Luật sư nói gì sau công bố sao kê tài khoản từ thiện của ca sỹ Thuỷ Tiên

Theo quan điểm của luật sư, việc kiểm toán đối với các cá nhân là điều khó có thể xảy ra vì Luật Kiểm toán không quy định việc này và nếu có thì cũng rất khó làm...

Cuối tuần qua, nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng tiếp tục lên mạng livestream tố ca sĩ Thủy Tiên… xung quanh việc làm từ thiện đợt lũ lụt ở miền Trung thời gian vừa qua, sau khi nữ ca sĩ sao kê hàng chục nghìn trang A4 tài khoản cá nhân. Đây được cho là diễn biến mới nhất trong vụ việc.

Trong buổi livestream, bà Hằng cho rằng ca sĩ Thủy tiên đã "tạm khóa tài khoản báo có" nên số tiền ủng hộ trong thời gian tạm khóa tài khoản sẽ bị “treo” và vẫn đổ về tài khoản khi được mở lại.

Theo tìm hiểu, tại Điều 16 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Việc chấm dứt tạm khóa tài khoản thanh toán và việc xử lý các lệnh thanh toán đi, đến trong thời gian tạm khóa thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật ANVI cho rằng, muốn làm sáng tỏ chuyện có bớt xén tiền ủng hộ hay không còn phụ thuộc vào cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ.

Hiện nay, việc ca sĩ Thủy Tiên đã sao kê tài khoản tổng số tiền thông qua ngân hàng, theo luật sư Đức, con số này là chính xác và minh bạch vì việc sao kê, số liệu là do ngân hàng cung cấp và chịu trách nhiệm.

“Việc sao kê tài khoản rất nhạy cảm do liên quan đến cá nhân người nhận và người ủng hộ. Do đó, chỉ cần một tờ A4 thống kê tiền vào bao nhiêu, tiền ra bao nhiêu trong thời gian đó là đủ” – luật sư Đức nêu quan điểm cá nhân.

Là người từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến ngân hàng, luật sư Đức cho biết, việc tạm khóa tài khoản dành cho chính chủ tài khoản tự khóa trong khoảng thời gian. Về nguyên tắc, đã tạm khóa tài khoản là tiền không vào, không ra và cũng không “treo” ở đâu cả.

“Nếu tiền được chuyển vào trong thời gian tạm khóa thì người gửi sẽ được thông báo là không chuyển được và tiền được hoàn lại tài khoản gửi và thời gian hoàn lại tiền tùy thuộc vào từng ngân hàng, có thể 2-3 ngày. Khi mở lại tài khoản nếu có tiền chuyển đến thì mới nhận được” – luật sư Đức chia sẻ.

Theo luật sư Đức, về việc kiểm toán đối với hoạt động từ thiện cá nhân hiện nay cũng khó có thể xảy ra vì theo Luật Kiểm toán, việc kiểm toán mục đích góp phần công khai minh bạch thông tin kinh tế của đơn vị được kiểm toán là doanh nghiệp và các tổ chức khác… không nhắc đến khái niệm kiểm toán đối với cá nhân.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp, kiểm toán đựa trên việc ký hợp đồng, chứng từ kế toán, xuất hóa đơn và các khoản chi, thu… Còn những gì không xác định được thì kiểm toán không kết luận.

Quay trở lại việc làm từ thiện cá nhân, luật pháp không bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ, ký nhận, lập biên bản… Do đó, nếu có kiểm toán thì chỉ xác định tiền vào, ra là bao nhiêu còn chi bao nhiêu thì không thể biết.

Cũng theo luật sư Đức, cho đến bây giờ sự việc kéo dài gây bất ổn dư luận, mất niềm tin vào hoạt động từ thiện của các cá nhân, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhiều người.

Do đó, người trong cuộc, ở đây là nghệ sĩ, ca sĩ cần khởi kiện vụ án dân sự, nộp đơn khẩn cấp tới cơ quan chức năng khởi tố điều tra vụ án “Vu khống”, sau đó, cơ quan chức năng có thể mở rộng xem xét những việc khác như hoạt động từ thiện để làm rõ thêm về số tiền từ thiện.

“Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ có hay không dấu hiệu của việc lợi dụng quyền tự do dân chủ làm thiệt hại lợi ích của tổ chức, cá nhân” – luật sư Đức nêu quan điểm.

Luật sư Đức cho biết thêm, thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc công an địa phương và cơ quan chức năng cần phải lên tiếng vì để đến bây giờ là đã quá muộn.

Theo tienphong.vn
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top