Lương y Hai Dậu: Vui vì giúp người cơ nhỡ

tuổi “thất thập cổ lai hy” với lắm thăng trầm sóng gió thời trai trẻ, lão Lương y Hai Dậu nhìn cuộc đời với chuyện tử-sinh-được-mất nhẹ như cơn gió thoảng. Ông hóm hỉnh chia sẻ: “Tới tuổi này, mỗi ngày chỉ ăn có một chén cơm nên đâu còn bận bịu chuyện mưu sinh cơm cháo, còn bao nhiêu sức lực, tôi dồn lo làm thuốc cứu người”.

Lương y Hai Dậu (người mặc áo khoác) đang hướng dẫn người dân lớn tuổi ở xã Tân Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp sử dụng sâm Thốt Nốt.

Hơn 10 năm lặn lội bào chế bài thuốc “sâm Thốt Nốt” là ngần ấy thời gian lương y Hai Dậu (Nguyễn Văn Dậu, ngụ ở số 60 Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7, TP Hồ Chí Minh) chỉ đi làm phước và giúp đỡ người nghèo, người bệnh… nhiều người bảo ông khéo “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ông cười hiền, đáp: “tui chỉ làm theo tâm nguyện của mẹ tui”…

Nghề thuốc cốt yếu là cứu người

Lương y Hai Dậu chia sẻ: “ăn ít mà khỏe chứ ăn nhiều thì người già dễ sinh bệnh lắm. Sáng 1 ổ bánh mì, trưa tôi ăn nửa chén cơm, chiều thêm nửa chén nữa, với tôi, vậy là đủ rồi. Sâm Thốt Nốt phần thì bán, phần thì tặng, từ Hà Nội tới miệt Cà Mau, rồi có Việt kiều về mua mang sang nước ngoài. Mấy người mua hay được tặng Sâm Thốt Nốt gọi điện thoại cho tôi. Tôi nghe họ reo lên “Má con ngồi dậy được rồi bác Hai” hay “Bố con tỉnh rồi, ăn cháo được rồi chú Hai”…

Người thân của họ thập tử nhất sinh, uống Sâm Thốt Nốt của tôi thì tỉnh rồi hồi phục, họ vui bảy thì tôi vui mười, họ vui mười thì tôi vui tới hai mươi. Sâm Thốt Nốt là bài thuốc nền rất công hiệu, giải độc và tăng cường sức khỏe. Tùy từng trường hợp thập tử nhất sinh do bệnh ngặt nghèo gì mà tôi thêm vài vị thuốc khác”.

BS Trạm trưởng Trạm y tế  (người mặc áo trắng) xã Tân Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đang xem kết quả khám bệnh của người bệnh.

Lần đầu đến mua thuốc, lão Lương y chỉ bán một lần thuốc 10 ngày mà không bán hơn. Thuốc uống 1-2 ngày thì chưa thể biết kết quả nhưng trong 5-7 ngày đến 10 ngày, chắc chắn phải thấy rõ tác dụng, nếu cơ địa hợp bài thuốc. Do đó, ông không bán cho ai nhiều phần thuốc trong lần đầu. Lương y giải thích: “Lẽ thứ nhất là tốn tiền người mua, đến khi thấy thuốc không hợp cơ địa, không thấy tác dụng, bỏ hết thuốc, tức là bỏ hết tiền. Lẽ thứ hai thuốc lại hiếm. Có người bệnh cần cứu, nếu hết thì sao cứu kịp?”

Lý giải về vật chất, lão lương y cho rằng: “cuộc sống của tôi đã đủ bằng nghề làm bình ắc quy. Tôi quay lại nghề thuốc cốt yếu là cứu người như lời mẹ già trăn trối. Bởi vậy, tôi nghĩ đơn giản lắm, ai bệnh mà khó khăn quá thì tôi tặng, ai bệnh nhưng có điều kiện thì chịu khó mua. Chút tiền lời trong đó, tôi lại san sẻ cho người bệnh gặp khó. Nhờ vậy mà tôi sẽ giúp được nhiều người hơn”.

Khi truyền lại bài thuốc này, mẹ ông có dặn, làm thuốc không phải làm kinh doanh. “Ngày đó, khi quyết định truyền lại nghề, mẹ gọi tui đến và nói rằng: Cả đời đi làm thuốc của mẹ là chỉ để làm từ thiện. Con nên tiếp nối nghề làm thuốc, làm từ thiện của gia đình mình. Nếu người nào có điều kiện thì con bán để lấy tiền mua thuốc hay nhu yếu phẩm khác để giúp cho người nghèo, người không có điều kiện”, lương y Hai Dậu nhớ lại.

Mỗi tháng 1 lần về quê “châm” gạo

Dù năm nay đã ngoài cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đôi chân đã yếu nhiều, đi đứng có lúc không vững; còn đôi tay chai sần, thỉnh thoảng lại run run, nhưng bất cứ nơi đâu có người nghèo mắc bệnh, người nghèo thiếu ăn là ông đều tìm đến. Đến giờ, ông không nhớ hết mình đã đến bao nhiêu vùng quê, trao quà, thuốc tặng bao nhiêu người.

Lương y Hai Dậu đến thăm và tặng quà cho trẻ mồ côi đang sống tại chùa ở tỉnh Kiên Giang.

Mới đây, khi nghe tin ở xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (An Giang), một địa bàn vùng sâu, vùng xa có nhiều người nghèo mắc các bệnh về gan, không có điều kiện chữa trị, ông lập tức đến giúp người dân nơi đây. Trước khi đi, ông chuẩn bị hơn 200 phần quà với đủ các nhu yếu phẩm phục vụ cho sinh hoạt của người dân như: dầu ăn, đường, bột ngọt, kem đánh răng, xà bông… và 200 phần sâm Thốt Nốt (mỗi phần ba gói sâm Thốt Nốt).

Từ 3 giờ sáng, ông đã dậy sắp xếp các phần quà lên xe để cùng anh em trải qua một đoạn đường hơn 300 km đến với địa bàn vùng sâu, vùng xa này. Dù rất mệt, nhưng lúc nào ông cũng tươi cười. Khi chuyển những phần quà đến tay từng người, riêng bài thuốc “sâm Thốt Nốt” ông hướng dẫn kỹ càng để bà con biết cách sử dụng. “Được làm nghề để giúp người, cứu người thì còn gì hạnh phúc hơn thế, cô ơi”, ông chia sẻ.

Hàng tháng, Lương y vẫn về An Giang 1 lần để tiếp gạo cho 3 điểm phát gạo cho người nghèo, người già/yếu ở An Bình Tự,  xã Lương Phi, huyện Tri Tôn; Chợ Ba Trúc, thị trấn Ba Trúc, huyện Tri Tôn; Phòng thuốc Nam, khu dân cư Khóm 8, phường Châu Phú, TP. Châu Đốc. Cuối năm, về quê ra chợ nếu thấy người ta bán cá trứng (cá cái có mang) là ông mua hết và mang ra sông thả lại. Dẫu đường đi còn nhiều khó khăn nhưng về để giúp người nghèo ở quê là điều hạnh phúc nhất mà lão lương y luôn duy trì lối sống đẹp.

Hương Giang

Theo Đời sống
back to top