Lưu ý tránh bị vật nuôi tấn công

(khoahocdoisong.vn) - Liên tiếp các vụ tai nạn do chó nhà tấn công cảnh báo thói quen cũng như cách chơi với thú nuôi, tránh những tai nạn đáng tiếc.

Ngày 16/3, một cụ bà( 87 tuổi ở Hà Nội) vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu sau khi bị chú chó Bully nặng hơn 30kg lao vào tấn công. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vết thương dập nát cẳng tay trái, vết thương hàm mặt phức tạp. Các bác sĩ đã cắt cụt 1/3 dưới cánh tay trái, phẫu thuật cắt lọc, xử lý vết thương hàm mặt... Theo gia đình bệnh nhân, do chủ nhà không xích chó, khi thấy cụ bà, chú chó hung hăng lao vào cắn. Trước đó, ngày 14/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiếp nhận bệnh nhân (9 tuổi ở Vĩnh Phúc) bị chó (mới đẻ con) nhà hàng xóm tấn công cắn vào dương vật, gây ra vết thương dương vật rách lột từ gốc dương vật trở lên.

GS Đặng Huy Huỳnh, Hội Động vật học Việt Nam cho biết, nhiều người chủ quan và không có kỹ năng với vật nuôi nên dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Vật nuôi trong nhà bình thường rất hiền lành, nhưng không ai biết trước chúng có thể “nổi điên” lúc nào, nên chơi với vật nuôi phải rất cảnh giác. Nếu nhà nuôi chó, không để trẻ một mình với chó, luôn phải có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ, đồng thời hướng dẫn trẻ cách chơi đùa với chó một cách an toàn. Trẻ em rất thích sờ lông chó, vì thế bố mẹ nên dạy cho trẻ biết nên vuốt chỗ nào, lúc nào là thích hợp, khu vực nào không được đụng tới.

Dạy trẻ không trêu chọc chó, không bao giờ kéo tai hay đuôi nó. Hành động này sẽ khiến cho có cảm giác đang gặp nguy hiểm và phản ứng lại bằng cách cắn, dù đó là người nhà hay người lạ. Không lấy đồ chơi, thức ăn của chúng. Không bao giờ giả vờ đánh hay đá chúng. Đừng làm phiền chó khi nó đang ở trong ổ. Không tự ý tiếp cận, vuốt ve chó ngoài đường, phải hỏi chủ nhân trước khi vuốt ve, cho ăn. Đây là điều cực kỳ quan trọng bởi việc vuốt ve đột ngột có thể khiến chú chó giật mình và có những hành động tự vệ. Hãy tìm cách tránh con chó đang gầm gừ, nhe răng hoặc bộ lông dựng đứng.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ, khi thấy chó có dấu hiệu chuẩn bị tấn công, tuyệt đối không nhìn chằm chằm vào mắt chó vì chó có thể hiểu rằng chúng ta đang đối đầu với nó. Hãy đứng yên và thả lỏng tay khi một con chó đi tới và khụt khịt, ngửi chân. Nếu chó đi theo sau, hãy bình tĩnh và đứng yên, giữ tay ở vị trí thấp, siết chặt tay ngay phía trước. Đây là vị trí phòng thủ quan trọng, chó sẽ cho rằng bạn không có ý định làm hại nó. Tuyệt đối không vung tay bởi hành động này sẽ kích thích chó dễ tấn công vào ngực và cổ.

Lưu ý không la hét, bỏ chạy, đánh hay hành động bất ngờ với chó, điều này chỉ khiến chó hung hăng hơn. Nếu chạy, con chó sẽ đuổi theo và cắn vì bản năng của nó là săn mồi. Đánh lạc hướng con chó bằng các vật dụng mang theo để chúng nhai như chai nước, đồ chơi, khăn áo… Không vung tay hoặc đá chân để xua đuổi chó vì chó thường phản ứng nhanh với các chuyển động.

Trường hợp bị chó tấn công, cần bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể như mặt, ngực và cổ họng của mình vì đây là những nơi các loài chó dữ sẽ nhắm đến theo bản năng của chúng. Ngoài ra, cần nắm chặt tay nếu không muốn ngón tay của mình bị cắn nát. Hãy cuộn tròn như một quả bóng để bảo vệ khuôn mặt và bàn tay nếu một con chó lạ lao vào tấn công.

Theo Đời sống
back to top