Lọc nước đúng cách cho người dân vùng lũ

(khoahocdoisong.vn) - Lũ lụt khiến tình trạng khan hiếm nước sạch trở nên trầm trọng. Theo các chuyên gia, người dân có thể tự tạo nước sạch bằng những cách đơn giản.

Tạo ra nước đủ chuẩn để uống ngay

Trong lũ lụt, thiếu nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt khi bốn bề ngập nước là một vấn đề môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân. Điều quan trọng là đảm bảo tối thiểu 15 lít nước sạch/người/ngày cho mục đích ăn uống và sinh hoạt để dự phòng bệnh tật. Chính vì vậy, việc hướng dẫn người dân thực hiện xử lý nước lũ thành nước sạch để sử dụng tạm thời là rất cần thiết trước khi dịch vụ cấp nước sạch hoạt động trở lại sau lũ.

PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cho biết, để có nguồn nước khẩn cấp sử dụng, trước hết phải lắng cặn bằng cách giải pháp như túi lọc, phèn chua hay phèn nhôm. Loại phèn nhôm hiện nay đang được sử dụng trong các nhà máy nước, đã được chuẩn hóa, an toàn cho người sử dụng và nước sau lọc có thể uống được ngay mà không cần đun sôi. Nếu không có thì dùng phen chua thay thế với cùng số lượng. Phèn giúp lắng đọng tất cả các loại cặn trong nước, giống như một loại keo tụ khiến chất bẩn lắng xuống phía dưới. Sau khi nước trong hơn thì gạn bỏ cặn, cho nước trong sang một cái xô khác rồi tiến hành khử trùng bằng cloramin B, đợi trong khoảng 15 phút là có thể sử dụng nước để uống trực tiếp được, giống như các loại nước máy thông thường.

Cụ thể, PGS.TS Doãn Ngọc Hải hướng dẫn: Dùng 200g phèn nhôm, cho vào chum, vại hay thùng nước chứa khoảng 20 lít nước và khuấy đều. Nếu không có phèn nhôm, có thể dùng phèn chua. Trường hợp không có phèn, có thể dùng vải sạch để lọc nước, làm vài lần cho đến khi nước trong. Sau đó dùng viên cloramin T hoặc B, hàm lượng 0,25g, một viên để khử khuẩn 25 lít nước. Hoặc khử khuẩn bằng cloramin bột, tính lượng cloramin cần thiết trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg/lit. Ví dụ một thùng nước 20 lít thì lượng cloramin B cần để khử khuẩn là 200mg.

Không lạm dụng chất khử khuẩn

PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ở những vùng bị lũ cô lập vẫn có thể tự lọc được nước từ nguồn nước xung quanh để tạm sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Lưu ý khi dùng phèn chua và cloramin B (được bán nhiều ở các hiệu thuốc), dùng đúng theo chỉ dẫn. Không vì nước đầu vào bẩn hơn mà dùng nhiều hơn, vì dùng nhiều phèn thì nước sẽ chua, khó sử dụng. Cho cloramin B quá nhiều thì nước sẽ bị nhiễm mùi hắc, độc hại cho sức khỏe. Nếu không có cloramin B dự trữ thì có thể sử dụng nước tẩy Javen thay thế. 

Đối với người dân sử dụng giếng nước, việc vệ sinh khử khuẩn là rất cần thiết. GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học phục vụ đời sống và sản xuất cho biết, người dân vệ sinh và khử khuẩn nước giếng bằng cách múc cạn và vét hết bùn dưới giếng, dùng nước giếng dội lên thành giếng nhiều lần cho trôi hết chất bẩn, đất cát, lá cây... Sử dụng phèn chua với liều lượng 50g/m3 nước để làm trong nước giếng ngập lụt. Nếu nước giếng rất đục thì sử dụng tối đa 100g/m3. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu nước rồi tưới đều xuống giếng. Dùng gàu kéo lên xuống khoảng 10 lần. Khi cho phèn chua vào nước đục, phèn tan tạo ra các ion dương. Chờ khoảng 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng. Sau khi giếng nước đã được đánh phèn làm trong thì khử trùng, tùy thuộc vào thể tích giếng bao nhiêu m3 mà dùng lượng cloramin phù hợp.

Đối với nước ăn thường ngày thì nên sử dụng một ít muối hạt hoặc vôi cho vào nước để sát trùng, đảm bảo vệ sinh do nguồn nước ngầm lúc này cũng đã bị ảnh hưởng, ô nhiễm bởi nước mặt bị ngập trong một thời gian dài. Đây là giải pháp làm sạch nước có thể áp dụng trong điều kiện lũ lụt, tuy nhiên cũng không nên kéo dài việc sử dụng nguồn nước này bởi nó không có lợi cho da cũng như cho sức khỏe.

Xử lý nước giếng khơi

Mặc dù khi bị lũ lụt, người dân thường dùng tấm vải nylon hoặc nắp đậy bịt miệng giếng khơi nhưng nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng vì nắp đậy hoặc tấm vải nylon chỉ ngăn được rác, cặn bẩn xâm nhập vào giếng chứ không ngăn chận được nước bẩn vào giếng. Muốn xử lý nguồn nước của giếng khơi bị ô nhiễm, cần tiến hành thực hiện các việc sau đây:

Cần khơi thông tất cả các vũng nước đọng chung quanh khu vực giếng nước. Tháo bỏ nắp đậy hoặc tấm vải nylon bịt miệng giếng. Trước khi làm cho nước trong và khử trùng, phải tiến hành thau vét giếng.

Múc cạn nước và vét hết bùn cặn. Các vùng có điện hoặc có máy nổ, dùng máy bơm điện hút cạn nước rồi thau vét giếng. Trong trường hợp không thau vét được, nên chọn một giếng nước khác để xử lý và dùng chung.

Nếu tất cả các giếng nước trong khu vực đều không thể thau vét được, có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời như múc vài chục lít nước lên bể chứa rồi đánh phèn chua và khử trùng. Sau đó có thể dùng tạm nguồn nước đã xử lý, khi dùng hết nước, thực hiện thêm các đợt khác để sử dụng; chờ vài ngày sau mức nước giếng xuống thấp sẽ tiến hành thau vét.

Trường hợp không có phèn chua để làm trong nguồn nước, có thể làm một bể lọc cát tạm thời bằng một thùng, xô hay vại với thể tích chứa khoảng 20 - 30 lít nước. Đục một lỗ với đường kính chừng 1cm trên vách thành, cách đáy thùng 5cm. Cho một ít đá hoặc gạch vỡ lót ở đáy, đặt một mảnh bao tải gai lên trên rồi đổ cát dày khoảng 25 - 30cm. Đổ nước giếng vào cho đến khi nước chảy ra trong suốt thì lấy để khử trùng.

BS Nguyễn Võ Hinh (nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Thừa Thiên - Huế)

Theo Đời sống
back to top