Lọc máu và điều trị thuốc ức chế miễn dịch: Lưu ý khi tiêm văcxin Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở bệnh nhân lọc máu, ghép thận và các bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch rất cao. Việc đánh giá rủi ro - lợi ích đối với Covid-19, giữa khả năng gây tử vong do virus so với nguy cơ các đợt bùng phát, cho thấy vẫn có thể ưu tiên tiêm chủng trong hầu hết các trường hợp.

Bệnh nhân lọc máu chu kỳ

Các cơ sở lọc máu là những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 rất cao. Sự hình thành kháng thể sau khi nhiễm Covid-19 được ghi nhận ở 100% số bệnh nhân lọc máu, nhưng độ bền của đáp ứng miễn dịch này và mức độ nó chuyển thành miễn dịch bảo vệ vẫn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu giá kháng thể SARS-CoV-2 IgG giảm đáng kể sau 3 tháng kể từ khi chẩn đoán.

Do đó, điều quan trọng là khi các đơn vị lọc máu bắt đầu tiêm chủng Covid-19 cho bệnh nhân, nồng độ kháng thể sau tiêm nên được theo dõi để lên lịch tiêm chủng một cách tối ưu. Hơn nữa, một nghiên cứu đang diễn ra sẽ làm sáng tỏ liệu các loại văcxin cụ thể có mang lại những lợi ích cụ thể cho những người đang chạy thận nhân tạo chu kỳ hay không.

Bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch

Những bệnh nhân mắc bệnh thận do tự miễn hoặc có bệnh lý tự miễn khác đã đều bị loại trừ trong các nghiên cứu chính về văcxin Covid-19. Do đó, hiện không có dữ liệu nào liên quan đến tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của văcxin ngắn hạn và dài hạn ở những bệnh nhân này.

Một số bất cập khác ảnh hưởng đến quyết định tiêm chủng ở nhóm bệnh nhân đặc biệt này cũng cần được giải quyết, ví dụ như thời điểm tiêm chủng và sự sẵn sàng tiêm chủng ở nhóm bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp ức chế CD20 (VD: rituximab) - một phương pháp điều trị đã được biết là làm giảm phản ứng miễn dịch đối với tiêm chủng. Việc quyết định nên trì hoãn điều trị rituximab để tiêm vắc xin hoặc thay thế bằng một liệu pháp ức chế miễn dịch khác nên được cân nhắc kỹ lưỡng vì có thể làm bùng phát bệnh tự miễn của bệnh nhân.

Ở những bệnh nhân mắc bệnh tự miễn đang ở giai đoạn hoạt động, điều trị bệnh tự miễn nên được ưu tiên và xem xét trì hoãn việc tiêm chủng.

Khả năng sinh miễn dịch của văcxin SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân đang sử dụng các phác đồ ức chế miễn dịch thông thường khác cần được nghiên cứu thêm. Trong nhóm bệnh nhân ghép tạng, phản ứng sinh kháng thể trong huyết thanh với văcxin cúm thấp hơn đáng kể so với những người chỉ điều trị với mycophenolate mofetil. Ghi nhận này có thể gợi ý rằng những bệnh nhân trong nhóm này có thể cần điều chỉnh trong liệu trình tiêm chủng.

Một số văcxin Covid-19 cần yêu cầu chất bổ trợ để tăng khả năng sinh miễn dịch của chúng, việc so sánh sự chuyển đổi huyết thanh và tính an toàn của những văcxin này với những văcxin không yêu cầu chất bổ trợ, chẳng hạn như văcxin qua virus trung gian có lỗi sao chép, sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích sau này.

Đã có những lo ngại rằng văcxin có thể gây bùng phát bệnh tự miễn tiềm tàng nhưng rất khó chứng minh và các mối liên quan có ý nghĩa thống kê chưa được báo cáo. Hơn nữa, hiện không có bằng chứng nào cho thấy văcxin gây tái phát bệnh có khả năng gây tử vong hoặc bùng phát các đợt cấp. Về mặt lý thuyết, đáp ứng miễn dịch sau tiêm văcxin sẽ kích hoạt IFNα, có thể gây bùng phát đợt tiến triển ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống.

Tuy nhiên, thông qua việc đánh giá rủi ro -lợi ích đối với Covid-19, giữa khả năng gây tử vong do virus so với nguy cơ các đợt bùng phát, cho thấy vẫn có thể ưu tiên tiêm chủng trong hầu hết các trường hợp. Cần phải cảnh giác với những rủi ro này và nên có các nghiên cứu dịch tễ học sau khi đưa văcxin ra thị trường để phục vụ cho việc phân bổ văcxin đối từng đối tượng cụ thể.

Các nghiên cứu về văcxin Covid-19 có triển vọng liên quan đến bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn nặng và những người ghép thận là cần thiết và có khả năng thực hiện trong tương lai gần. Trong khi đó, bệnh nhân cần được tư vấn về tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hành các biện pháp an toàn như giãn cách xã hội và sử dụng các vật dụng bảo vệ bản thân như khẩu trang, tấm chắn giọt bắn…

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu & lọc máu)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top