Mạng xã hội không thay thế được nhà báo

(khoahocdoisong.vn) - Theo nhà báo Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, điểm mạnh của mạng xã hội là thông tin đa dạng, nhanh, tuy nhiên, điểm yếu là sự nhiễu loạn.

Nghề đòi hỏi phải có đạo đức, trách nhiệm

Nhiều năm tham gia công tác đào tạo, giảng dạy, ông thấy việc đào tạo báo chí xưa và nay khác nhau như thế nào?

Hiện nay, nền tảng công nghệ đang định hướng và có những tác động đến kỹ năng hoạt động nghề nghiệp của nhà báo.

Ngày xưa báo chí truyền thống giữ nền tảng cung cấp thông tin cơ bản, đến nay một phần cung cấp đó đã chuyển sang truyền thông xã hội, tức là mạng xã hội đã đáp ứng một phần thông tin đó. Do đó, ngày xưa đào tạo nhà báo chủ yếu tập trung vào kỹ năng đi tìm kiếm khai thác thông tin. Ngày nay, thông tin từ người dân cung cấp lên mạng xã hội rất nhiều, việc đào tạo nhà báo một phần phải chuyển sang những tư duy về phân tích tổng hợp, phân tích thông tin để đảm bảo độ nhanh nhạy và chính xác cao hơn.

Nhà báo Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nhà báo Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Kỹ năng hoạt động của nhà báo ngày nay sẽ có sự kết hợp giữa tư duy truyền thống và tư duy tập hợp phân tích tin tức và từ công nghệ. Đó là những nét mới trong đào tạo nhà báo hiện nay so với trước.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra đối với một nhà báo hiện nay là gì, thưa ông?

Ngày xưa, công nghệ làm báo chí thường phải có những đầu tư rất lớn. Ví dụ, đào tạo truyền hình phải có trường quay, máy quay, chi phí rất cao. Nhưng ngày nay, những công nghệ truyền thông số, công nghệ cá nhân giúp cho người làm báo có thể chủ động được trong cách thức tác nghiệp.

Ví dụ, chỉ với một chiếc điện thoại đã có thể chụp ảnh, quay phim, dàn trang, thậm chí là biên tập… Ngày nay, những sinh viên có khát vọng, mong muốn trở thành nhà báo giỏi có thể có môi trường tự rèn luyện rất tốt. Đó là điểm rất khác so với trước.

Đối với nghề báo, cũng như các nghề khác, đam mê là yếu tố đầu tiên cần phải có, nhưng đặc biệt, đây là nghề đòi hỏi người làm nghề phải có đạo đức, có trách nhiệm với nghề, với chính mình trong việc lan tỏa thông tin, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Ngày nay, lượng thông tin đưa lên truyền thông rất lớn, đòi hỏi nhà báo phải có kỹ năng lọc thông tin, đặc biệt là có trách nhiệm rất cao với nghề, với chính mình trong việc lan tỏa thông tin.

Một nhà báo có trách nhiệm là một nhà báo phải có sự công bằng, có góc nhìn mang lại giá trị, lợi ích cho xã hội, không bị chao đảo bởi những lợi ích nhóm hoặc lợi ích cá nhân, làm chi phối đến thông tin mình đưa.

Nhà báo giống như người đầu bếp giỏi

Có ý kiến cho rằng, khi mạng xã hội phát triển thì vị trí của báo chí sẽ bị cạnh tranh, thậm chí là lu mờ trước những lợi thế của mạng xã hội như nhanh, đa dạng?

Khi một loại hình mới ra đời, đặc biệt là truyền thông xã hội, mỗi một loại truyền thông đều có sứ mệnh và vai trò riêng. Bất cứ một cái gì mới ra cũng có những đồ thị lên xuống để dần dần trở thành một bộ phận định hình trong công chúng. Và trong lúc này, mạng xã hội bộc lộ có những điểm rất mạnh và điểm rất yếu.

