Mãn nguyện với gia đình

(khoahocdoisong.vn) - Mãn nguyện với gia đình,  đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Xuân Trường (Lò Sũ, Hà Nội), người vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng khen Người tốt việc tốt năm 2018. 

Làm việc gì cũng hết lòng

Không ai nghĩ bà đã 89 tuổi, bởi cái dáng cao cao dong dỏng, nụ cười tươi sáng bừng khuôn mặt khiến bà trẻ hơn rất nhiều.

18 tuổi, bà vào đoàn văn công quân khu 3. Những ngày ở rừng khổ vô cùng, nhất là với một cô gái Hà Nội, từ bé đến lúc lớn lên chỉ biết mỗi việc học. Cuộc sống nơi chiến trường, dù là văn công cũng thiếu thốn đủ thứ, công việc lại vất vả, mỗi tối thường phải biểu diễn tới cả 7 tiết mục từ múa, hát, diễn kịch…Khổ thế, nhưng chưa bao giờ bà có ý định bỏ về.

Sau ngày Giải phóng Thủ đô, bà về công tác ở ngành văn hóa, vì yêu trẻ con nên bà xin về phụ trách thư viện cho thiếu nhi. Điều khiến bà tự hào nhất trong cuộc đời công tác của mình là đã xây dựng được một thư viện cho thiếu nhi có tới 5 vạn cuốn sách.

Với suy nghĩ, sách là người thầy thứ hai, bà đã không quản khó nhọc thu thập thật nhiều sách. Có những lần đi sơ tán, bà đến các nhà xuất bản xin được rất nhiều sách.

Thư viện được bố trí cho cả tầng 5 ở cung Thiếu nhi để làm nơi cho các em đến đọc sách. Biết bao nhiêu thế hệ thiếu nhi đã được đến đây đọc sách vẫn nhớ tới bà với cách gọi thân thương Mẹ Trường. Chủ tịch Trần Duy Hưng đã nhiều lần đưa các đoàn quốc tế tới tham quan thư viện của bà. Chỉ tiếc là sau này bà về hưu, thư viện không giữ được nữa.

Từ khi nghỉ hưu được giao phụ trách công tác dân số gia đình và trẻ em, rồi sau này tham gia công tác phụ nữ, người cao tuổi… bà luôn tổ chức các hoạt động thiết thực nên thu hút được mọi người tham gia. Với thiếu nhi, bà thành lập đội thời trang, kinh phí hạn hẹp không có tiền để may trang phục biểu diễn, thì phát huy sáng tạo, cắt giấy để làm váy. Vậy mà đi thi trên quận còn giành được giải nhất.

Sau này, phụ trách hội phụ nữ, bà cũng phát động những phong trào đi sâu đi sát giúp những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Với người cao tuổi, thì thành lập CLB văn nghệ, CLB sức khỏe ngoài trời và tổ chức các chuyến đi du xuân, đi chơi cho các cụ.

Mãn nguyện với gia đình

Điều khiến bà mãn nguyện nhất là về gia đình mình, 3 cô con gái ngoan ngoãn, 3 người con rể tuyệt vời, các cháu đều giỏi giang, hiếu thảo. Gia đình bà đã được vinh danh gia đình văn hóa toàn quốc.

Bà kể, các con không chỉ hiếu thảo với bố mẹ, mà còn thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Một người gặp khó khăn, tất cả đều xúm vào giúp đỡ. Đó là điều rất đáng quý, tiền bạc cũng không mua được. Bởi có những nhà rất giàu, nhưng ai biết phận người nấy, thậm chí còn tranh giành của cải, mâu thuẫn với nhau, thì bố mẹ không thể yên tâm được.

Để có được sự gắn bó, yêu thương trong đại gia đình như vậy, quan trọng nhất là phải giữ được nề nếp, gia phong. Cả ông và bà đều là người Hà Nội, được dạy dỗ rất cẩn thận và bà lại là người kỹ tính.

Thời bao cấp, khó khăn, khổ thế, nhưng dù có phải ăn bột mì thì bà cũng không bao giờ chịu ăn bột mì hấp mà phải làm thành bánh bao. Với việc dạy dỗ các con cũng vậy, dù có nghèo thì cũng phải ăn mặc cho ngay ngắn, kín đáo, đi đứng, ăn nói phải lễ phép, thưa gửi đàng hoàng.

Cái nếp sống ấy đã ăn sâu trong bà. Đối với hàng xóm láng giềng hay ngay với người giúp việc trong nhà, không bao giờ bà to tiếng, mà luôn tôn trọng họ. Bởi vì theo bà, muốn người ta tôn trọng mình thì mình phải tôn trọng người ta trước. Thế nên, quanh đây, với bà mọi người đều là người thân. Cần mua gì hay giúp việc gì chỉ đứng ở cửa nhờ một tiếng là có người giúp.

Dù cuộc sống hiện đại, rất nhiều thứ đã đổi thay, nhưng bà luôn yên tâm vì con cháu trong gia đình vẫn giữ được nề nếp, gia phong.

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top