Lọc máu cứu bệnh nhân suy đa tạng do viêm màng não cầu

Kết hợp giữa hồi sức tích cực, dùng kháng sinh diệt vi khuẩn, chỉnh rối loạn đông máu và đặc biệt lọc máu liên tục, các bác sĩ

Bệnh gây mất mạng trong 24 giờ

TS Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức – Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, khoa vừa cứu sống một chiến sĩ trẻ bị viêm màng não mô cầu nhiễm khuẩn huyết rất nặng. BN là Nguyễn Văn C. 20 tuổi (Hà Nội) vào viện  trong tình trạng nguy kịch, đe dọa sự sống với các triệu chứng sốt cao, nôn nhiều, rối loạn ý thức, suy hô hấp, suy tuần hoàn, viêm cơ tim, suy thận, ban xuất huyết hoại tử toàn thân do rối loạn đông máu nặng….

BN đã được khẩn trương làm các xét nghiệm và chẩn đoán xác định mắc bệnh do vi khuẩn màng não cầu thể tối cấp tính (nhiễm khuẩn huyết kèm viêm màng não có biến chứng suy đa tạng, rối loạn đông máu nặng) dù bệnh mới ở ngày thứ hai.

Ngay lập tức BN được cách ly và áp dụng các biện pháp điều trị hồi sức tích cực như sử dụng kháng sinh phù hợp để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, lọc máu liêu tục điều trị suy đa tạng, điều chỉnh các rối loạn đông máu và các biện pháp hồi sức tổng hợp khác. Sau 3 ngày điều trị tích cực, BN tỉnh trở lại, rối loạn chức năng các cơ quan dần hồi phục. BN khỏi bệnh hoàn toàn và ra viện về đơn vị công tác sau 15 ngày điều trị.

TS Vũ Viết Sáng cho biết, VMNMCK là tình trạng nhiễm khuẩn nặng màng não (tổ chức bao phủ não và tuỷ sống) và nhiễm khuẩn huyết, phát triển mạnh vào mùa đông xuân. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn rất nguy hiểm. Bệnh diễn biến cấp tính và có thể lấy đi sinh mạng hoặc biến người khỏe mạnh thành tàn tật chỉ trong vòng 24 giờ sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Theo đó, vi khuẩn màng não cầu là một loại vi khuẩn gram âm, sống cộng sinh ở niêm mạc đường hô hấp trên. Khoảng 5-10% người khỏe mạnh có vi khuẩn này ở niêm mạc mũi họng. Khi có sự mất cân bằng trong mối tương tác giữa vi khuẩn và cơ thể người, vi khuẩn sẽ gây bệnh cho người với nhiều thể bệnh khác nhau như: viêm họng cấp, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn huyết phối hợp viêm màng não, nhiễm khuẩn tối cấp tính gây sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và xuất huyết toàn thân do rối loạn đông máu nặng.

Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong từ 5-10%. Thể nhiễm khuẩn huyết tối cấp tính thường có tỷ lệ tử vong rất cao.

 Lọc máu liên tục cho BN C.

Tránh được những di chứng nghiêm trọng

TS Sáng cho biết, VNMCK là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh hoặc gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có dính chất tiết từ đường hô hấp của người lành mang trùng. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Bệnh tiến triển rất nhanh và khó phát hiện trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Vi khuẩn não mô cầu gây nên các tổn thương ở não, làm mất khả năng nghe và khả năng học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu gây sốc và tử vong nhanh. Nếu người bệnh may mắn sống sót thì có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý….

Trường hợp của BN C. nhờ áp dụng những phương pháp chẩn đoán và điều trị tích cực, hiện đại như kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật nuôi cấy vi sinh vật trong chẩn đoán…và lọc máu liên tục không chỉ cứu sống được BN mà BN cũng tránh được các di chứng nghiêm trọng của bệnh. Lọc máu liên tục là loại bỏ các chất độc và các yếu tố gây viêm trong máu, từ đó làm giảm quá trình viêm, giảm biến chứng suy đa tạng, bên cạnh đó hỗ trợ các tạng suy, làm giảm tỷ lệ tử vong.

Theo TS Sáng, dự phòng mắc bệnh VMNMCK chủ yếu là phát hiện, cách ly và điều trị sớm người bệnh bằng kháng sinh đặc hiệu nhằm tránh lây lan cho cộng đồng; phun thuốc khử trùng (dung dịch cloramin B 2,5%) tại nơi có ổ dịch và tại buồng bệnh; uống thuốc kháng sinh điều trị dự phòng đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Có thể tiêm văcxin phòng nhiễm màng não cầu cho một số đối tượng có nguy cơ cao.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top