Lý giải đám mây hình đĩa bay xuất hiện ở Thanh Hóa

Theo chuyên gia, đám mây hình thù kỳ quái (hình chiếc đĩa bay) vừa xuất hiện ở Thanh Hóa là mây vũ tích. Loại mây này thường xuyên xuất hiện, có thể tự tan, nhưng đôi khi đó là dấu hiệu của vòi rồng.

Mây vũ tích báo trước vòi rồng

Vào lúc 18 giờ ngày 3/8, trên bầu trời khu vực TP Sầm Sơn xuất hiện một đám mây đen lạ, khổng lồ. Đám mây xuất hiện ở phía Đông Nam TP Sầm Sơn và di chuyển nhanh về phía Tây Bắc. Đám mây tồn tại khoảng từ 7 – 10 phút sau đó tan rã.

Đám mây có độ cao khoảng 500 – 600m, màu đen, hình dáng lạ và không gây ra thời tiết nguy hiểm như gió mạnh, sét, hoặc tố lốc, mưa đá. Sau khi đám mây tan thì trời có mưa rào nhẹ, gió Tây Tây Nam cấp 2, cấp 3 (tức 2 – 5m/giây), không gây ra thiệt hại gì.

Sau đó, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có báo cáo chính thức về đám mây đen có hình thù kỳ lạ, đen kịt như hình một chiếc đĩa bay. Do không cùng thời điểm quan trắc nên các trạm khí tượng và radar thời tiết không phát hiện được.

Song qua điều tra, thu thập ảnh mây do người dân và du khách cung cấp, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Đây là hiện tượng lạ, hiếm thấy về hoạt động của mây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/may-vu-tich-mau-300x225.jpg

Đám mây hình đĩa bay xuất hiện ở Thanh Hóa là mây vũ tích.

Trao đổi với KH&ĐS, TS Phạm Đức Thi, Trung tâm KH&CN Môi trường cho biết, đây là đám mây vũ tích hay còn gọi là mây đối lưu. Mây vũ tích xuất hiện ở các vùng ven biển khi nhiệt độ đang rất nóng gặp phải luồng không khí lạnh nên hình thành đám mây tích tụ hơi ẩm.

Loại mây này thường xuất hiện vào mùa hè, chúng tự tan đi và không gây nguy hiểm. Kích thước của đám mây phụ thuộc vào hoàn lưu của thời tiết, có thể lớn nhỏ khác nhau. Mây vũ tích gây mưa, đám mây càng dày, có màu càng đen thẫm thì mưa càng to, có thể kèm theo dông, sét.

“Về hình thức, mây vũ tích có hình dáng to dần từ dưới lên trên. Bên trong đám mây tích lũy rất nhiều hơi ẩm. Việc xuất hiện đám mây trông giống chiếc đĩa bay cũng là hiện tượng bình thường, không phải là hiếm gặp”, TS Phạm Đức Thi cho hay.

Mây vũ tích thường có màu đen sậm, xuất hiện ở phía Đông và đa phần là báo hiệu trước cơn mưa. Để nhận biết mây vũ tích có phát triển thành vòi rồng không thì chỉ cần quan sát luồng khí di chuyển của đám mây. Nếu là đám mây rất lớn, hình phễu, di chuyển xoay tròn thì phải tìm chỗ nấp an toàn vì đó có thể là vòi rồng.

TS Phạm Đức Thi

Mây vũ tích có thể báo trước vòi rồng

Mây vũ tích có phải là hiện tượng thời tiết nguy hiểm? Theo TS Phạm Đức Thi, ở các vùng ven biển, những đám mây vũ tích nhỏ xuất hiện liên tục vào mùa hè, đa phần là chỉ gây mưa, lớn hơn là dông, sét, chứ không gây ra hiện tượng gì quá nguy hiểm cho con người.

Tuy nhiên, một số đám mây vũ tích ngoài biển hoặc ven biển có thể báo trước việc xuất hiện vòi rồng. Điều này đã từng xảy ra trên thực tế, nhưng không phổ biến lắm.

Thực tế, vòi rồng (lốc xoáy) là một cột khí xoáy dữ dội, hút từ bề mặt đất lên đám mây vũ tích, tạo thành hình như cái phễu di động lủng lẳng từ một đám mây, trông giống như cái vòi.

Vòi rồng phát triển từ một cơn dông, thường từ ổ dông rất mạnh hay siêu mạnh, nên ở đâu có dông dữ dội là ở đó có thể có lốc xoáy, song cũng may là nó rất hiếm.

Theo TS Phạm Đức Thi, ở Việt Nam ít khi xuất hiện vòi rồng. Nhưng với sự biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi chóng mặt như hiện nay thì không thể khẳng định chắc chắn điều gì. Bởi vòi rồng có nguồn gốc là vùng khí hậu có luồng khí nóng đi lên và luồng khí lạnh đi xuống, giống mây vũ tích.

Đầu tiên là quá trình tương tác giữa cơn dông có chiều lên trên và gió. Sự tương tác này sẽ làm cho tầng khí nóng ở dưới di chuyển lên trên và xoay tròn trong không trung.

Tiếp đó là sự phát triển của dòng khí lạnh di chuyển theo hướng đi xuống mặt đất ở phía bên kia của cơn bão. Vận tốc của dòng khí đi xuống có thể lớn hơn 160km/h và có sức tàn phá rất lớn.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top