Mất cân bằng giới tính khi sinh gây hậu quả khó kiểm soát

Nhiều quận huyện tại Hà Nội có chỉ số giới tính cao trên 120 trẻ trai mới có 100 trẻ gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng rất khó kiểm soát.

Lạm dụng khoa học để lựa chọn giới tính

Bác sĩ Vũ Duy Hưng, Chi Cục dân số Hà Nội cho biết, nhiều giải pháp được đưa ra hướng tới mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030 nhưng tình hình diễn biến rất phức tạp.

Trong 10 tháng đầu năm tại Hà Nội số sinh là 79.556 trẻ tăng 245 trẻ so với cùng kỳ năm 2023, 18/30 đơn vị có số sinh tăng và 12/30 đơn vị có số sinh giảm so với cùng kỳ năm 2023. Số trẻ là con thứ 3 trở lên: 5.215 trẻ, giảm 333 trẻ so với cùng kỳ năm 2023, đạt 6,56%.

Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao: 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái; các quận, huyện có tỷ số giới tính cao trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái như: Thạch Thất (125,9/100), Hoàn Kiếm (124,2/100), Phúc Thọ (122/100), Ba Vì (121,4/100), Hoài Đức (120/100).

Không chỉ riêng Hà Nội mà tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn biến phức tạp.

Mất cân bằng giới tính khi sinh trẻ nam sinh ra nhiều hơn so với trẻ nữ - Ảnh minh họa

Mất cân bằng giới tính khi sinh trẻ nam sinh ra nhiều hơn so với trẻ nữ - Ảnh minh họa

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, tỷ suất giới tính khi sinh là 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2019 giảm còn 111,5; đến năm 2020 tăng lên mức 112,1.

Năm 2020, 5/6 vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, chỉ có Tây Nguyên ở mức cân bằng với tỷ suất giới tính khi sinh là 106, còn vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là khu vực xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao nhất (113,6).

Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả thành thị và nông thôn (năm 2019, tỷ suất giới tính khi sinh ở khu vực thành thị là 110,8 và ở khu vực nông thôn là 111,8).

Theo báo cáo cả các tỉnh, thành phố năm 2020, được coi là năm giảm so với các năm trước đó nhưng vẫn ở mức cao: 21/63 tỉnh có tỷ suất tỷ suất giới tính khi sinh từ 112 trở lên, 18/63 tỉnh có tỷ suất giới tính khi sinh từ 109-112 và 24/63 tỉnh có tỷ suất giới tính khi sinh dưới 109.

Song năm 2021 là: 112 bé trai/100 bé gái; năm 2022: 113,7 bé trai/100 bé gái; năm 2023: 113,6 bé trai/100 bé gái).

Đáng nói quan niệm này không chỉ tồn tại ở những vùng sâu, vùng xa, mà ngay tại các thành phố lớn, dân trí cao cũng vẫn tồn tại và ăn sâu trong tiềm thức người dân.

Thay vì sinh nhiều con cho đến khi có con trai mới thôi, nhiều người lựa chọn biện pháp nạo phá thai nếu siêu âm là con gái hoặc nhờ tới hỗ trợ sinh sản, chọn lọc phôi thai để sinh con trai. Tất cả những phương pháp này đều có những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe của người phụ nữ.

Hậu quả nghiêm trọng lâu dài cần giải quyết tận gốc vấn đề

Các chuyên gia nhận định, việc lựa chọn giới tính khi sinh làm mất cân bằng giữa nam và nữ chưa gây ra những hệ quả tức thì mà sẽ để lại hậu quả cho khoảng 30 năm sau.

Ví dụ nếu việc lựa chọn sinh con trai vào năm 2024, thì đến năm 2054 hậu quả mới xuất hiện. Khi đó, nam giới sẽ khó lấy được vợ vì thiếu phụ nữ, dễ dẫn đến gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ; tăng tệ nạn mại dâm, hiếp dâm phụ nữ… đồng thời gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội.

Đặc biệt, việc bất bình đẳng giới gây ra hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh và ngược lại mất cân bằng giới tính khi sinh làm nặng nề hơn quan điểm “trọng nam khinh nữ”.

Chính vì vậy, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái để hạn chế tình trạng này...

Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay, theo các chuyên gia phải giải quyết nguyên nhân "gốc rễ" của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng "trọng nam khinh nữ".

Theo Đời sống
back to top