Mất cả nghìn tỷ vì... yếu bóng vía

(khoahocdoisong.vn) - Phần lớn nạn nhân trong các vụ lừa đảo này là phụ nữ và người già trên 60 tuổi, nhưng cá biệt có trường hợp các bị hại là cán bộ của các cơ quan Nhà nước. Điểm chung của những nạn nhân này là ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự.

Mánh khóe lừa đảo

Theo cảnh báo của Bộ Công an, phương thức chủ yếu của các đối tượng lừa đảo này là sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Bưu điện... để điện thoại thông báo cho nạn nhân rằng họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...

Sau đó, các đối tượng này sẽ lấy lý do xác minh, điều tra yêu cầu bị hại chuyển các khoản tiền vào những tài khoản được chúng chỉ định hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện lệnh chuyển tiền.

Song song với việc dọa dẫm bị hại, các đối tượng lừa đảo cũng yêu cầu nạn nhân phải giữ kín thông tin mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan công an được biết. Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo.

Do đó, Bộ Công an cảnh báo người dân nên cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Bộ Công an cho biết, quy trình làm việc của cơ quan công an tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Thay vào đó, cơ quan chức năng phải có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan công an muốn làm việc.

Người dân cũng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... người dân cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.

Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội; không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Dân bị lừa cả nghìn tỷ đồng

Theo ghi nhận của Bộ Công an, chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác trong 6 tháng đầu năm 2020 đã lên tới 776 vụ, số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, lừa đảo bằng phương thức mạo danh cơ quan chức năng chiếm tỷ lệ trên 65% tổng số vụ.

Đáng chú ý, hình thức lừa đảo này không mới, nhưng vẫn có rất nhiều người “dính bẫy”. Ví dụ như hồi tháng 3/2020, Công an TP Nha Trang tiếp nhận đơn phản ánh của bà Bùi Thị Kim (phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang) về việc bà Kim bị một người tự xưng là thiếu tá, công tác tại Cục Phòng chống ma túy, Bộ Công an điện thoại thông báo bà có liên quan đến một vụ án ma túy. Vị “thiếu tá” này yêu cầu bà Kim phải chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan điều tra để xác minh làm rõ, nếu không hợp tác sẽ khởi tố bà. Quá sợ hãi, bà Kim đã chuyển 700 triệu đồng tiền tiết kiệm của mình vào một tài khoản ngân hàng BIDV Hà Nội do “thiếu tá” này chỉ định.

Cũng với lý do liên quan đến vụ án ma túy, cuối tháng 6 vừa qua chị P.T.N. (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã bị lừa chuyển 126 triệu đồng vào một tài khoản theo chỉ định của “cơ quan chức năng”. Sau mỗi vụ việc được trình báo, cơ quan công an đều có thông báo khuyến cáo người dân nên giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng. Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng Công an, Viện Kiểm sát, nhân viên ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định.

Tuy nhiên, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng này vẫn liên tục thực hiện thành công các vụ lừa đảo. Hi hữu như mới đây, một người phụ nữ tại quận Hoàn Kiếm cũng đã trình báo với cơ quan chức năng khi bị một đối tượng tự xưng là nhân viên tư pháp lừa đảo 13 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đối tượng này yêu cầu nạn nhân tự lập tài khoản ngân hàng và chuyển tiền vào đấy để "bảo vệ". Cho rằng đây là tài khoản mình lập nên sẽ an toàn, người phụ nữ chuyển lần lượt 13 tỷ đồng vào tài khoản mới. Đối tượng còn yêu cầu bà cung cấp mã OTP để phong tỏa tài khoản trên. Sau khi chuyển mã OTP tài khoản, chỉ trong ít phút 13 tỷ đồng của nạn nhân đã bị rút sạch.

Phần lớn nạn nhân trong các vụ lừa đảo này là phụ nữ và người già trên 60 tuổi, nhưng cá biệt có trường hợp các bị hại là cán bộ của các cơ quan Nhà nước. Điểm chung của những nạn nhân này là ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
Bưởi da xanh giảm giá

Bưởi da xanh giảm giá

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, giá bưởi da xanh tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL liên tục giảm. Hiện giá nông sản này ở mức rất thấp.
back to top