Mặc đồ bó sát mùa đông có thể gây đau xương

Nhiều người mùa đông thích mặc quần áo bó sát và dày cộm để giúp cơ thể làm ấm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, mặc bó sát vào mùa đông không có nghĩa là ấm, thậm chí mặc bó còn gây đau nhức cơ thể, xương khớp, khó chịu, viêm da…

Mặc bó dày đến mức có thể lăn được

Chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nội) vốn là người sợ lạnh, nên mùa đông chị  thường mặc rất nhiều quần áo để làm ấm. Đối với quần, chị luôn sắm cho mình những chiếc quần bó sát để giữ ấm.

Phía trên, ngoài mặc chiếc áo bó sát người, chị mặc thêm áo len, áo nỉ, và khi đi ra đường chị còn thêm cả chiếc áo khoác dày. Vì mặc nhiều áo trong nên khi chiếc áo khoác vào, chị như rô bốt với chiếc áo căng lên vì chật. Nhiều người nhìn chị và trêu đùa, mặc nhiều và dày như chị thì lăn được.

Mặc đồ bó sát vào mùa đông có thể gây đau xương. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, nhiều người quan niệm mùa đông mặc đồ bó sát, chật sẽ sẽ giữ nhiệt được cho cơ thể, từ đó giúp ấm hơn. Tuy nhiên, điều này là chưa chính xác. Thậm chí, mặc bó sát, chật mùa đông còn gây ra những bất lợi cho cơ thể.

Bởi, mùa đông có nhiều yếu tố tăng đau nhức cho cơ thể như lạnh làm các cơ bị cứng, cơ thể sản sinh ra nhiều axit để giúp cơ thể chuyển hóa tạo năng lượng giữ ấm cơ thể…

Vì thế, vốn mùa đông đã là bất lợi khiến cơ thể dễ đau nhức thì mặc chật, bó sẽ làm quá trình này tăng lên hơn. Đó là, nếu mặc chật, cơ thể sẽ khó cử động, cơ bắp và các khớp ít vận động, máu được dẫn đến các bộ phận này cũng rất khó nên dinh dưỡng không được đưa đến để nuôi dưỡng và hậu quả là cơ thể có thể bị đau nhức, mỏi, các khớp dễ xảy ra đau, thoái hóa.

Nhất là người già, nếu mặc chật lại càng ít vận động thì sẽ đau nhức sẽ tăng lên.

Cụ thể, TS.BS Nguyễn Thị Bích Liên, Phó giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, mặc chật chưa chắc đã ấm mà mặc chật, bó sát lại làm cơ thể khiến quá trình lưu thông máu kém dẫn đến tình trạng ứ trệ, cử động khó nên các khớp không được linh hoạt dẫn đến đau khắp cơ thể, xương khớp.

“Mặc chật không phải là nguyên nhân chính dẫn đến làm đau khớp nhưng nó là yếu tố thuận lợi khiến các tế bào thiếu dinh dưỡng do máu huyết lưu thông kém”, TS.BS Nguyễn Thị Bích Liên cho hay.

Dùng chất liệu sinh và giữ nhiệt thay cho mặc dày

Việc mặc ấm, ThS.BS Nguyễn Thu Thủy, Bệnh viện Nhi TƯ cho rằng, mặc chật, bó sát không đồng nghĩa với ấm, vì thế không chỉ với trẻ nhỏ mà người lớn cũng cần lưu ý điều này.

Nếu mặc chật cho con quá khiến trẻ khó chịu, khó vận động, điều này dẫn đến trẻ không vui chơi, sinh hoạt được như bình thường. Thay vào đó, nên chọn đúng vật liệu vải mặc cho con để có giá trị ấm hơn là mặc dày và chật mà không giữ được nhiệt.

Bàn về vấn đề mặc ấm, KS Trương Phi Nam, nguyên Trưởng Phòng Thí nghiệm, Viện Dệt may cho biết, mặc dày chưa chắc đã ấm mà đôi khi chỉ cần mặc 3 áo vừa phải đã có thể giúp cơ thể giữ nhiệt tốt. Theo đó, lớp ngoài cùng nên mặc một chiếc áo có chức năng cản gió. Hiện nay có nhiều áo gió, áo phao nhưng bên trong có thêm lớp nỉ nên vừa giữa nhiệt lại cản gió.

Phía trong, có thể mặc thêm áo len mỏng nhưng được dệt kín thay vì đan rỗng. Nếu đan rỗng, gió lùa, lọt không khí nên khả năng giữ nhiệt kém. Hiện, chất liệu len lông cừu có khả năng giữ ấm tốt do bản thân có độ xốp cao. Phía trong cùng có thể mặc thêm một chiếc áo lót chất cotton để vừa giữ nhiệt lại thấm mồ hôi, chất dầu của của cơ thể.

“Ngày xưa không có các chất liệu giữ ấm nên người ta phải mặc nhiều, và mặc chật để sinh nhiệt. Nhưng hiện nay có nhiều vật liệu không chỉ giữ nhiệt mà còn sinh nhiệt tốt mà mặc vẫn thoải mái, nhẹ nhàng. Điều này giúp cơ thể hoạt động, lưu thông máu tốt”, KS Trương Phi Nam cho biết.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top