Điểm mạnh đó là thông tin rất đa dạng, mỗi người dân có thể trở thành một người cấp thông tin. Tuy nhiên, điểm yếu là có thể có lợi ích riêng trong việc đưa thông tin. Cho nên, sẽ dẫn tới tình trạng náo loạn thông tin, mỗi người một quan điểm, mỗi người một góc nhìn. Ngoài ra, lượng thông tin quá lớn có thể khiến công chúng có những lúc mất phương hướng. Lúc này chính là cơ hội để báo chí lấy lại niềm tin. Vấn đề là báo chí có công tâm, có thực chất vì lợi ích của cộng đồng lớn không? Hay là báo chí lại chạy theo những lợi ích nhóm, góc nhìn của một bộ phận nào đó?

Theo tôi, khi báo chí thực sự đảm bảo được tính công bằng thì công chúng sẽ nhận ra giá trị của nhà báo. Bởi vì, nhà báo là những người có kỹ năng sàng lọc thông tin, có nghiệp vụ điều tra, tìm hiểu để mang đến những thông tin chính xác cho độc giả.

Có thể ví nhà báo tựa như những người đầu bếp, một người đầu bếp giỏi là người có thể biến những “nguyên liệu thông tin” thành những món ăn ngon, có giá trị cho xã hội. Khi làm được điều đó, thì báo chí vẫn giữ vững vai trò trong xã hội.

Còn đương nhiên, sẽ có những món ăn mà mạng xã hội nấu rất ngon rồi, thì báo chí lại phải ở tầm một đầu bếp giỏi hơn. Chứ nếu lại chỉ ngang bằng với mạng xã hội thì mạng xã hội sẽ chiếm lợi thế là cung cấp nhanh hơn, đa dạng hơn.

Nhà báo phải chứng minh được rằng, anh là một đầu bếp rất giỏi, được đào tạo, hoặc được rèn nghề rất tốt. Như vậy, báo chí vẫn có thể có được những lượng độc giả ổn định. Chứ không phải cho rằng, trong cuộc cạnh tranh xã hội, vai trò của báo chí sẽ yếu dần, báo chí không còn chỗ đứng để cung cấp thông tin nữa.

Đến một lúc nào đó, sẽ cân bằng lại các giá trị. Mỗi một loại truyền thông có một giá trị, thế mạnh riêng. Vấn đề là báo chí cần xác định mũi nhọn của mình là gì trong xã hội truyền thông hiện nay để vươn lên.

Ông suy nghĩ thế nào về hiện tượng “giật tít, câu view” mà bạn đọc phản ánh đối với báo chí hiện nay?

Tôi cho rằng, khi chúng ta sống trong môi trường nào thì sẽ bị môi trường đó chi phối. Hiện nay, mỗi ngày mở điện thoại ra sẽ thấy vô vàn thông tin và trong vô vàn thông tin đó, thì nhà báo cũng tìm cách để cho thông tin của mình nổi lên. Sẽ có lúc, các nhà báo đặt ra câu hỏi: Tại sao cái bài này, với tít như thế này người ta xô vào đọc, còn bài của mình thì không… Điều đó sẽ ảnh hưởng đến những người làm báo và đặt ra một vấn đề: Chúng ta có kiên định theo tiêu chí của những người làm báo không, hay bị những bề nổi của xã hội truyền thông chi phối?

Theo tôi, kỹ thuật đặt tít để hút độc giả là cần thiết nhưng việc dùng ngôn từ thế nào thì lại là một vấn đề đặt ra với các nhà báo. Theo đó, làm thế nào để giữ được niềm tin đối với công chúng là điều rất quan trọng.

Có thể, khi nhà báo kiên trì với điều này thì lượng view, lượng người đọc ít hơn. Nhưng về lâu dài, việc có được niềm tin sẽ tốt hơn là việc chạy theo trào lưu của mạng xã hội giật gân câu khách.

Theo ông, làm thế nào để các nhà báo có thể đứng vững được trước những cám dỗ?

Xã hội nào cũng có cám dỗ cả, không chỉ có ngày nay mới có cám dỗ. Và bất cứ nghề nào cũng đều có cám dỗ cả. Vấn đề là cần tĩnh tâm, tìm được giá trị của cuộc sống. Khi đã lựa chọn được đúng giá trị sống rồi thì cám dỗ sẽ giảm đi, thậm chí là vượt qua.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top