Lý giải tỷ lệ ung thư Việt Nam tăng 7 bậc trên thế giới

(khoahocdoisong.vn) - Với 159,7 người mắc ung thư trong 100.000 dân, Việt Nam là nước có tỷ lệ ung thư cao thứ 92 thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2018, xếp thứ 16 tại châu Á. GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K lý giải về tỷ lệ gia tăng nhanh và sự hoán đổi vị trí mắc nhiều của các loại ung thư...

Ô nhiễm đẩy nhanh tỷ lệ ung thư

Thưa GS.TS, theo thống kê năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư... GS có thể cho biết, tại sao có sự tăng nhanh như vậy?

GS.TS Nguyễn Bá Đức.

GS.TS Nguyễn Bá Đức.

Ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng tựu chung lại là 2 nhóm yếu tố: Nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường...) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gene…). Ở nhóm yếu tố thay đổi được, các tác nhân gây ung thư đang phát triển mạnh mẽ, mất sự kiểm soát.

Thứ nhất là phải nói đến là tình trạng ô nhiễm môi trường sống ở nước ta gia tăng rất nhiều so với 20 – 30 năm trước, nhất là ở các thành phố lớn và kể cả ở nông thôn. Trước đây chúng ta có thể bơi, tắm thoải mái ở ao hồ nhưng hiện nay ao hồ ở nông thôn còn rất ít và ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng báo động tình trạng ô nhiễm không chỉ thuộc một lĩnh vực mà là toàn thể. Chẳng hạn chất lượng không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn luôn trong tình trạng báo động nguy hại tới sức khỏe.

Ô nhiễm thực phẩm thì ai cũng thấy được. Tất cả các loại thực phẩm từ rau cỏ, vật nuôi... đều được cảnh báo vấn đề tăng trọng, kích thích tăng trưởng, kháng sinh và hóa chất vào bảo quản, chế biến... Như vậy, không khí, thực phẩm, đồ ăn uống đều ô nhiễm là yếu tố tạo nên ung thư.

Chờ khám ung thư tại Bệnh viện K.

Chờ khám ung thư tại Bệnh viện K.

Thứ hai, sự mất cân bằng trong chế độ ăn, ăn uống không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh; Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc…), hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối…  chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư (như ung thư vú, thực quản, đại trực tràng…). 

Hơn nữa, hành vi và lối sống hiện nay đang thúc đẩy sự phát triển của ung thư. Tình trạng hút thuốc lá (là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi); lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ung thư miệng, họng; ung thư gan; ung thư vú, ung thư đại trực tràng;... Thói quen ít vận động cũng là nguyên nhân gây nên ung thư vú, ung thư đại trực tràng...

Không chỉ số lượng bệnh nhân ung thư gia tăng mà hiện tại có nhiều phát hiện 2 - 3 loại ung thư khác nhau, đây có phải là sự đột biến không thưa GS?

Như trên đã nói ung thư bị ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố môi trường. Vì vậy, có những người không chỉ tiếp xúc với một yếu tố nguy cơ mà tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn ung thư gan, ngoài yếu tố nguy cơ nấm mốc Aspergillus Flavus tiết ra chất độc có tên aflatoxin thì còn liên quan đến virus, viêm gan B. Người bị lây nhiễm viêm gan B dẫn đến xơ gan, ung thư gan lại liên quan đến hút thuốc gây ung thư phổi hoặc tiêu thụ các thực phẩm không an toàn thì lại vừa mắc ung thư gan, đại tràng, dạ dày... Vì vậy, tình trạng bị 2 - 3 loại ung thư trên một người là rất dễ xảy ra. 

Khám và tư vấn cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K.

Khám và tư vấn cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K.

Sự hoán đổi phản ánh đúng thực chất

Hiện nay, người trẻ cũng rất lo sợ mắc căn bệnh quái ác này?

Ung thư là món quà không ai muốn nhận nhưng vì ta sống ở môi trường và theo thời gian bệnh tật vẫn đến. Trước đây, bệnh ung thư thường gặp ở người lớn tuổi từ 60 – 65 trở nên nhưng hiện tại có xu hướng trẻ hóa, có nhiều người dưới 30 tuổi, thậm chí dưới 20 tuổi bị ung thư. Điều đó cho thấy có thể có nguy cơ khiến ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng phát triển nhanh trong cộng đồng mà ta chưa biết. 

Ung thư do nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân lại phối hợp với nhau. Nên ta không thể hiểu máy móc có tác nhân là bị không có tác nhân là không bị. Vì vậy, không thể dùng nguyên nhân để kết luận mà ở đây còn liên quan đến thể trạng, cơ địa của từng người. Có thể cùng tiếp xúc với môi trường gây bệnh, có người phát bệnh nhanh, có người phát bệnh chậm nhưng có người lại không bị bệnh do sức đề kháng tốt.

GS có thể giải thích về sự hoán đổi thứ tự  5 loại ung thư mắc nhiều nhất ở cả 2 giới: Ung thư gan xếp đầu tiên, kế đó là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng. Trong đó ung thư vú tăng mạnh nhất, cách đây 2 năm xếp vị trí thứ 4 với hơn 15.000 ca nhưng đến 2020 đã tăng lên hơn 21.500 ca.

Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số nói chung, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay đã tăng (73,6 tuổi). Tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ càng dài thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao. Hơn nữa, hiện nay dân số Việt Nam đang là gần 97.8 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới. Dân số Việt Nam tăng lên, dẫn tới tăng số người mắc và tử vong do ung thư.

Tỷ lệ ung thư vú tăng mạnh đó là sự tiếp cận dần với con số thực. Trước đây một phần thống kê, ghi nhận không đầy đủ, chủ yếu ghi nhận những trường hợp nặng đến bệnh viện thăm khám. Gần đây, Việt Nam có chương trình sàng lọc phát hiện sớm ở nhiều tỉnh, thành phố nên bệnh nhân được phát hiện sớm hơn nên tỷ lệ cũng cao hơn.

Có cách nào để phòng chống ung thư không, thưa GS?

Để phòng bệnh ung thư, vấn đề giải quyết môi trường sống ô nhiễm, không khí độc hại, thực phẩm ô nhiễm cần phải có những chính sách đồng bộ, cương quyết, thực hiện triệt để của Nhà nước để cải tạo môi trường và chất lượng sống, giảm tình trạng ô nhiễm gây bệnh tật.

Với người dân cũng cần có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống rượu, từ bỏ lối sống tĩnh tại, năng vận động. Ăn ít chất béo động vật, ăn chế độ nhiều rau xanh, hoa quả và chất xơ...

Đặc biệt, sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư. Hiện nay, nhờ các phương pháp phát hiện và điều trị tiên tiến, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh ung thư rất cao, chẳng hạn ung thư vú từ tỷ lệ khỏi từ 20 – 30% đã tăng lên 70%. Các loại ung thư khác như vòm họng, dạ dày, thậm chí cả ung thư phổi tỷ lệ khỏi bệnh cũng tăng cao. Vì vậy, chúng ta hãy lắng nghe cơ thể mình, quan tâm hơn tới việc đi khám sức khỏe, trong đó có việc sàng lọc ung thư phát hiện sớm, điều trị đúng sẽ khỏi bệnh.

Xin cảm ơn GS.TS!

Theo KH&ĐS
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top