tận dụng các cấu trúc khác nhau của thực phẩm.

Người bệnh Covid-19 không mất cảm nhận nhiệt độ thực phẩm. Do đó, tận dụng thực phẩm với nhiệt độ khác nhau, ví dụ như lạnh trong kem, sữa chua, trái cây ướp lạnh… nóng trong cơm nóng, canh nóng, cà phê, trà nóng…

Người bệnh Covid-19 nên tận dụng ký ức thực phẩm, hay nói cách khác là ăn các món quen thuộc, yêu thích của bản thân để cảm nhận độ ngon của món đó qua việc nhớ lại chúng trong những lần ăn trong quá khứ.

Người bệnh Covid-19 nên tận dụng không khí bữa ăn và trình bày thực phẩm. Người ta nói bát sạch ngon cơm, do đó nên trình bày bữa cơm đẹp mắt và ăn chung với các thành viên khác trong gia đình sẽ góp phần làm gia tăng độ ngon miệng.

Ngoài ra, trong giai đoạn hồi phục, người bệnh tránh nêm quá nhiều gia vị mặn, ngọt vào thực phẩm để cảm nhận vị mà nên sự dụng thêm các loại rau mùi, hành, tỏi để làm gia tăng vị của các món ăn.

TS.BS Trần Quốc Cường (giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top