Lớp học cô giáo khiếm thị truyền cảm hứng cho hàng ngàn học sinh

(khoahocdoisong.vn) - Dù đôi mắt không nhìn thấy gì, cô giáo Phạm Thị Huế vẫn đạt bằng giỏi một trường ĐH tốp đầu cả nước, và truyền cảm hứng, khát vọng với tri thức cho hàng ngàn học sinh sáng mắt của mình.

“Con muốn đi học, mẹ tìm lớp cho con đi học”

Chúng tôi đến thăm lớp học của cô giáo Phạm Thị Huế (xã Quan Kênh, huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh) trong một buổi trưa nắng như đổ lửa, đúng lúc tiết học đang diễn ra.

Các em học sinh đang hát, vỗ tay theo nhịp một bài hát được chiếu trên màn hình. Bài hát kết thúc, sau mỗi câu hỏi của cô giáo, là những cánh tay giơ lên, những câu trả lời lưu loát của các em học sinh. Tất cả, đều bằng tiếng Anh.

Thoạt nhìn, sẽ thấy như lớp học này không khác gì các lớp học bình thường khác. Không nghĩ rằng, lớp lại đang được “điều hành” bởi một cô giáo mà đôi mắt hoàn toàn không nhìn thấy gì.

Các em học sinh chăm chú trong giờ học.

Các em học sinh chăm chú trong giờ học.

Bà Hoàng Thị Hiền, mẹ Huế kể: Huế là con thứ 3, khi sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi Huế lên 6 tuổi thì mắt nhìn kém dần. Đi khám ở Bệnh viên Mắt Trung ương, BS kết luận Huế bị thoái hóa võng mạc bẩm sinh. Nếu không học và xem tivi, thì có thể nhìn được đến năm 18 tuổi. Còn đi học thì thời gian sẽ rút ngắn lại.

“Tôi nhớ mãi, khi nghe tôi nói lại lời bác sĩ, con bảo: Mẹ ơi, con muốn đi học, xin mẹ cho con tiếp tục đi học. Đằng nào không học mắt con cũng không nhìn thấy gì”, bà Hiền bùi ngùi.

Thương con, bà Hiền đồng ý với lời đề nghị của con gái. Lên lớp 7, một bữa, Huế nói mẹ sắm cho cái gậy để dọa bạn nào dám bắt nạt, nhưng là để giấu đôi mắt không còn nhìn được nữa, Huế cần gậy để dò đường đi.

“Bố cháu bảo, thôi con ở nhà một năm bố nuôi. Nhưng ở nhà một năm thì cháu vật vã, không chịu nổi, nói mẹ đi tìm lớp cho con. Đúng lúc đó, ở Lương Tài có mở lớp chữ nổi. Học được một năm, thì về nhà. Cháu lại nói, con muốn học tiếp lên, mẹ đi tìm lớp cho con.

Tôi bèn lên tận Hà Nội, tìm tới trường Nguyễn Đình Chiểu. Mới đầu, các thầy cô không nhận học sinh ngoài tỉnh, lại sợ cháu không theo được. Nhưng rồi, cháu đã học tốt bất ngờ.

Khi Huế lên cấp 3, tôi tìm đến trường THPT Trần Nhân Tông, mới đầu, các thầy đều lắc đầu, vì trường chưa có học sinh nào khiếm thị theo học. Rồi đại học cũng vậy, các thầy cứ lo Huế sẽ không thể theo học được với các bạn sáng mắt. Nói chung, cả một chặng đường dài, giờ nghĩ lại, tôi thấy tựa như một giấc mơ”, bà Hiền chia sẻ.

Tôi hỏi Huế, ở lứa tuổi lên 6, vì sao Huế lại muốn đi học đến vậy, dù phải đánh đổi bằng cả đôi mắt sẽ không nhìn thấy nhanh hơn, Huế trầm ngâm: “Lúc đó, em chỉ nghĩ rằng, sớm muộn gì em cũng không nhìn thấy, nhưng em có ước mơ làm cô giáo, mơ ước được học đại học như các anh chị. Lớn hơn chút nữa em nghĩ,  mất đi ánh sáng đôi mắt, nhưng ánh sáng của tri thức sẽ thay đôi mắt cho em”.

Đem yêu thương trả nợ ân tình

Kể về chặng đường chông gai đã đi qua, Huế nói, lúc đầu, mới nghe bác sĩ nói về bệnh tình, Huế còn quá nhỏ, không hình dung được cụ thể bóng tối như thế nào. Chỉ tưởng tượng giờ mình nhìn thấy mặt người thân, cảnh thiên nhiên thì một ngày nào đó mình không nhìn thấy gì nữa.

