Lời di huấn để đời của Tướng công Đào Quang Nhiêu- Kỳ 3: Lồng lộng trời xanh không ai dối được

Trong Lời di huấn để lại cho con cháu, Tướng công Đào Quang Nhiêu đặc biệt căn dặn nhiều về những điều bất trung, bất hiếu, vô nhân đạo… không nên phạm phải.

Bảng công nhận di tích đền thờ Tướng công Đào Quang Nhiêu

Có lộc đừng hưởng hết

“Đối với những việc bất trung, bất hiếu, vô nhân nghĩa, ác ý với người ta, lừa dối dân chúng, âm mưu làm loạn, hại nước hại dân, nịnh nọt người trên, khi quân, phản chủ thì chớ làm.

Có lộc đừng hưởng hết, có thế đừng cậy hết, đừng cậy giàu khinh người, cậy mạnh hiếp yếu, đừng giấu điều dở, khoe điều hay, không nói người kia hay, người này dở.

Nghe chuyện ngoài đường mà phao đồn người kia ăn cắp, người này ăn trộm, đừng phá hoại tài sản và việc hôn nhân của người, đừng lấy đồ đạc của người, đừng lấy giấy có chữ mà gói đồ, dán cửa, đừng huỷ hoại liệt kinh truyện Thánh hiền, đừng cúng tế những thứ luộm thuộm, đừng oán trời, đừng trách người, đừng chửi gió mắng mưa, đừng giết các vật đang sinh sản, đừng phỉ báng Thánh hiền, đừng trách người xưa bất nhân, đừng nhắc đến lỗi lầm của người quá cố, không có việc đừng giết trâu, dê, đừng tổ chức ca xướng, đừng lấy đánh bạc làm giàu, đừng kết bạn với những người trộm cắp.

Cùng với một loạt việc không nên làm là: Đánh đổ chức vị người, làm mất danh dự người, nghe vợ mà oán cha mẹ, họ hàng, ham lợi lộc mà bỏ bạn bè, làng xóm, cậy giàu có mà coi thường ngũ cốc, cậy có uy quyền mà ức hiếp mọi người, xúi người kiện nhau, giục người cãi nhau, nuông chiều con cháu đánh người, dung túng người nhà nhũng nhiễu, yêu ai thì mong cho người ta sống, ghét ai thì mong cho người ta chết, thấy người giàu sang thì mong cho người ta sa sút, thấy người có tài thì mong cho người ta lụn bại, đem thuốc độc thả xuống ao cá, đem cung hay mà bắn chim ngủ, khinh người già yếu, đánh người bần cùng, xui người làm điều ác, rủ người làm việc gian, dụ dỗ vợ người, thông dâm với người khác, say sưa rượu chè, ham mê cờ bạc…

Phúc đức nên tích trữ

Thêm những việc không nên làm: Thưởng người phi nghĩa, giết người vô tội, oán thì thù lâu, ơn mong báo gấp, tàn nhẫn với người dưới để nịnh nọt người trên, để cầu lợi, coi thường người mồ côi, ức hiếp người đơn độc, coi thường pháp luật, ăn lấy của lót, lấy cong làm thẳng, lấy nhẹ làm nặng, lên mặt làm oai, làm nhục thân thích, huỷ hoại cây cối, lúa má của người, có mới quên cũ;

Miệng phải lòng trái, gièm người để tôn mình, chê người để tỏ mình là hay, dâm dục tham lam không biết liêm sỉ, đào mả của người, khinh tổ tiên người, dùng lửa đốt rừng, dùng độc hại cây cối, bắn tên vào chỗ tối, đẵn cây vào lúc trưa, tự dưng đâm chém, vô cớ sát phạt, lấp hang, lật tổ bắn chim bay, săn thú chạy, phá gò làm ruộng, cắt mạch đào mả, phỉ nhổ sao sa, chỉ trỏ cầu vồng, lấy tay chỉ sao Tam – Quang, mắt nhìn lâu mặt trời, mặt trăng, giận bực về buổi sáng, ca hát trong tối tăm;

Xuất nhẹ nhập nặng, mua rẻ bán đắt, lấy xấu làm tốt, lấy công làm tư, lấy điều hay của người làm của mình, … hại người trung lương, nêu cái xấu của người, lấy của người làm của mình, cướp cái mà người đang ưa thích…

Lồng lộng trời xanh không ai dối được, chưa ai có mưu đồ mà trời không biết từ xưa đến nay trời chưa bỏ sót ai, thời chưa đến ước mong, việc đã qua chớ lo nghĩ, việc đã đến chớ từ chối, việc đã qua chớ đuổi theo, chớ nói điều vô ích, khi ăn ở, lúc nói năng, trời đều biết;

Phúc đức nên tích trữ, quyền thế đủ thì thôi, ở đời Thế và Phúc thường trước có, sau không, tính mệnh thường như đèn trước gió, cần phải giữ mình, thân kình tạm giữ cõi trần, làm ăn phải có mức độ, thiện ác đều có nơi ghi chép, không chút đơn sai, thân hình như bóng giữa trưa, không tránh khỏi mặt trời soi xét, việc đời không có cái gì không tỏ, cơ trời không có cái gì không báo, người cao cơ mưu thì trời cũng khéo báo ứng…”

TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top