Lý giải đỉnh Fansipan cao dần lên

(khoahocdoisong.vn) - Do hoạt động địa chất kiến tạo nâng lên, đỉnh Fansipan sẽ cao dần lên trong tương lai so với mặt nước biển. Tuy nhiên, con số này là không lớn.

Từ năm 1909 đến nay Fansipan đã cao thêm 4m. Do hoạt động địa chất kiến tạo nâng lên, đỉnh Fansipan sẽ còn cao dần lên trong tương lai.

Xác lập độ cao mới

Độ cao đỉnh Fansipan là 3.147,3 m, đây là kết quả đo đạc được Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đưa ra tại cuộc họp báo cáo kết quả xử lý dữ liệu và xác định độ cao đỉnh Fansipan tổ chức tại Hà Nội mới đây. Độ cao này chênh hơn 4 m so với kết quả vẫn được sử dụng chính thức trên nhiều tài liệu từ 110 năm qua là 3.143 m do người Pháp đo đạc vào năm 1909.

Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam Phan Đức Hiếu cho biết, lần đầu tiên người Việt Nam bằng các phương tiện và phương pháp đo chính xác, hiện đại và đáng tin cậy nhất tự đo được độ cao của đỉnh Fansipan kể từ lần đo độ cao của người Pháp vào năm 1909. Việc đo đạc độ cao đỉnh Fansipan được Cục thực hiện bằng việc sử dụng công nghệ đo GNSS kết hợp với số liệu độ cao từ một số trạm định vị vệ tinh quốc gia và công nghệ đo thuỷ chuẩn. 

Ông Trần Doãn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Điều tra - Xử lý dữ liệu đo đạc và bản đồ, thuộc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (đơn vị trực tiếp thực hiện đo độ cao đỉnh Fansipan) khẳng định, kết quả xử lý dữ liệu xác định độ cao vị trí chôn mốc và vị trí đỉnh cao nhất trên đỉnh Fansipan với giải pháp đo GNSS kết hợp xử lý mô hình Geoid địa phương là chặt chẽ và chính xác. Trung tâm đề nghị hội đồng thẩm định thông qua giá trị độ cao đỉnh Fansipan trong hệ độ cao quốc gia là h =3.147,3 m, toạ độ trong hệ toạ độ quốc gia là N = 22 độ 18 phút 14 giây,9; E = 103 độ 46 phút 24 giây,1 để phục vụ công bố độ cao đỉnh Fansipan.

Việc đỉnh Fansipan xác lập độ cao mới được các chuyên gia, nhà địa chất học đồng tình, dựa trên những nghiên cứu nhiều năm về hoạt động địa chất, kiến tạo ở khu vực này. Theo TS Trần Văn Minh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đặc thù hoạt động địa chất của vùng núi Fansipan dẫn đến hệ quả trên. Tuy nhiên, con số này tăng lên rất nhỏ, không ảnh hưởng gì đến hoạt động kiến tạo chung của cả vùng

Sẽ còn cao lên nữa

PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về địa chất, nguyên cán bộ Viện Vật lý Địa cầu cho biết, đỉnh Fansipan nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn là nơi có hoạt động địa chất kiến tạo nâng lên. Các nhà khoa học đã đánh giá, trung bình mỗi năm đỉnh Fansipan có thể cao lên 0,6mm. Trong tương lai, nóc nhà Đông Dương sẽ còn tiếp tục nâng lên so với mực nước biển. 

Những nghiên cứu về địa kiến tạo, hoạt động địa chất mảng lớn ở khu vực Tây Bắc đã được nhiều nhà khoa học thực hiện và cùng có chung nhận định. Việc dịch trượt của các khối địa chất nằm trên các đới đứt gãy khu vực này sẽ tạo ra hiện tượng trồi sụt, nơi được nâng lên, có vùng lại bị hạ thấp xuống… Nếu tiến hành đo đạc thường xuyên sẽ ghi nhận được sự thay đổi của các thông số này. Tuy nhiên, việc đầu tư đo đạc khá tốn kém, và việc thay đổi độ cao – thấp không ảnh hưởng đến hoạt động kiến tạo nói chung. Khác hẳn với việc sụt lún ở nhiều nơi hay chuyện Đồng bằng sông Cửu Long bị mất dần diện tích do nước biển dâng.

Fansipan là ngọn núi cao nhất nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai. Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, cách TP Lào Cai 33 km. Ngoài con đường chính từ TP Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, Quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Tam Đường, Lai Châu.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top