Ma túy socola giả dạng thực phẩm “tấn công” học đường

Nhiều loại ma túy dạng kẹo, socola, nước uống bán công khai khiến nhiều học sinh khi bị vào viện mới biết mình dùng ma túy.

Chất ma túy trong thực phẩm này tấn công trực tiếp vào tim mạch gây tổn thương tim, tấn công thận gây suy thận, tấn công hệ thần kinh… Vì vậy, học sinh và phụ huynh cần chú ý phát hiện sớm.

Ma túy giả dạng thực phẩm tinh vi

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 vừa tiếp nhận và điều trị 5 bệnh nhân có triệu chứng lơ mơ, khó thở. Qua khai thác được biết, các bệnh nhân sau khi ăn chocolate (socola) 20 phút, xuất hiện dấu hiệu bồn chồn, khó thở, sau đó bất tỉnh và được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã đến tiếp nhận vụ việc và gửi mẫu socola trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội giám định. Kết quả lực lượng chức năng đã tìm thấy chất ADB-BUTINACA trong các viên socola. Chất ADB-BUTINACA là chất thường được phát hiện có trong các mẫu "cỏ Mỹ". ADB-BUTINACA có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc, nhưng không có trong danh mục các chất ma túy theo các nghị định của Chính phủ.

Ngày 22/6, Công an TP Hà Nội đã đưa ra cảnh báo vừa phát hiện thu giữ một số loại ma túy dạng mới, được ngụy trang dưới dạng socola ghi nhãn hiệu Socola Chill Max bán công khai trên mạng xã hội. Theo điều tra, các loại ma túy mẫu mới trên đều có hình thức, màu sắc bắt mắt, gây tò mò đối với thanh, thiếu niên nên có nguy cơ trở thành các loại ma túy học đường.

Trước đây, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện loại ma túy dạng thanh socola có tên gọi "Cannabis chocolate", về hình thức không khác gì thanh socola bán trên thị trường, nhưng thực chất là hỗn hợp cần sa trộn lẫn bột cacao, trong đó thành phần chính là THC, CBN, CBD - chất được chiết xuất từ cây cần sa, gây ảo giác cho người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, bên trong những sản phẩm này lại chứa chất ADB-BUTINACA gây rối loạn cảm xúc, lo lắng, căng thẳng, ảo giác rối loạn tâm thần và ý thức thoát ly thực tại.

ma-tuy-socola.jpg
Ma túy socola giả dạng thực phẩm “tấn công” học đường.

Đặc biệt nguy hiểm hơn là trên một số diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, nhiều đối tượng đã mở topic chia sẻ các trải nghiệm khi sử dụng các chất thức thần để cổ vũ, lôi kéo người sử dụng các loại ma túy dạng mới như "cỏ Mỹ" (thảo mộc tẩm ướp hóa chất có tác dụng gây ảo giác như cần sa), "tem giấy" và "nấm thần", “nước xoài”, “nước dâu”; “trà sữa” hay kẹo dẻo “thần dược”; bánh, kẹo, socola có chứa tinh dầu cần sa... Những câu chuyện "trải nghiệm" được kể hấp dẫn như một chuyến du lịch khám phá...

Theo Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, thời gian gần đây đã phát hiện nhiều chất ma túy tổng hợp mới, là các chất gây ảo giác mạnh. Ma túy tổng hợp không lấy từ tự nhiên mà là ma túy nhân tạo, hóa chất.

Đối tượng khách hàng nhắm tới của các con buôn ma túy là những người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên. Họ đã lợi dụng nước giải khát, uống trà sữa, ăn bánh, kẹo là sở thích của giới trẻ, học sinh, sinh viên... và tinh vi trà trộn ma túy vào thực phẩm. Khi sử dụng các sản phẩm trà trộn ma túy, nhiều em có biểu hiện ngộ độc như hoa mắt, chóng mặt nhức đầu thậm chí bị ngất.

Ma túy tổng hợp có thể sản xuất từ bất cứ nơi nào. Vì vậy, việc kiểm soát ma túy tổng hợp khó khăn rất nhiều. Các vụ án có mẫu ma túy mới là những vụ án khó, vượt quá khả năng giám định của các phòng kỹ thuật ở địa phương do điều kiện trang thiết bị chưa đồng bộ như Viện Khoa học Hình sự.

 Các loại bánh kẹo hay thực phẩm chứa cần sa, ma túy tổng hợp có đặc điểm chung là nhãn mác có các hình thù kỳ dị, méo mó. Ví dụ, mặt cười, ma quỷ, hình ảnh nghịch ngợm, trêu đùa hoặc vui nhộn.

Các sản phẩm có chất gây nghiện cũng không có nhãn mác đầy đủ và nghiêm túc như sản phẩm của các nhà sản xuất chính thống. Người bán thường mời chào, bán ở các tụ điểm vui chơi, cổng trường…

Các bậc phụ huynh nên thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ để phát hiện nếu trẻ sử dụng các sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ.

