Mắc “chứng” thèm ngủ, bạn làm gì để tỉnh táo?

Nhiều người có những giai đoạn luôn thèm ngủ và có xu hướng ngủ nhiều hơn 8 tiếng.

Đối với những người này, ngủ bao nhiêu cũng là không đủ và thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, đờ đẫn… Làm thế nào để chống lại cơn buồn ngủ, vừa đủ tỉnh táo để làm việc và hoạt động?

Nhiều người có những giai đoạn luôn thèm ngủ.

Ngủ nhiều vì trầm cảm, thiếu dinh dưỡng…

Hầu hết chúng ta sẽ ngủ một giấc ngắn khoảng 30 phút vào buổi trưa, và bắt đầu buổi tối bằng lúc đi ngủ tầm 21- 22h và dậy khoảng 6- 7 giờ hôm sau.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người ngủ nhiều hơn thời lượng này, thậm chí càng ngủ, thì càng buồn ngủ hơn và luôn trong tình trạng ngủ chưa đủ giấc, người đờ đẫn, ngáp vặt và thiếu tỉnh táo.

Nhà trị liệu tâm lý và thần kinh học, TS Raphael Wald, Hiệp hội tâm lý học thần kinh Palm Beach (Mỹ) cho rằng chứng ngủ nhiều thực sự là một rối loạn y tế.Chán nản, căng thẳng, trầm cảm, thiếu hụt dinh dưỡng… là những nguyên nhân điển hình khiến ai đó ngủ nhiều quá mức.

Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh hay một bệnh lý nào đó cũng có thể là nguyên nhân gây nên vấn đề ngủ nhiều. Điều đáng nói, tình trạng này đặc biệt ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến não bộ của người bệnh.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Buffalo ở New York, Mỹ khẳng định, việc thường xuyên ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày có thể làm gián đoạn việc cung cấp máu lên não và gia tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là ở người già.

Nhóm nghiên cứu khẳng định những người ngủ nhiều hơn 8 giờ/ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 9% so với những người ngủ ít hơn. Và những người thường buồn ngủ vào ban ngày có 10% gia tăng đột quỵ so với những người cảm thấy tỉnh táo và tươi vui.

TS Raphael: Nếu ngủ nhiều liên quan đến bệnh lý, bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ để có sự tư vấn và điều trị kịp thời. Nếu ngủ nhiều xuất phát từ vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt là vấn đề tâm lý, bạn cần ngay lập tức sắp xếp lại cuộc sống. Ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng;  và quan trọng hơn là tạo cho mình tâm lý thoải mái, giải tỏa căng thẳng. Đấy là “liều thuốc” tốt nhất giúp bạn “chữa” bệnh ngủ nhiều.

Hãy kích thích các giác quan

BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ bệnh viện 105 cho biết, nếu tình trạng ngủ nhiều kéo dài và thành “bệnh” mãn tính, bạn không được phép chủ quan và phải nhờ đến sự tư vấn của bác sỹ.

Nếu tình trạng này chỉ là tình trạng tạm thời, bạn hãy điểm lại các nguyên nhân ví dụ thiếu hụt dinh dưỡng, căng thẳng… để cải thiện tình hình. Cái quan trọng ngay lúc đấy là phải khống chế cơn buồn ngủ. Việc chống lại cơn ngủ không phải là quá khó.

Đầu tiên, khi cơn buồn ngủ ập đến bạn hãy cố gắng kích thích mọi giác quan, nhất là thị giác, thính giác, vị giác.

Hãy mở cửa để ánh nắng tự nhiên tràn vào phòng (thậm chí bạn có thể sử dụng đèn điện) để kích thích thị giác, ánh sáng nhất là ánh sáng tự nhiên sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn.

Nếu vẫn thấy “đờ đẫn”, liên tục ngáp vặt, bạn hãy kích thích thính giác bằng việc nghe một bản nhạc hoặc tham gia vào một cuộc trò chuyện nào đấy.

Việc nhai kẹo, uống café, nước chè cũng là cách cách kích thích khứu giác, vị giác để tạo cảm giác bừng tỉnh tránh bị buồn ngủ, ngủ nhiều.

TS Raphael cho rằng café, nước chè… có chứa cafein sẽ kích thích thần kinh, đánh thức giác quan trong cơ thể giúp tỉnh táo tinh thần chống lại cơn buồn ngủ và tập trung hơn. Tuy nhiên, bạn lưu ý không nên quá lạm dụng các thức uống này.

Đặc biệt, khi buồn ngủ bạn hãy nghĩ ngay đến việc vận động. Đầu tiên hãy rời khỏi vị trí của mình đang nằm, ngồi để hoạt động.

Nếu ở văn phòng, bạn hãy rời bàn làm việc, đi lại vài vòng, nếu ở nhà, bạn hãy tìm một công việc gì để được vận động. Việc vận động sẽ giúp lưu thông máu đồng thời giải tỏa sự mệt mỏi.

Về lâu dài, chống cơn thèm ngủ hãy lập kế hoạch cho việc vận động thường xuyên và hàng ngày. Mỗi ngày, bạn nên dành ra một khoảng thời gian nhất định, ít nhất là 30 phút cho việc luyện tập.

Hãy dựa vào sức khỏe, sở thích để lựa chọn những bài tập phù hợp như đi bộ, đi xe đạp…

 Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top