"Lúc đó, rất là vô tư. Nhưng rồi, dần dần mới ý thức được sự khác biệt của mình với bạn bè. Những con chữ cứ mờ dần. Trong khi các bạn nhìn được thì mình không nhìn thấy gì. Nhờ các bạn, thì có lúc các bạn giúp, có lúc các bạn mải chơi từ chối khiến mình rất tủi thân", Huế tâm sự.

Khi đi học nội trú, xa nhà, Huế phải tự làm mọi việc. Và giai đoạn khó khăn lớn nhất là khi vào học khoa Ngôn ngữ  Anh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phải học chung giáo trình với những sinh viên sáng mắt, không có chữ nổi.

“Khó nhất học tiếng Anh đối với người khiếm thị là không thể nhìn được những phiên âm theo bảng phiên âm quốc tế, chỉ có thể dùng đôi tai cảm nhận. Có khi mình phải nhờ mọi người mô tả ký hiệu phiên âm đó”, Huế chia sẻ.

Thế rồi, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, vượt lên trên hết tất cả khó khăn, Huế đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi.

Về quê, Huế thấy các em hạn chế trong việc học và phát âm tiếng Anh, cũng có các trung tâm nhưng các gia đình không có điều kiện… Từ đó Huế ước mơ mở lớp để các em cải thiện tiếng Anh. 

"Thiện căn ở tại lòng ta...", chữ Tâm được treo trong lớp học.

"Thiện căn ở tại lòng ta...", chữ Tâm được treo trong lớp học.

Từ tháng 9/2016 lớp học bắt đầu hoạt động. Học phí là 20.000/buổi, học buổi nào đóng tiền buổi đó.

“Cũng có em hoàn cảnh khó khăn mình không thu tiền, nhưng gia đình vẫn nói có thể trang trải được nên vẫn trả. Đến nay, đã có khoảng ngàn em đến học. Hiện tại, có khoảng 150 em, Huế chia sẻ.

Huế đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Lương Tài. Đi làm ở Hội người mù cả ngày, chiều về lại dạy lớp tiếng Anh. Có những hôm, Huế phải soạn giáo án tới tận đêm khuya.

Huế chia sẻ: “Cuộc đời mình trải qua nhiều những thăng trầm, nhưng mình đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, đặc biệt là các thầy cô, bạn bè. 

Mình nhớ, khi mình đến xin nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa, các thầy trong ban lãnh đạo nhà trường đã không từ chối, ngược lại lắng nghe những tâm tư của một học sinh khiếm thị.

Trong suốt quá trình học, các thầy cô đã tạo điều kiện hết sức, cung cấp cho mình cả bản mềm giáo trình (thuộc bản quyền của nhà trường, bình thường sẽ không cung cấp cho sinh viên), giao nhóm các bạn giúp đỡ về mặt giáo trình…

Biết bao người đã hết lòng giúp đỡ mình, giờ mình muốn mang những yêu thương đó để trả lại ân tình cho đời. Mình thấy, khi sống bằng cái tâm, mọi điều đến tốt đẹp”.

Và phần thưởng cho cô giáo Huế, đó là những điểm tốt của các em từ lớp học của cô liên tục báo về cuối năm, lời cảm ơn của phụ huynh học sinh… Đặc biệt, trên hết, là sự tin yêu của học trò.

Khi được hỏi, các em học sinh đều trả lời đến lớp cô giáo Huế rất vui, rất thích học cô Huế.

Khi được hỏi, các em học sinh đều trả lời đến lớp cô giáo Huế rất vui, rất thích học cô Huế.

Nghe những lời chúc và bày tỏ tình cảm bằng tiếng Anh của học trò gửi tới mình: “Con cầu chúc cô giáo luôn mạnh khỏe”. “Con thích học cô Huế lắm”, “lớp học vui lắm”, “con chúc cô hạnh phúc”, cô Huế mỉm cười, khóe mắt rưng rưng…

Có nhiều lúc tôi đã tuyệt vọng, sợ cả tiếng trống trường, tiếng chuông báo giờ học, nhiều đêm khóc thầm, muốn từ bỏ tất cả. Nhưng trong lúc đó lại có ánh sáng le lói khiến tôi vươn lên. Đó là khát vọng đối với tri thức, là ước muốn không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Sau những thăng trầm, tôi nhận ra, phải kiên trì trong mọi hoàn cảnh. Và không phải phép cộng, mà chính phép chia làm con người bất tử.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top