Sự ngộ nhận nguy hiểm

BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy thế hệ mới khiến người dùng ảo giác, "bay lắc", kích thích vật vã. Nếu như trước kia tại trung tâm rất hay tiếp nhận các trường hợp ngộ độc heroin (tháng nào cũng có vài ca), thì khoảng chục năm trở lại đây, số ca ngộ độc này giảm hẳn (mỗi năm chỉ còn vài trường hợp). Tuy nhiên, thay vào đó là tình trạng các ca ngộ độc những loại ma túy mới (là ma túy tổng hợp) như Amphetamin và các chất cùng loại, lá Khat, cần sa, ma túy dạng thấm (LSD) có phần nhiều lên. Tại Trung tâm Chống độc gần như ngày nào cũng tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc ma túy thế hệ mới. Bệnh nhân chủ yếu là người trẻ, thanh niên, học sinh sinh viên…

Đặc điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới khi vào viện đó là hầu như họ đều bị ngộ độc nặng kèm ảo giác nhưng nhiều người không hề hay biết mình sử dụng ma túy đến khi xét nghiệm cho thấy dương tính với ma túy mới ngỡ ngàng.

Điều đáng lo ngại là thông tin nguy hiểm lan truyền trong giới trẻ là: Sử dụng ma túy dạng kẹo thì không bị nghiện, mà chỉ có cảm giác nhớ? Chính vì sự thiếu hiểu biết, lầm tưởng trước thông tin trên, nên nhiều bạn trẻ từ “chơi thử cho biết” đã bị nghiện, lệ thuộc vào ma túy.

ma-tuy-keo.jpg
Ma túy kẹo.

Cần sớm phát hiện sự bất thường ở học sinh

TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư cảnh báo, là lứa tuổi tò mò, ưa thích khám phá và khẳng định cái tôi, học sinh, trẻ vị thành niên rất dễ bị bạn bè lôi kéo, rủ rê để sử dụng chất gây nghiện. Trong khi đó, trẻ chưa nhận thức được đầy đủ về tác hại mà các chất cấm này gây ra. Do đó, nhà trường cần có hình thức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh bằng các buổi chuyên đề hướng dẫn trẻ cách phòng tránh ma túy hay đơn giản là các chương trình ngoại khóa để học sinh giao lưu lành mạnh với nhau.

Bên cạnh đó, với các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần đặt ra ở trẻ hiện nay, TS.BS Ngô Anh Vinh cho rằng, cần tăng cường và đào tạo cán bộ tâm lý chuyên trách trong trường học để có thể tư vấn, sớm phát hiện những bất thường ở học sinh. “Trẻ sử dụng chất gây nghiện thường có các biểu hiện khá rõ nét như thường xuyên chán nản, học hành sa sút, thậm chí bỏ học… Trẻ thu hẹp giao tiếp với thầy cô, bạn bè do mất khả năng hòa nhập với cuộc sống. Do đó, nếu phát hiện sớm các biểu hiện này, nhà trường có thể phối hợp với gia đình để ngăn chặn trẻ ngày càng lún sâu vào các loại chất này”, TS.BS Ngô Anh Vinh nói.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, sử dụng các loại chất gây nghiện có thể gây ra các ngộ độc cấp tính, tác động tới thần kinh làm cho người sử dụng bị kích thích, lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần. Các loại ma túy đá, THC, cần sa... tác động lên tim mạch làm loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp; tác động nhiều cơ quan khác của cơ thể. Khi ngưng sử dụng đột ngột, người sử dụng có thể gặp chứng nôn nặng và dai dẳng khó chữa. Về lâu dài, các loại ma túy này có thể gây phổi tắc nghẽn, các bệnh mạch vành, tăng nguy cơ tử vong.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chứng minh, THC, cần sa làm giảm số lượng tinh trùng, giảm rụng trứng, rối loạn kinh nguyệt, suy giảm các tuyến nội tiết sinh dục, ảnh hưởng nội tiết tăng trưởng, tuyến giáp, tăng nguy cơ gây ung thư… Vì vậy, nhà trường và các bậc cha mẹ cần chú ý tới con. Khi thấy con có biểu hiện bất thường cần đưa đi khám ngay đừng để đến viện khi các biểu hiện vượt quá giới hạn chịu đựng, như co giật, kích thích, vật vã không kiểm soát được…

Hơn nữa, bệnh viện cũng chỉ là nơi điều trị triệu chứng, còn để cách ly được với nguồn chất gây nghiện cần sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng và chính bản thân người nghiện.

 Ma túy không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình nhận thức và học tập mà còn khiến các em mất nhân cách đạo đức. Ngoài ra, người nghiện ma túy có thể có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top