Lối thoát nào cho thí sinh trượt đại học?

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, để đi đến đích thì có thể có nhiều con đường, điều quan trọng là mình cần xác định được mục tiêu của bản thân mình, từ đó có lựa chọn cho phù hợp.

Điểm cao ngất vẫn trượt đại học

Mùa tuyển sinh năm nay, câu chuyện về nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường, em Ngô Minh Hiếu trượt Đại học Y Hà Nội, dù đạt số điểm thi tốt nghiệp THPT rất cao: 28,5 điểm đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Tuy nhiên, trường hợp của Hiếu không phải là cá biệt. Đã có nhiều thí sinh đạt điểm cao, thậm chí 27 điểm 3 môn vẫn trượt  do điểm chuẩn các trường đại học năm nay tăng mạnh.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn nhiều ngành điểm ở mức 28 – 29 điểm (tính theo thang điểm 30). Mã ngành cao nhất là 29,04 điểm, Khoa học máy tính. Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành Công nghệ Thông tin là 28,1 điểm. Ngành Y Đa khoa - Đại học Y Hà Nội là 28,9 điểm.

Lý giải về việc điểm chuẩn các trường năm nay tăng cao, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu là phục vụ công tác xét tốt nghiệp, đồng thời với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019 và do vậy, điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.

Ngoài ra, do đặc thù một số ngành. Ví dụ, như ngành Hàn Quốc học (khối C) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội do chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký đông, nên điểm chuẩn lên đến 30 điểm.

Đặc biệt, năm nay các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển như xét tuyển kết hợp, xét học bạ, xét tuyển thẳng và dành đến 40 – 50 chỉ tiêu cho các phương thức này nên chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT giảm gần 1 nửa so với mọi năm.

GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhiều thí sinh chỉ đăng ký 1 - 2 nguyện vọng, lại đều là nguyện vọng có điểm đầu vào tăng cao. Đến khi không đạt được nguyện vọng đã đăng ký thì không còn cơ hội nào khác nữa.

Bên cạnh đó, nhiều trường còn kèm theo các tiêu chí phụ nên không ít thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng không đạt tiêu chí phụ cũng trượt.

Cần xác định rõ mục tiêu là gì

Em Nguyễn Thành Trung (Quảng Ninh), ước lượng điểm của mình không thể trúng tuyển trong bất kỳ nguyện vọng nào đã đăng ký đợt 1, đã quyết định học một chương trình liên kết quốc tế của một trường đại học.

Trung và mẹ đang nghe tư vấn tuyển sinh.

Trung và mẹ đang nghe tư vấn tuyển sinh.

Mẹ của em cho biết, ước mơ của em là vào học ngành kinh tế của một trường đại học lớn. Tuy nhiên, đành phải lượng sức mình. Cũng có người khuyên hay để sang năm tiếp tục “chiến đấu”, nhưng chị hiểu lực học và tính cách con trai, khuyên con không nên chần chừ, để một năm chờ đợi, mà cần quyết định học ngay. Dù không vào được trường con mong ước, nhưng vẫn vào được học ngành con yêu thích, dù học phí ở mức cao.

Sau khi thi trượt, nên đi học nghề; học tạm một ngành nào đó; hay chờ đợi một năm, thi lại để có cơ hội vào được đúng nguyện vọng yêu thích là băn khoăn của nhiều thí sinh.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, điều quan trọng nhất là các bạn đã định hướng nghề nghiệp chính xác chưa, xác định được mục tiêu trong cuộc đời của mình thế nào, 5 năm tới muốn trở thành người ra sao?

Vấn đề là bạn đã thực sự hiểu bản thân mình chưa, chứ không phải ngôi trường mà bạn đã đỗ hoặc trượt. Vì khi đã xác định được mục tiêu của mình, thì có rất nhiều con đường để đi tới, đạt được mục tiêu đó, không nhất thiết phải vào một trường nào đó, chỉ có duy nhất ngôi trường đó mới có thể hiện thực hóa được ước mơ, mục tiêu của mình.

Thực tế, không phải tất cả những gì học trong trường đã đủ để cho các em có kỹ năng làm được tốt nghề mà các em tưởng tượng. Mà các em phải học thêm, trải nghiệm rất nhiều thứ. Thậm chí, có những thứ có thể tự học, hoặc học online trên mạng

Cho nên, quyết định như thế nào là do các em, nhưng quyết định đó cần được dựa trên việc đã xác định mục tiêu như thế nào. Các chuyên gia cũng chỉ giúp các em hiểu rõ về bản thân mình, từ đó đưa ra lựa chọn.

Theo ông Nam, có một điều đặc biệt, là dù theo con đường nào, có một kỹ năng quan trọng cần phải có, đó là tự học. Kỹ năng tự học thể hiện qua việc thứ nhất, các em phải tự xác định mục tiêu; Thứ hai phải tự lên được kế hoạch học tập cho mình; Thứ ba là phải tự tìm ra các phương pháp và tự tìm hiểu những tư vấn từ những người khác để học hỏi; thứ tư là tự đánh giá được xem so với mục tiêu ban đầu, hiện tại mình đã đạt được bao nhiêu phần trăm; và thứ năm là có kế hoạch để tiếp tục như thế nào.

Khi có được kỹ năng tự học đó, các em sẽ biết cách đạt được mục tiêu, dù đi bất cứ con đường nào.

PGS.TS Trần Văn Tớp, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thí sinh trượt đại học năm nay vẫn được quyền thi THPT Quốc gia năm sau với tư cách thí sinh tự do và đăng ký những tổ hợp mà trường đại học xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lượng sức mình. Và đại học không phải con đường duy nhất vì hiện nay cơ hội vào trường nghề đang mở rộng, thí sinh có thể lựa chọn học nghề. Sau khi học nghề xong, thí sinh cũng có thể học liên thông lên đại học nếu muốn và cơ hội thì luôn rộng mở.

Theo Đời sống
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

“Điều chúng tôi muốn hỗ trợ sinh viên là trong quá trình đó các em học được kỹ năng, tư duy khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân khởi nghiệp, điều mà các em có thể áp dụng ở mọi mặt của cuộc sống, ngay cả trong đời sống hàng ngày và cả sự nghiệp sau này”, TS Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp, Trường Đại học VinUni chia sẻ.
back to top